Thị trường TPCP - Kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách Nhà nước

Thị trường TPCP chuyên biệt đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn an toàn, hiệu quả cho Ngân sách Nhà nước, là thị trường tham chiếu về lãi suất cho các thị trường tài chính và hàng hóa.
Thị trường TPCP - Kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách Nhà nước ảnh 1Toàn bộ hàng hóa trên thị trường TPCP chuyên biệt được phát hành qua đấu thầu tập trung từ năm 2006 và niêm yết tập trung từ năm 2008 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)

Trải qua 14 năm hoạt động, đến nay, thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã đạt được những kết quả ấn tượng, được công chúng đầu tư ghi nhận. Liên tục trong các năm 2013, 2014, 2018, 2019 thị trường TPCP Việt Nam được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đánh giá là một trong các thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Á. 

Tuy nhiên, quy mô của thị trường TPCP Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 19,77% GDP, còn tương đối kiêm tốn so với các nước trong khu vực, như Singapore chiếm 49,6% GDP, Thái Lan 73% GDP, Hàn Quốc 73,6% GDP. Vì thế, thị trường TPCP Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai.

Kênh huy động vốn an toàn, hiệu quả

Có thể khẳng định thị trường TPCP chuyên biệt đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn an toàn, hiệu quả cho Ngân sách Nhà nước. Đây là thị trường tham chiếu về lãi suất cho các thị trường tài chính và hàng hóa của nền kinh tế. Đến nay, ngoài hai vai trò chính nêu trên, thị trường còn đang là kênh đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là khi nền kinh tế chịu tác động nặng nề bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

[HNX tổ chức 21 đợt đấu thầu trái phiếu, huy động gần 33.300 tỷ đồng]

Theo HNX, giá trị huy động vốn qua kênh đấu thầu TPCP tăng mạnh so với thời điểm thị trường chính thức đi vào hoạt động. Tổng giá trị huy động trong 8 tháng của năm 2023 đạt 234.961 tỷ đồng (trên 282.250 tỷ đồng gọi thầu, tỷ lệ huy động thành công đạt 83,25%, tăng 114 % so với cùng kỳ năm 2022). Trong số đó, hai chủ thể phát hành chính là Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội. Như vậy, khối lượng TPCP huy động thành công qua đấu thầu tại HNX đã tăng từ 2.599 tỷ đồng năm 2009 lên 234.961 tỷ đồng năm 2023, gấp 90,4 lần.

Kỳ hạn phát hành bình quân được kéo dài, tăng tính bền vững của danh mục nợ trái phiếu Chính phủ. Tính đến cuối tháng 8/2023, kỳ hạn phát hành bình quân của trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành đạt 12,44 năm, tăng 0,45 năm so với bình quân cả năm 2022, tăng 9,01 năm so với năm 2013. Thời gian đáo hạn danh mục trái phiếu Chính phủ bình quân cũng được duy trì ở mức trên 9 năm (tại ngày 31/8/2023 là 9,19 năm), đảm bảo theo sát mục tiêu tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ, giảm rủi ro đảo nợ của Ngân sách Nhà nước.

Thị trường TPCP - Kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách Nhà nước ảnh 2(Nguồn: HNX)

Theo thống kê trên thị trường thứ cấp (tính đến hết 31/8/2023), quy mô niêm yết thị trường TPCP tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đạt 1.880.460 tỷ đồng, tương đương 19,77% GDP năm 2022 và tăng 11,54% so với năm 2022, tăng 11,8 lần so với quy mô năm 2009.

Tổng giá trị giao dịch trên thị trường TPCP 8 tháng đầu năm 2023 đạt 953.284 tỷ đồng, trong đó giao dịch thông thường (Outright) chiếm 67,68%, còn lại là giao dịch mua đi bán lại (Repos). Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 5.777 tỷ đồng/phiên, tăng 15,8 lần với năm 2009. Giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài duy trì ở mức ổn định, chiếm khoảng 1%-2% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Thị trường TPCP - Kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách Nhà nước ảnh 3(Nguồn: HNX)

Từ năm 2015, trái phiếu lô lớn bắt đầu được triển khai phát hành, từ đó giảm số lượng mã trái phiếu, từ mức khoảng 500 mã (năm 2009) xuống còn 300 mã (năm 2023). Theo đó, quy mô bình quân của các mã tăng khoảng 9 lần lên khoảng 6.000 tỷ đồng/1 mã, trong đó các mã chuẩn tăng lên mức 10.000-12.000 tỷ đồng/1 mã.

HNX cho biết đã thực hiện cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch công cụ nợ phù hợp với tính chất giao dịch thỏa thuận, bảo đảm chế độ báo cáo giao dịch kịp thời, chính xác để xây dựng đường cong lãi suất chuẩn, các quy định pháp lý cũng đã được ban hành đồng thời với việc phát triển hệ thống. Hiện nay, các nhà tạo lập thị trường đã được quy định thực hiện nghĩa vụ chào giá hai chiều (giá mua, giá bán) đối với các mã trái phiếu Chính phủ tiêu chuẩn, nhằm tạo thanh khoản, tăng cường trách nhiệm của thành viên thị trường thứ cấp trong công tác báo cáo giao dịch.

Thị trường TPCP - Kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách Nhà nước ảnh 4(Ảnh minh họa. PV/Vietnam+)

Hệ thống giao dịch TPCP (bao gồm: hệ thống giao dịch từ xa BTS, hệ thống giao dịch trực tuyến E-BTS trên nền tảng Internet hiện đại và hệ thống giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ Kho bạc Nhà nước) đã đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của các thành viên thị trường và nhà đầu tư, tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian giao dịch.

Bên cạnh 3 kênh giao dịch nêu trên, kênh giao dịch thông qua Cổng kết nối Bloomberg còn cho phép kết chuyển và xử lý tự động các giao dịch của thành viên, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện trên Hệ thống Bloomberg về hệ thống BTS, mở rộng phạm vi giao dịch ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Với lợi thế giao dịch mọi nơi mọi lúc, kênh giao dịch này giúp cho đầu tư nước ngoài thuận tiện tìm hiểu và tham gia vào thị trường TPCP Việt Nam.

Công cụ quan trọng tái cơ cấu nợ công

Đến nay, khung pháp lý cho hoạt động của thị trường TPCP được hoàn thiện, phù hợp sau từng giai đoạn phát triển của thị trường theo thông lệ quốc tế.

Trên nền tảng đó, thị trường TPCP đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Ngân sách Nhà nước, gắn công tác phát hành TPCP với tái cơ cấu nợ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài khi thị trường thuận lợi đồng thời đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.

Đặc biệt, công tác phát hành TPCP đã khẳng định được vai trò là công cụ tái cơ cấu nợ công, giúp giảm tỷ trọng vay nước ngoài từ 73,6% năm 2010 xuống mức 63,4% năm 2015 và 34,8% năm 2021.

Lãi suất bình quân huy động giảm từ khoảng 10% năm 2009 xuống khoảng 2% năm 2021, kỳ hạn phát hành bình quân kéo dài từ 2-3 năm (năm 2009) lên 12,19 năm (năm 2021), thông qua đó góp phần tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững và tái cơ cấu giảm các đỉnh nợ rơi vào một số năm trở nên đồng đều hơn.

Các đợt phát hành thông qua hình thức đấu thầu tại HNX được tổ chức theo kế hoạch phát hành có thông báo trước cho cả năm và kế hoạch huy động dự kiến theo từng quý. Điều này tạo điều kiện cho các thành viên chủ động chuẩn bị nguồn vốn tham gia đấu thầu.

Về phương thức, Kho bạc Nhà nước tập trung phát hành theo phương thức đấu thầu để tăng tính cạnh tranh, công khai minh bạch. HNX cho biết sắp tới đây, phương thức đấu thầu đa giá sẽ được triển khai chính thức nhằm tạo thêm tính linh hoạt trong việc xác định kết quả đấu thầu. Việc tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài với chi phí huy động vốn hợp lý, đã tạo điều kiện cho Chính phủ tăng khả năng vay nợ tại thị trường trong nước, từ đó giảm vay nợ nước ngoài, góp phần giảm rủi ro của danh mục nợ công.

Hiện nay, sản phẩm và kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ đã được đa dạng hóa trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Về cơ bản, các sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu đầu tư đa dạng của thị trường.

Lãi suất huy động bình quân cũng giảm từ 9,75%/năm (năm 2009) xuống còn 3,44%/năm (năm 2023).

Thị trường TPCP - Kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách Nhà nước ảnh 5(Nguồn: HNX)

Việc đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành từ 3 tháng đến 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm đã góp phần nâng cao khả năng huy động vốn cho Ngân sách Nhà nước, cơ cấu lại danh mục trái phiếu Chính phủ theo hướng bền vững đồng thời góp phần hình thành đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường trái phiếu.

HNX cho hay lãi suất phát hành bình quân giảm, kỳ hạn phát hành bình quân tăng là 2 yếu tố giúp kéo dài thời hạn trả nợ, giảm chi phí vốn vay, giúp Chính phủ thực hiện tái cơ cấu nợ công hiệu quả, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Cải thiện cơ cấu nhà đầu tư

Thời gian qua, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường TPCP cũng ngày càng cải thiện theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại, tăng tỷ lệ nắm giữ của các tổ chức bảo hiểm và các tổ chức khác.

Trước đó (giai đoạn 2011-2015), các ngân hàng thương mại nắm giữ khoảng 80% khối lượng TPCP trên thị trường, nhóm bảo hiểm và các công ty tài chính, quỹ đầu tư tài chính khác chỉ chiếm khoảng 20%. Song từ năm 2016, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại đã giảm xuống còn 55,5%.

Năm 2023, cơ cấu nhà đầu tư tiếp tục theo hướng tích cực, với tỷ lệ sở hữu do các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm giữ đến hết tháng 7/2023 là 57%, tiệm cận với mục tiêu 60% được đề ra tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Kết quả đạt được trong công tác phát hành TPCP những năm qua là phù hợp với mục tiêu đặt ra tại các Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Với những kết quả đã đạt được, thị trường TPCP có nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và khẳng định vị thế là định chế tài chính không thể thiếu của nền kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục