Thị trường đồ chơi trẻ em nhộn nhịp trước ngày tết Trung thu

Theo đánh giá của nhiều tiểu thương, thị trường đồ chơi Trung thu năm nay có mẫu mã khá đa dạng, giá thành tăng khoảng 10-20% so với năm trước và ưu thế thuộc về các sản phẩm đồ thủ công trong nước.

Đến hẹn lại lên, tháng Tám Âm lịch là thời điểm những con phố đồ chơi nổi tiếng tại Hà Nội như phố Hàng Mã, phố Lương Văn Can... như được khoác lên mình tấm áo mới, với điểm nhấn là các món đồ chơi Trung thu bắt mắt được bày bán tràn ngập tại các gian hàng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, còn ba ngày nữa mới đến Tết Trung thu (ngày 15/8 Âm lịch) nhưng không khí tại phố Hàng Mã và phố Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã sớm nhộn nhịp. Các sản phẩm đồ chơi với mẫu mã đa dạng, màu sắc và kiểu dáng bắt mắt gây ấn tượng cả với những du khách nước ngoài.

[Sắc truyền thống 'nhuộm màu' đồ chơi trẻ em mùa Trung Thu năm 2022]

Đưa con đến phố Hàng Mã để chọn mua đồ chơi Trung thu, chị Thu Hà (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết năm nay tình hình dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát, vì vậy mà khu phố đồ chơi cũng trở nên nhộn nhịp hơn so với năm ngoái.

“Cho dù các món đồ chơi như đèn ông sao, mặt nạ, lồng đèn... đều có thể mua ở nhiều nơi, nhưng tôi nghĩ không dễ để các con cảm nhận được không khí Trung thu rõ ràng như tại phố Hàng Mã,” chị Hà chia sẻ.

Thị trường đồ chơi trẻ em nhộn nhịp trước ngày tết Trung thu ảnh 1Năm nay, các sản phẩm đồ chơi truyền thống được sản xuất trong nước chiếm ưu thế trên thị trường. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Theo khảo sát tại nhiều gian hàng, giá sản phẩm đồ chơi Trung thu được bày bán ở Hàng Mã năm nay không có nhiều biến động: các loại mặt nạ nhựa có giá từ 15.000 đến 20.000 đồng/chiếc; các loại đèn phát sáng chạy bằng pin có giá từ 30.000 đến 80.000 đồng/chiếc; đèn ông sao có giá từ 20.000 đến 40.000 đồng/chiếc; đèn lồng cầm tay có giá từ 60.000 đồng/chiếc; mặt nạ giấy bồi có giá từ 80.000 đồng/chiếc; đầu lân có giá đắt nhất từ 100.000 đến hơn 1 triệu đồng/bộ, tùy theo kích cỡ...

“Năm nay, hàng hóa bày bán ở phố Hàng Mã đa phần là đồ chơi truyền thống như đèn lồng, đèn ông sao, mặt nạ... được làm thủ công trong nước. Những mặt hàng này chiếm khoảng 65%, số còn lại là đồ chơi đã nhập khẩu từ năm trước. Những món đồ chơi mang đậm giá trị văn hóa dân tộc và an toàn sẽ giúp các bé đón một dịp “Tết trông trăng” trọn vẹn và đầy ý nghĩa,” chị Nguyễn Xuân Thu, tiểu thương tại phố Hàng Mã cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục