Nhiều năm qua, khi hướng mạnh vào mục tiêu tăng xuất khẩu, việc phát triển thị trường nội địa đã chưa được đầu tư thỏa đáng.
Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cần nhận thức rằng phát triển thị trường nội địa trong thời kỳ hội nhập không có nghĩa là ưu tiên phát triển công nghiệp thay thế nhập khẩu, mà cần xem đó là điểm tựa để các doanh nghiệp Việt Nam vững tin đi ra biển lớn.
Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của thị trường nội địa trong thời gian qua, nhất là sau cuộc khủng hoảng kinh tế lan rộng tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam?
Ông Nguyễn Lộc An: Theo số liệu thống kê năm 2009 thì bình quân mỗi người dân Việt Nam đã chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ khoản tiền là 438.000 đồng/năm. Năm 2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 1.565.189 tỷ đồng tăng 28,87% so với năm 2009, còn tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2011 ước đạt 2.004.361 tỷ đồng, tăng 24,18% so với năm 2010 (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì mức tăng chỉ 4,7%).
Điều đó cho thấy niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam có rất nhiều triển vọng nhưng so với quy mô dân số trên 86 triệu người thì mức chi như trên vẫn còn khá khiêm tốn, tiềm năng của thị trường nội địa cho doanh nghiệp còn rất lớn.
Sự tăng trưởng của thị trường nội địa mấy năm qua chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng đô thị, trong khi thị trường nông thôn chiếm đến 70% dân số cả nước với quy mô tiêu dùng cao gấp 3 lần so với thành thị nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được khai thác triệt để.
Về hệ thống phân phối, mặc dù các hình thức phân phối hàng hoá và dịch vụ ở nước ta đang dần thay đổi (năm 1995 Việt Nam chỉ có 10 siêu thị và hai trung tâm thương mại, đến năm 2007 có ít nhất 140 siêu thị, 20 trung tâm thương mại, đến năm 2011 đã có khoảng 638 siêu thị, 117 trung tâm thương mại cùng với khoảng 8.653 chợ các loại).
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, loại hình phân phối hiện đại đã có tốc độ phát triển nhanh, hình thức kinh doanh truyền thống vẫn đang là nền tảng của thị trường kinh doanh bán lẻ ở nước ta, với 90% hàng hóa được lưu thông tại các chợ truyền thống và những cửa hàng mặt tiền.
Do vậy, thị trường rất dễ bị tổn thương khi có những biến động và kiểm soát thị trường là rất khó. Đơn cử, cơn sốt giá gạo năm 2008 có nguyên nhân chính là do mạng lưới phân phối trong nước yếu kém, không được tổ chức và thiết kế để trở thành những hệ thống phân phối chuyên nghiệp.
Còn về sản phẩm trên thị trường nội địa thì dù doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được rất nhiều mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu, nhưng việc tiêu thụ những mặt hàng này ở nước ta còn rất khiêm tốn, không đúng tiềm năng.
Chẳng hạn sản lượng cà phê ở nước ta hàng năm thu hoạch được 700.000 - 800.000 tấn thì lượng cà phê tiêu thụ nội địa chỉ đạt gần 3,6% trong khi theo đánh giá có thể đạt mức khoảng 10% hay mỗi năm thị trường dệt may nội địa chỉ tăng trưởng 15%, trong khi ngoài 86 triệu dân, Việt Nam còn có khoảng trên sáu triệu khách du lịch mỗi năm...
Xác định tầm quan trọng của thị trường nội địa như vậy, thì với đặc thù của Việt Nam, Bộ Công Thương dành ưu tiên cho những chính sách nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Lộc An: Để xây dựng chiến lược phát triển thị trường nội địa, trước hết chúng ta cần nghiên cứu và phân tích kỹ những cam kết mở cửa dịch vụ phân phối mà nước ta đã cam kết khi gia nhập WTO.
Kinh nghiệm trên toàn thế giới từ nhiều năm nay cho thấy những nước đi theo con đường phát triển công nghiệp thay thế nhập khẩu luôn luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, năng lực cạnh tranh quốc gia yếu kém, sử dụng tài nguyên, nhân lực và đồng vốn kém hiệu quả hơn so với những nước chọn con đường phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu.
Nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Singapore và gần đây là Trung Quốc là những trường hợp điển hình thành công của chiến lược phát triển kinh tế hướng về xuất khẩu.
Trong khi đó, Brazil, Argentina là cái nôi của lý thuyết phát triển dựa vào thị trường nội địa - cũng phải từ bỏ chiến lược phát triển hướng nội để đi theo con đường xuất khẩu, hướng vào thị trường thế giới.
Còn ở nước ta, nếu các doanh nghiệp chỉ hướng vào chiếm lĩnh thị trường nội địa mà không còn chú trọng đến xuất khẩu, tình trạng nhập siêu sẽ ngày càng tăng, dự trữ ngoại tệ quốc gia ngày càng cạn, thiếu ngoại tệ để làm nguồn vốn cho phát triển kinh tế sau này.
Do vậy, với đặc thù của Việt Nam, cần có những giải pháp đồng bộ từ khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm đến khâu xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm, thay đổi tâm lý và thói quen của người tiêu dùng.
Xin ông cho biết cụ thể hơn về những định hướng và chính sách cần phải tập trung và tháo gỡ trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Lộc An: Theo tôi, trong đó, về phía nhà nước, trong bối cảnh hiện nay, cần tháo gỡ cho các doanh nghiệp những khó khăn về lãi suất, quyền sở hữu tài sản được bảo vệ, bộ máy hành chính tốt, một lực lượng lao động được đào tạo và có kỷ luật cao, một mức lạm phát thấp và một cơ chế vận hành thị trường nội địa phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Về lâu dài, hoàn thiện hệ thống chính sách chống hàng lậu, hàng giả và ủng hộ hàng Việt Nam. Tập trung vào việc nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng. Về lâu dài, xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển mạng lưới phân phối trên thị trường nội địa, trong đó cần đặc biệt chú ý thị trường nông thôn.
Bám vào định hướng trên thì thời gian tới, việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc hợp tác xây dựng hệ thống phân phối ngành hàng theo kế hoạch phát triển mạng lưới, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể chiếm lĩnh được những vị trí đắc lợi trong mạng lưới phân phối sẽ là một ưu tiên.
Theo dự báo, năm 2012, trước những biến động của thế giới dự kiến tổng mức bán lẻ thị trường nội địa ước đạt khoảng 100 tỷ USD. Trong giai đoạn 2011 - 2020 dự kiến tăng trưởng 10% bình quân/1 năm, tỷ trọng lưu chuyển hàng hóa trong nước chiếm khoảng 20% của GDP.
Thực tế hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn đối với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Nếu doanh nghiệp trong nước không tự chủ, khó có thể cạnh tranh được với những tập đoàn lớn của nước ngoài.
Ở góc độ doanh nghiệp, cần nhận thức rằng việc hạn chế hoặc chấm dứt nhập khẩu những loại mặt hàng trong nước đã sản xuất ổn định và đạt tiêu chuẩn là mục tiêu rất quan trọng để phát triển thị trường nội địa.
Đặc biệt, chiến lược phân lớp thị trường, xác định đúng đối tượng khách hàng phù hợp với chiến lược phát triển, với lợi thế và khả năng của mình, trong đó hướng vào các phân khúc thị trường nhất là những sản phẩm cho những người có thu nhập trung bình và thấp (chiếm đến 90% dân số) sẽ là yếu tố thành công nhất.
Xin cảm ơn ông./.
Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cần nhận thức rằng phát triển thị trường nội địa trong thời kỳ hội nhập không có nghĩa là ưu tiên phát triển công nghiệp thay thế nhập khẩu, mà cần xem đó là điểm tựa để các doanh nghiệp Việt Nam vững tin đi ra biển lớn.
Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của thị trường nội địa trong thời gian qua, nhất là sau cuộc khủng hoảng kinh tế lan rộng tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam?
Ông Nguyễn Lộc An: Theo số liệu thống kê năm 2009 thì bình quân mỗi người dân Việt Nam đã chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ khoản tiền là 438.000 đồng/năm. Năm 2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 1.565.189 tỷ đồng tăng 28,87% so với năm 2009, còn tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2011 ước đạt 2.004.361 tỷ đồng, tăng 24,18% so với năm 2010 (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì mức tăng chỉ 4,7%).
Điều đó cho thấy niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam có rất nhiều triển vọng nhưng so với quy mô dân số trên 86 triệu người thì mức chi như trên vẫn còn khá khiêm tốn, tiềm năng của thị trường nội địa cho doanh nghiệp còn rất lớn.
Sự tăng trưởng của thị trường nội địa mấy năm qua chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng đô thị, trong khi thị trường nông thôn chiếm đến 70% dân số cả nước với quy mô tiêu dùng cao gấp 3 lần so với thành thị nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được khai thác triệt để.
Về hệ thống phân phối, mặc dù các hình thức phân phối hàng hoá và dịch vụ ở nước ta đang dần thay đổi (năm 1995 Việt Nam chỉ có 10 siêu thị và hai trung tâm thương mại, đến năm 2007 có ít nhất 140 siêu thị, 20 trung tâm thương mại, đến năm 2011 đã có khoảng 638 siêu thị, 117 trung tâm thương mại cùng với khoảng 8.653 chợ các loại).
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, loại hình phân phối hiện đại đã có tốc độ phát triển nhanh, hình thức kinh doanh truyền thống vẫn đang là nền tảng của thị trường kinh doanh bán lẻ ở nước ta, với 90% hàng hóa được lưu thông tại các chợ truyền thống và những cửa hàng mặt tiền.
Do vậy, thị trường rất dễ bị tổn thương khi có những biến động và kiểm soát thị trường là rất khó. Đơn cử, cơn sốt giá gạo năm 2008 có nguyên nhân chính là do mạng lưới phân phối trong nước yếu kém, không được tổ chức và thiết kế để trở thành những hệ thống phân phối chuyên nghiệp.
Còn về sản phẩm trên thị trường nội địa thì dù doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được rất nhiều mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu, nhưng việc tiêu thụ những mặt hàng này ở nước ta còn rất khiêm tốn, không đúng tiềm năng.
Chẳng hạn sản lượng cà phê ở nước ta hàng năm thu hoạch được 700.000 - 800.000 tấn thì lượng cà phê tiêu thụ nội địa chỉ đạt gần 3,6% trong khi theo đánh giá có thể đạt mức khoảng 10% hay mỗi năm thị trường dệt may nội địa chỉ tăng trưởng 15%, trong khi ngoài 86 triệu dân, Việt Nam còn có khoảng trên sáu triệu khách du lịch mỗi năm...
Xác định tầm quan trọng của thị trường nội địa như vậy, thì với đặc thù của Việt Nam, Bộ Công Thương dành ưu tiên cho những chính sách nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Lộc An: Để xây dựng chiến lược phát triển thị trường nội địa, trước hết chúng ta cần nghiên cứu và phân tích kỹ những cam kết mở cửa dịch vụ phân phối mà nước ta đã cam kết khi gia nhập WTO.
Kinh nghiệm trên toàn thế giới từ nhiều năm nay cho thấy những nước đi theo con đường phát triển công nghiệp thay thế nhập khẩu luôn luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, năng lực cạnh tranh quốc gia yếu kém, sử dụng tài nguyên, nhân lực và đồng vốn kém hiệu quả hơn so với những nước chọn con đường phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu.
Nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Singapore và gần đây là Trung Quốc là những trường hợp điển hình thành công của chiến lược phát triển kinh tế hướng về xuất khẩu.
Trong khi đó, Brazil, Argentina là cái nôi của lý thuyết phát triển dựa vào thị trường nội địa - cũng phải từ bỏ chiến lược phát triển hướng nội để đi theo con đường xuất khẩu, hướng vào thị trường thế giới.
Còn ở nước ta, nếu các doanh nghiệp chỉ hướng vào chiếm lĩnh thị trường nội địa mà không còn chú trọng đến xuất khẩu, tình trạng nhập siêu sẽ ngày càng tăng, dự trữ ngoại tệ quốc gia ngày càng cạn, thiếu ngoại tệ để làm nguồn vốn cho phát triển kinh tế sau này.
Do vậy, với đặc thù của Việt Nam, cần có những giải pháp đồng bộ từ khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm đến khâu xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm, thay đổi tâm lý và thói quen của người tiêu dùng.
Xin ông cho biết cụ thể hơn về những định hướng và chính sách cần phải tập trung và tháo gỡ trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Lộc An: Theo tôi, trong đó, về phía nhà nước, trong bối cảnh hiện nay, cần tháo gỡ cho các doanh nghiệp những khó khăn về lãi suất, quyền sở hữu tài sản được bảo vệ, bộ máy hành chính tốt, một lực lượng lao động được đào tạo và có kỷ luật cao, một mức lạm phát thấp và một cơ chế vận hành thị trường nội địa phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Về lâu dài, hoàn thiện hệ thống chính sách chống hàng lậu, hàng giả và ủng hộ hàng Việt Nam. Tập trung vào việc nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng. Về lâu dài, xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển mạng lưới phân phối trên thị trường nội địa, trong đó cần đặc biệt chú ý thị trường nông thôn.
Bám vào định hướng trên thì thời gian tới, việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc hợp tác xây dựng hệ thống phân phối ngành hàng theo kế hoạch phát triển mạng lưới, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể chiếm lĩnh được những vị trí đắc lợi trong mạng lưới phân phối sẽ là một ưu tiên.
Theo dự báo, năm 2012, trước những biến động của thế giới dự kiến tổng mức bán lẻ thị trường nội địa ước đạt khoảng 100 tỷ USD. Trong giai đoạn 2011 - 2020 dự kiến tăng trưởng 10% bình quân/1 năm, tỷ trọng lưu chuyển hàng hóa trong nước chiếm khoảng 20% của GDP.
Thực tế hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn đối với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Nếu doanh nghiệp trong nước không tự chủ, khó có thể cạnh tranh được với những tập đoàn lớn của nước ngoài.
Ở góc độ doanh nghiệp, cần nhận thức rằng việc hạn chế hoặc chấm dứt nhập khẩu những loại mặt hàng trong nước đã sản xuất ổn định và đạt tiêu chuẩn là mục tiêu rất quan trọng để phát triển thị trường nội địa.
Đặc biệt, chiến lược phân lớp thị trường, xác định đúng đối tượng khách hàng phù hợp với chiến lược phát triển, với lợi thế và khả năng của mình, trong đó hướng vào các phân khúc thị trường nhất là những sản phẩm cho những người có thu nhập trung bình và thấp (chiếm đến 90% dân số) sẽ là yếu tố thành công nhất.
Xin cảm ơn ông./.
Xuân Quảng (Vietnam+)