Thị trường chứng khoán toàn cầu biến động trái chiều

Ngày 28/5, chứng khoán Mỹ mất điểm sau khi thị trường đón nhận những kết quả kinh doanh tốt xấu đan xen trong khi chứng khoán châu Âu lại phần lớn tăng điểm.
Thị trường chứng khoán toàn cầu biến động trái chiều ảnh 1Một nhà đầu tư tại sàn giao dịch chứng khoán New York. (Nguồn: AP)
Chứng khoán Mỹ mất điểm phiên 28/5 sau khi thị trường đón nhận những kết quả kinh doanh tốt xấu đan xen từ một số doanh nghiệp niêm yết, trong khi nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi các số liệu kinh tế quan trọng sắp được công bố vào hai ngày cuối tuần.
Đóng cửa phiên 28/5, cả ba chỉ số chủ chốt của phố Wall đều mất điểm, trong đó Dow Jones Industrial giảm 42,32 điểm (0,25%) xuống 16.633,18 điểm; S&P 500 trượt 2,13 điểm (0,11%) xuống 1.909,78 điểm - chấm dứt hai phiên liền đóng cửa ở mức cao kỷ lục; và Nasdaq Composite lùi 11,99 điểm (0,28%) về 4.225,08 điểm.
Trong phiên không có thông tin kinh tế nào được công bố, nhà đầu tư đành phải trông chờ vào những số liệu sẽ được đưa ra trong hai ngày cuối tuần để lấy đó làm định hướng giao dịch, trong đó có điều chỉnh lần hai về tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 của Mỹ, cùng doanh số bán nhà đã qua sử dụng và lượng người đăng ký thất nghiệp lần đầu trong tuần trước (đều được công bố vào ngày 29/5).
Cùng ngày ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu lại phần lớn tăng điểm, song chứng khoán Đức lại càng rời xa ngưỡng quan trọng 10.000 điểm do số liệu thất vọng về thất nghiệp.
Đóng cửa phiên 28/5, hai trong ba chỉ số chính của chứng khoán châu Âu ghi điểm, trong đó FTSE 100 của Anh tăng 0,09% lên 6.851,22 điểm; CAC 40 của Pháp tăng 0,04% lên 4.531,63 điểm - mức cao nhất của chỉ số này kể từ đầu năm tới nay.
Riêng DAX 30 của Đức giảm nhẹ 0,02% xuống 9.939,87 điểm, tuột khỏi mức cao kỷ lục 9.957,87 điểm (xấp xỉ ngưỡng 10.000 điểm) vừa lập được trong phiên trước đó (27/5).
Phiên này, đồng euro lại giảm giá so với USD khi vẫn chịu sức ép trước những đồn đoán rằng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ sớm công bố các giải pháp kích thích tăng trưởng mới nhằm đẩy lui tình trạng thiểu phát.
Theo các chuyên gia phân tích, sau khi tăng một mạch ngay từ phiên đầu tuần, chứng khoán châu Âu phiên 28/5 có dấu hiệu điều chỉnh.
Bên cạnh đó, số liệu về lượng người thất nghiệp cao hơn dự kiến tại nền kinh tế đầu tàu của khu vực là Đức cũng khiến nhà đầu tư "chùn tay."
Theo số liệu chính thức, tổng số người thất nghiệp tại Đức đã tăng thêm 24.000 người trong tháng Năm, và tháng này tuy vẫn giữ được tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục là 6,7%, nhưng số người thất nghiệp mới vẫn cao hơn so với dự báo của giới chuyên gia.
Sang phiên 29/5 trên thị trường châu Á, các thị trường chủ chốt trong khu vực đang có những diễn biến trái chiều, với chứng khoán Tokyo và Seoul hầu như không biến động, Hong Kong và Thượng Hải (Trung Quốc) đang tạm tăng lần lượt là 0,27% và 0,25%, Sydney giảm 0,15%.
Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi HSBC công bố số liệu chính thức về chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc, Mỹ và châu Âu với hy vọng những con số này đều sẽ được cải thiện. Trung Quốc cũng có kế hoạch công bố số liệu PMI chính thức của họ vào ngày Chủ nhật (1/6) tới./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục