Thiếu người giúp việc - “Nỗi kinh hoàng” ngày Tết

Khi quá phụ thuộc vào người giúp việc, các gia đình đều chung tình cảnh “chỉ đến khi ôsin xuất hiện trong nhà, cuộc sống  mới cân bằng trở lại!
Năm nay nghỉ Tết muộn, nỗi lo chuẩn bị Tết vì thế đến sớm hơn. Trong trăm cái lo, đối với nhiều bà chủ gia đình, lo nhất là khi người giúp việc (“ôsin”) về quê ăn Tết.

Tất bật vì thiếu “ôsin”

Đợt nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài hơn mọi năm, nhưng không phải vì thế mà khiến nhiều chị em vui mừng, ngược lại, lại là “nỗi kinh hoàng” của những chị em đã trót trao hết việc nhà cho người giúp việc.

"Chưa đến Tết mà nghĩ đã chán lắm rồi, chỉ mong hết kỳ nghỉ. Không phải đi làm nhưng ở nhà quần quật hầu ông con, thay ‘ôsin’ làm việc nhà còn mệt quá đi làm", chị Hương nhà ở Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội, than thở.

Quá phụ thuộc vào giúp việc khiến nhiều chị em khổ sở khi phải tự xoay sở việc nhà. Cô giúp việc của gia đình chị Đỗ Thu Quỳnh (Lĩnh Nam, Hà Nội) ở với gia đình cũng đã 4, 5 năm, việc nhà đều một tay cô lo liệu. Đồ đạc trong gia đình cái gì cất ở đâu cô đều rõ hơn cả chủ nhà. Mấy năm trước mỗi lần cô về quê là cả gia đình náo loạn đi tìm đồ, cứ mỗi lần tìm gì lại phải gọi điện hỏi cô giúp việc.

“Mới một hai năm đầu, việc nhà tôi còn quản lý nhưng sau này khi cô ấy quen việc, tôi yên tâm giao hết, nên những lúc thiếu cô ấy là cả nhà lộn xộn,” Chị Quỳnh than thở.

Còn chị Nguyễn Thị Phương (Định Công, Hà Nội) chán nản kể, cả năm bù đầu với công việc, Tết là dịp nghỉ ngơi, vui chơi, chứ cắm đầu vào bếp thì còn gì là vui nữa. Chưa kể nhà nhiều việc quá, vợ chồng trái quan điểm, cãi nhau suốt cả Tết cho đến khi ‘ôsin’ trở lại làm việc.

Không chỉ những chị em đi làm và để việc bếp núc cho giúp việc mới lo sợ cảnh giúp việc về quê, ngay cả những người chỉ ở nhà làm nội trợ cũng lo sợ cảnh một mình xoay sở việc nhà.

Nhà nuôi 3 chú cún nên mỗi lần cô giúp việc về quê là nỗi kinh hoàng của chị Nguyễn Thu Trang (Khâm Thiên, Hà Nội). Vì nhà nuôi động vật nên phải lau dọn thường xuyên, riêng việc lau dọn đã tốn rất nhiều thời gian, chưa kể đến việc nấu nướng, giặt giũ.

Chị  kể: “Ngày thường có cô giúp việc làm việc nhà tôi còn rảnh rang, cô về quê nghỉ tết 1 tuần mà cả gia đình xáo trộn. Cả Tết tôi chỉ quanh quẩn ở bếp, khách đến chơi cũng chuấn bị đồ ăn, thức uống. Họ hàng sang nhà thì quay cuồng nấu nướng, dọn dẹp. Cả chồng tôi cũng phải xắn tay giúp tôi lau dọn nhà cửa nên cả nhà đều mong cô giúp việc trở lại!”

Rỉ tai kế giữ ôsin đúng hẹn

Làm việc trong ngành ngân hàng luôn phải bận rộn sát Tết nên năm nào chị Nguyễn Phương Thảo (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng yêu cầu cô giúp việc nghỉ làm theo đúng lịch nghỉ của chị chứ không được nghỉ trước. Thế nhưng năm nay cô ta lại xin nghỉ Tết sớm hơn 2 ngày vì lý do ở nhà quê có việc khiến chị Thảo tá hỏa, phải năn nỉ, kể lể để cô thương tình.

“Tôi phải năn nỉ cô cố gắng chờ tôi nghỉ mới được về quê. Ban đầu còn định nhờ cô lên sớm 2 hôm để có thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức còn đi làm nhưng bây giờ chỉ cần cô lên đúng hẹn là tốt quá rồi!” chị Thảo than thở.

Năn nỉ, ngọt nhẹ với giúp việc không thành công, nhiều chị em còn rỉ tai nhau các phương pháp cứng rắn để “trấn áp” những “ôsin” khó tính.

Năm ngoái chị Phương chiều “ôsin” cho nghỉ đến sau rằm tháng Giêng mới lên, thế là con nhỏ phải gửi ông bà trông, hôm nào ông bà không trông cháu được thì chị Phương lại nghỉ ở nhà trông con. Năm nay, chị giúp việc vẫn xin nghỉ đến sau rằm mới lên, chị Phương chưa biết làm thế nào thì được mấy chị cùng cơ quan rỉ tai phương pháp cứng rắn với “ôsin”.

“Tôi về nói chuyện cứng rắn với chị giúp việc rằng tôi phải đi làm nên mới cần giúp việc, còn nếu phải nghỉ làm ở nhà trông con thì tôi còn thuê giúp việc làm gì. Thế mà cũng có hiệu quả thật, chị giúp việc sau thời gian suy nghĩ cũng đã đồng ý lên đúng ngày tôi bắt đầu đi làm lại.” Chị Phương kể lại.

Không chỉ phải cứng rắn, các chị em còn truyền nhau kinh nghiệm phải giữ lại một phần lương, thưởng Tết để sau khi trở lại làm việc mới đưa để giữ giúp việc trở lại làm việc đúng hẹn.
 
Khi người giúp việc kiên quyết không lên làm sớm, nhiều chị em đã phải tìm đến người giúp việc theo giờ. Nhưng không phải ai cũng thuê được giúp việc theo giờ vì hầu như giúp việc theo giờ đã kín lịch từ trước Tết và không thể nhận thêm việc được nữa.

Chị Quỳnh là người may mắn khi thuê được giúp việc 2 tiếng một ngày, nhưng cũng chỉ đủ bớt được cho mình công việc đi chợ, sơ chế thức ăn. Còn con cái chị vẫn phải tự mình lo toan hết.

Mỗi bà chủ nhà một nỗi mệt mỏi khác nhau, nhưng đều có chung một nỗi mong chờ là Tết nhanh kết thúc! Bởi hầu hết các gia đình khi đã quá phụ thuộc việc nhà vào người giúp việc thì đều chung tình cảnh “chỉ đến khi ôsin xuất hiện trong nhà, cuộc sống gia đình mới có thể cân bằng trở lại.” Thế mới biết, cuộc sống hiện đại cũng thật muôn mặt!./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục