Thị trường “xám” - Nguy cơ mới của sản xuất ĐTDĐ

Dòng điện thoại di động giá rẻ có hình thức giống hệt những mẫu điện thoại “đầu bảng” đang đe dọa tới sự sống còn của sản xuất ĐTDĐ.
Một thị trường “xám” đang nổi lên với các dòng điện thoại di động giá rẻ có hình thức giống hệt những mẫu điện thoại “đầu bảng” hiện nay đang đe dọa tới sự sống còn của lĩnh vực sản xuất điện thoại di động.

Khi công ty dịch vụ mạng China Unicom mới đây bắt đầu cung cấp loại điện thoại thông minh iPhone của hãng chế tạo máy tính Apple với giá 1.172 USD/chiếc, họ chỉ bán được vỏn vẹn 5.000 chiếc trong tuần đầu tiên. Ngược lại, khi dòng điện thoại thông minh iPhone 3GS “ra mắt” tại thị trường Mỹ hồi đầu năm 2009, China Unicom đã tiêu thụ được hơn 1 triệu chiếc trong tuần đầu tiên.

Một phần lý do trên là kể từ năm 2007, thị trường Trung Quốc đã tràn ngập điện thoại iPhone bán tại các quốc gia khác nhau và sau khi được chỉnh sửa hay “bẻ khóa” để có thể hoạt động trên các mạng di động khác, trước khi được tiêu thụ với giá 650 USD/chiếc. Trong trường hợp khác, người tiêu dùng Trung Quốc đã mua các điện thoại đã qua sử dụng và được chỉnh sửa với giá rẻ.

Tuy vậy, phần lớn nguyên nhân liên quan tới một thị trường “xám” mới phát triển đối với các điện thoại “sao chép nguyên bản 100%”, thường được sản xuất giống như sản phẩm thật song có giá bán thấp hơn.

Nhà phân tích cao cấp Charlie Wolf của Needham cho rằng bất kỳ ai mua điện thoại iPhone từ China Unicom đều không tỉnh táo.

Còn theo nhà phân tích Neil Mawson của công ty tư vấn Strategy Analytics, chỉ không đầy 5% người tiêu dùng Trung Quốc có khả năng mua điện thoại iPhones của China Unicom.

Tuy vậy, thị trường “xám” đã phát triển ra ngoài Trung Quốc. Tại châu Phi, Đông Âu, Mỹ Latinh và thậm chí là Mỹ, các loại điện thoại “nhân bản vô tính” hiện đầy rẫy. Các điện thoại trên thị trường “xám” giống hàng thật song không có bảo hành và những hãng chế tạo thường không trả phí bản quyền cho những nhà sản xuất thiết bị như Qualcomm.

Năm 2009, doanh số thị trường điện thoại “xám” từ Trung Quốc tăng 43,6% lên 145 triệu chiếc. Theo ước tính của công ty tư vấn iSuppli, các điện thoại này hiện chiếm 13% nguồn cung điện thoại hợp pháp. Ngược lại, doanh số điện thoại hợp pháp trên toàn cầu dự kiến giảm 8% năm 2009.

Một số điện thoại trên thị trường “xám” có nhãn hiệu tương tự các dòng điện thoại chính thống song thường có chất lượng kém hơn.

Công ty điện thoại sản xuất điện thoại Motorola (Mỹ) cho biết, họ không khuyến khích việc sử dụng các loại điện thoại mua qua các kênh phân phối không rõ ràng với một lý do rất đơn giản là điều này cuối cùng có thể mang lại một sự trải nghiệm không đầy đủ với người tiêu dùng và dẫn tới khả năng loại điện thoại mà họ mua tại thị trường “xám” không phải là sản phẩm của Motorola./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục