Thị trường chứng khoán: "Vực dậy" từ đâu?

Năm 2008, thị trường chứng khoán được ví như một bức tranh ảm đạm với quá nhiều gam màu tối. Việc thị trường suy giảm giao dịch cả về số lượng và giá trị, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố lỗ đã khiến tâm lý các nhà đầu tư bi quan kéo dài.

Năm 2008, thị trường chứng khoán được ví như một bức tranh ảm đạm với quá nhiều gam màu tối. Việc thị trường suy giảm giao dịch cả về số lượng và giá trị, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố lỗ đã khiến tâm lý các nhà đầu tư bi quan kéo dài.

Trước thực trạng đó, cuối tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã mời các hiệp hội, nhà đầu tư và đại diện doanh nghiệp đến để lắng nghe và tìm giải pháp “vực dậy” thị trường trong năm 2009.

Bắt đầu bằng tạo dựng niềm tin

“Niềm tin không chỉ đến từ những quy định hay chế tài mà còn đến từ chính cách hành xử của doanh nghiệp” ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam đã nhấn mạnh vấn đề này khi bắt đầu bài phát biểu của mình. Ông Cường đã chỉ ra những hạn chế trên thị trường khiến niềm tin của nhà đầu tư (nhà đầu tư) giảm sút, như việc cho tới thời điểm hiện nay các “thông tin đầu vào” của thị trường chứng khoán như thông tin trong cáo bạch, của các công ty niêm yết chưa hoàn toàn được kiểm chứng độc lập.

Bên cạnh đó, nhiều công ty niêm yết chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu công bố thông tin, thiếu minh bạch, chính xác, trung thực, đầy đủ và kịp thời. Chẳng hạn, không ít doanh nghiệp công bố thông tin chưa chính xác và sau đó đính chính lại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyết định của công chúng đầu tư.

Ông Cường kiến nghị, các công ty niêm yết nên coi trọng việc công bố thông tin minh bạch, chính xác, trung thực, đầy đủ và kịp thời, đó không chỉ là trách nhiệm đối với nhà đầu tư mà là trách nhiệm đối với chính sự phát triển ổn định, bền vững của mình. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần rà soát lại các quy định về kiểm toán, kế toán tài chính để tiếp tục hoàn thiện các quy định còn chưa đầy đủ, nhất quán, mâu thuẫn với các quy định hiện hành khác và chưa thực sự phù hợp với thực tế cũng như thông lệ quốc tế; cần có quy định khuyến khích và có thể tiến tới bắt buộc các công ty IPO hoặc niêm yết lần đầu phải có trách nhiệm nộp các báo cáo thẩm định các báo cáo tài chính và cáo bạch của công ty để đảm bảo “thông tin đầu vào minh bạch” cho thị trường.

Ở góc độ của doanh nghiệp, phần kiến nghị của ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) cũng nhấn mạnh đến vai trò của niềm tin. Thị trường có lúc lên, lúc xuống nhưng sẽ chỉ đứng vững nếu các nhà đầu tư vẫn có được niềm tin. Giá CP có lúc đắt, lúc rẻ nhưng giá trị doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào khả năng sinh lời, tiềm năng phát triển, hiệu quả quản lý và khả năng chèo lái của người lãnh đạo.

Để giữ vững niềm tin thì các bên tham gia thị trường cần phải hành động nhanh chóng, kiên quyết thực hiện các giải pháp đã nêu ra. Cùng với việc ứng phó kịp thời với những tình huống mới sẽ có tác dụng tốt đối với thị trường.

Nhìn nhận vấn đề trên dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chia sẻ, trong lúc thị trường chứng khoán đang đi xuống thì niềm tin và chất lượng của công bố thông tin càng phải được coi trọng. Càng coi trọng thì mới mong lấy được niềm tin của công chúng đầu tư. Chính vì vậy, một trong các nhiệm vụ trọng tâm năm 2009 mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai là Thông tư 38 về công bố thông tin đang được tiến hành sửa đổi.

Giãn, giảm thuế để kích cầu thị trường

Những con số mà ông Nguyễn Băng Tâm, Phó Chủ tịch câu lạc bộ các doanh nghiệp niêm yết, đưa ra tại buổi họp đã chỉ rõ mức độ đáng quan ngại của thị trường chứng khoán năm 2008. Chỉ số VN- In dex giảm gần 70% so với đầu năm, mức giảm thấp nhất trong 8 năm. Cùng với hàng chục nghìn tỷ đổng thị trường bốc hơi, hiện nay trên sàn niêm yết chỉ còn lại 5 cổ phiếu có vốn hóa thị trường đạt trên 10 nghìn tỷ đồng so với năm 2007 là 12 cổ phiếu.

Trong các giải pháp được đưa ra để “vực dậy” thị trường thì việc tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư và giãn, giảm thuế được kiến nghị nhiều nhất.

Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán, gói giải pháp kích cầu của Chính phủ cũng tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán có thêm niềm tin nhưng cũng chưa có sự hỗ trợ trực tiếp đối với thị trường chứng khoán. Do đó, để kích cầu Chính phủ cũng nên bỏ hẳn thu thuế nhập cá nhân với chứng khoán trong thời gian từ 3 đến 5 năm, khi thị trường hồi phục và phát triển quá nóng hãy sử dụng công cụ thuế để điều tiết; xây dựng Quỹ bình ổn thị trường nhằm kích cầu thị trường chứng khoán.

Thực tế cho thấy, việc chuyển nhượng chứng khoán mới tác động khoảng 1/10 doanh nghiệp, các yếu tố giao dịch OTC còn nhiều nhưng chưa quản lý. Bỏ thuế cũng là yếu tố kích thích thị trường phát triển mà các nước cũng đã làm, như Trung Quốc đã bỏ hẳn việc đánh thuế đầu tư chứng khoán.

Đại diện Công ty chứng khoán Ngân hàng á châu (ACBS) cũng cho rằng Thông tư 27 của Bộ Tài chính về việc giãn thuế thu nhập cá nhân vừa ban hành là phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn phải chờ quyết định của Quốc hội vào tháng 5 tới là có đuợc giữ lại số thuế được giãn nộp hay miễn nộp luôn. Điều mà nhà đầu tư trông chờ chính là các chính sách được ban hành ra cần có sự rõ ràng và cụ thể để nhà đầu tư có thể đưa ra những dự đoán và quyết định chính xác hơn.

Ngay tại buổi họp này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã chính thức kiến nghị tiếp tục giãn thuế thu nhập cá nhân (khoảng 1-2 năm) áp dụng đối với các hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán (bao gồm thuế đánh vào doanh thu, cổ tức và trái tức) để khi thị trường ổn định hơn sẽ áp dụng. Ngoài ra, cũng không nên đánh thuế đối với cổ phần thưởng cho cổ đông vì đó là vấn đề tái đầu tư.

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Đoan Hùng khẳng định, năm 2009, cơ quan này sẽ tập trung vào các mục tiêu trước mắt để ổn định thị trường đồng thời tiếp tục khẩn trương triển khai các mục tiêu dài hạn để tạo ra sự cải cách, đổi mới nhằm đón trước các cơ hội trong tương lai.

Cụ thể, trước mắt, sẽ tăng cường chất lượng kiểm toán, công bố thông tin và tuân thủ quản trị công ty trong các công ty niêm yết, công ty đại chúng ; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, xử phạt, bảo vệ nhà đầu tư ; xử lý tốt các công ty niêm yết, công ty chứng khoán thua lỗ: hợp nhất, giải thể, phá sản tránh tác động xấu đến thị trường, lành mạnh hoá các tổ chức kinh doanh chứng khoán ; ổn định hoạt động thị trường và tâm lý nhà đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục