Bài 4: Phải đảm bảo đội ngũ giáo viên, cả số lượng và chất lượng

Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới

Trước thực trạng thiếu giáo viên trầm trọng của ngành giáo dục, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo sát sao. Lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia giáo dục cũng lên tiếng mạnh mẽ.
Phải đảm bảo đội ngũ là vấn đề bức thiết của ngành giáo dục. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Phải đảm bảo đội ngũ là vấn đề bức thiết của ngành giáo dục. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Bài 4: Phải đảm bảo đội ngũ giáo viên, cả số lượng và chất lượng

Trước thực trạng thiếu giáo viên trên cả nước và sự lúng túng của giáo viên ở một số môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Chính phủ đã ngay lập tức vào cuộc.

Nhiều chuyên gia, các địa phương cũng lên tiếng mạnh mẽ về việc phải đảm bảo đội ngũ nhà giáo, cả số lượng và chất lượng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, xây dựng nền tảng tri thức vững chắc cho học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ trực tiếp chỉ đạo

Ngày 16/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 747/CĐ-TTg yêu cầu các bộ liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương đảm bảo giáo viên kịp thời cho năm học 2023-2024.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo tổ chức tuyển dụng giáo viên, rà soát, cơ cấu lại, bảo đảm đủ giáo viên dạy đúng, đủ các môn học theo quy định; linh hoạt điều chuyển giáo viên đồng thời chủ động xây dựng các phương án để có nguồn tuyển dụng giáo viên kịp thời.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội khẩn trương thực hiện việc sắp xếp, tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ, bảo đảm về số lượng và chất lượng, bảo đảm thực hiện chủ trương "có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp"; khẩn trương tổng hợp nhu cầu giáo viên năm học 2023-2024 còn thiếu của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Trong trường hợp chưa thể tuyển dụng đủ giáo viên theo định mức thì thực hiện hợp đồng giáo viên.

Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm học của ngành giáo dục. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiếp đó, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 18/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu và thực hiện tốt công điện trên.

Chỉ đạo về các nhiệm vụ năm học 2023-2024, Thủ tướng chỉ rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cần nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non. Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, có giải pháp hỗ trợ tài chính với giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm và các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông về nội dung đổi mới giáo dục.

“Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành liên quan có chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, vùng sâu, vùng xa. Tôi đã có văn bản chỉ đạo, đề nghị hai bộ trưởng khẩn trương gặp nhau để giải quyết vấn đề phụ cấp cho giáo viên. Vừa qua đã làm rất quyết liệt cho nhân lực ngành y tế, phải ‘thừa thắng xông lên’,” Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

[Ngành giáo dục nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ năm học]

Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn Giám sát của Quốc hội cũng kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng chưa tuyển dụng đủ giáo viên theo biên chế được phân bổ nhằm đảm bảo các yêu cầu về đổi mới chương trình theo sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Liên quan đến vấn đề này, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng việc giải quyết hết được các vấn đề giáo viên, xã hội quan tâm thì một mình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể làm được và phải có sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các địa phương. Vì vậy, với những tồn tại của ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể.

Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới ảnh 2Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng vấn đề thiếu giáo viên cần sự chỉ đạo của Chính phủ và sự phối hợp của các địa phương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Thị Doan, cần phải có giải pháp dài hơi trong đào tạo đội ngũ giáo viên, có sự đầu tư cẩn thận cho ngành sư phạm vì đây là ngành quan trọng.

“Ví dụ, chúng ta muốn dạy các môn tích hợp thì giáo viên phải được đào tạo dạy các môn tích hợp, chứ chỉ bồi dưỡng vài tháng học chứng chỉ không thể dạy tốt được, nên mới có tình trạng vẫn giáo viên môn nào dạy môn đấy mặc dù đã tích hợp Lý-Hóa-Sinh,” nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói.

Địa phương mong gỡ các nút thắt

Cần tăng thu nhập cho giáo viên, có chế độ đặc thù với giáo viên vùng khó, sửa đổi định mức giáo viên/lớp, sửa đổi Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên là những giải pháp đươc lãnh đạo các địa phương kiến nghị để giải bài toán thiếu giáo viên.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm giao chỉ tiêu biên chế giáo viên cho các địa phương để đủ định mức, kèm theo đó là lộ trình tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới ảnh 3Ông Đỗ Đức Duy. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ông Duy cũng kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu bổ sung các chính sách đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh các trường ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, để thực hiện thu hút tuyển dụng, thu hút, giữ chân giáo viên, nhân viên đang công tác của các địa bàn này; nghiên cứu giảm tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non, tiểu học, nâng cao thu nhập để giáo viên gắn bó với nghề.

Với Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Duy cho đề nghị bộ cho phép các tỉnh miền núi được tuyển vào cơ sở giáo dục vùng cao giáo viên theo chuẩn cũ là cử nhân cao đẳng kèm theo lộ trình để đáp ứng chuẩn mới, đề xuất không quá 5 năm.

Cũng từ đặc thù của vùng khó, ông Duy đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi Thông tư 16 về định mức về số lượng giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho phù hợp với địa phương và cơ sở vật chất.

“Chúng tôi cho rằng với điều kiện từng địa phương, cơ sở vật chất khác nhau thì nên có định mức giáo viên khác nhau, không quy định một định mức chung cho tất cả các địa bàn như hiện nay,” ông Duy nói.

Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới ảnh 4Giáo viên là lực lượng quyết định thành công của đổi mới giáo dục. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến Thông tư 16, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng định mức giáo viên tiểu học cao hơn. “Định mức 1,2 giáo viên/lớp với học một buổi/ngày và 1,5 giáo viên/lớp với học hai buổi/ngày là chưa phù hợp với thực tế, không đảm bảo số lượng giáo viên cho số tiết dạy theo quy định,” ông Luân nói.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên để gỡ khó cho các địa phương khi giáo viên đặt hàng đào tạo không được ưu tiên tuyển dụng, dẫn đến nguy cơ rủi ro cho địa phương không thể tuyển sau khi đặt hàng.

Đây cũng là kiến nghị của bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum. “Đề nghị Chính phủ rà soát và ban hành cơ chế đặc thù với giáo viên vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như chính sách thu hút, tiền lương, phụ cấp, hoàn thiện chính sách đối với sinh viên đào tạo cử tuyển theo Nghị định 116 là người dân tộc thiểu số về công tác tại địa bàn khó khăn. Với ngành giáo dục đề nghị không cắt giảm 10% số người làm việc trên địa bàn khó khăn,” bà Y Ngọc nói.

Hoàn thiện thể chế, sắp xếp cơ sở giáo dục

Chia sẻ với các địa phương vùng khó về bất cập trong cách tính định mức giáo viên hiện nay của ngành giáo dục, ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay việc thiếu giáo viên, thiếu cân đối trong cơ cấu đội ngũ giáo viên giữa các môn học, cùng một cấp học, vùng miền kinh tế khác nhau và thực tế phân bổ giáo viên còn thấp so với định mức tối đa theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới ảnh 5Ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ về vấn đề thiếu giáo viên của ngành giáo dục. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Nguyên nhân do quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định học sinh trên 1 lớp học, không phân biệt vùng miền. Đa số các địa phương, đặc biệt là địa phương vùng sâu, vùng xa, không bố trí đủ học sinh trên một lớp học, có nơi chỉ có 10, 15 em, thậm chí 5 em thì làm sao đủ, vì vậy ảnh hưởng đến chỉ tiêu,” ông Cường phân tích.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét không quy định chung mà phải quy định theo từng vùng, miền.

“Hiến kế” cho ngành giáo dục về giải pháp cho vấn đề thiếu giáo viên, ông Cường cho rằng thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện các nội dung về thể chế. Thứ hai là các địa phương khẩn trương sắp xếp các cơ sở giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp, chuyển đổi mô hình giáo dục mầm non, phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa. Thứ ba là các địa phương phê duyệt quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục trong đó quy định rõ lộ trình tài chính.

Thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, hoàn thiện hành lang pháp lý trong tuyển dụng, đãi ngộ, sử dụng giáo viên cũng là giải pháp để giải quyết vấn đề đội ngũ nhà giáo được Đoàn Giám sát của Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa nêu rõ trong báo cáo kết quả giám sát. Đoàn Giám sát cũng kiến nghị cần nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, bồi dưỡng giáo viên.

Về những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết bộ đang triển khai nhiều nội dung, trên nhiều phương diện, từ sửa đổi cơ chế, các quy định liên quan đến tăng cường hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên, điều chỉnh trong đào tạo ở các trường sư phạm.

Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới ảnh 6Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay ngành đang nỗ lực kết hợp nhiều giải pháp để giải bài toán thiếu giáo viên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cụ thể, bộ đang sửa đổi Thông tư 16 và sẽ sớm công bố để lấy ý kiến từ các địa phương, cơ sở giáo dục và người dân. “Tôi rất mong khi đó sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp để thông tư khi ban hành sẽ phù hợp với nhu cầu thực tiễn,” Bộ trưởng nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề xuất điều chỉnh Nghị định 116 về đào tạo giáo viên liên quan đến đào tạo sư phạm, nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế đặt hàng của địa phương cũng như hỗ trợ về sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Dự kiến, Nghị định 116 sửa đổi sẽ hoàn thành trong năm nay và được kỳ vọng mở rộng nguồn tuyển sư phạm.

Để có nguồn tuyển giáo viên nhiều hơn, về giải pháp tạm thời, bộ đang làm thủ tục trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển dụng những giáo viên theo chuẩn của Luật Giáo dục cũ đồng thời đặt ra yêu cầu đến năm 2030, giáo viên phải đạt chuẩn. Về giải pháp lâu dài hơn, bộ đã có những điều chỉnh về đào tạo của các trường sư phạm.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để giáo viên thấy được hỗ trợ và thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn. Các địa phương cũng cần tích cực chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá…

Về vấn đề điều kiện công tác của giáo viên, Bộ trưởng cho hay trong chế độ chính sách của các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình dự án khác, ngành giáo dục tăng cường việc kiên cố hóa trường học, chăm lo việc xây nhà ở công vụ cho giáo viên, đặc biệt ở các điểm trường, cắm bản, vùng khó.

Về chế độ cho giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ lấy ý kiến các bộ, ngành khác trình Chính phủ đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học, kiến nghị các địa phương không giảm biên chế một cách cơ học tạo thêm khó khăn cho ngành giáo dục.

“Chủ trương tinh giảm biên chế của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo là đúng đắn. Tuy nhiên, nên thực hiện theo hướng giảm số người hưởng lương bằng ngân sách. Các địa phương cần chú ý điều tiết, hạn chế cắt chỉ tiêu biên chế của giáo dục,” Bộ trưởng nói./.

Bài 1: Đỏ mắt tìm giáo viên, trường “giật gấu vá vai” chạy đua năm học mới

Bài 2: 13.000 giáo viên nghỉ việc mỗi năm, cách nào giữ chân nhà giáo?

Bài 3: Chương trình đi trước, giáo viên mải mướt theo sau

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục