Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước nguy cơ trỗi dậy "quá đà"?

Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên quân sự hóa và quyết đoán, được thúc đẩy bởi sự kết hợp của tham vọng, lo ngại an ninh và chính trị trong nước.
Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước nguy cơ trỗi dậy "quá đà"? ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với tiêu đề "Thổ Nhĩ Kỳ đang trỗi dậy," Luigi Scazzieri - chuyên gia nghiên cứu làm việc tại Trung tâm Đổi mới châu Âu - cho rằng chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên quân sự hóa và quyết đoán, được thúc đẩy bởi sự kết hợp của tham vọng, lo ngại an ninh và chính trị trong nước.

Tuy nhiên, bất chấp những thành công gần đây, Ankara đang đứng trước nguy cơ hành động quá đà. Nội dung bài viết như sau:

Trong vài năm qua, chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên quyết đoán và “quân sự hóa” khi Ankara ngày càng xa rời phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ đã có những hành vi gây hấn với Hy Lạp và Cyprus ở Đông Địa Trung Hải, phái các tàu thăm dò đi cùng với tàu chiến để tìm kiếm dầu khí, đồng thời khẳng định yêu sách đối với cả vùng biển tranh chấp và một phần tài nguyên khí đốt của khu vực.

Đầu năm 2020, Ankara đã khuyến khích hàng nghìn người di cư cố gắng vượt biên sang Hy Lạp, một động thái mà Liên minh châu Âu (EU) coi là một cuộc tấn công được dàn dựng nhằm vào biên giới Hy Lạp.

Đồng thời, mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ đã xấu đi nghiêm trọng do Washington hỗ trợ người Kurd ở Syria và do Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia nhiều cuộc xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi. Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một số cuộc xâm nhập vào Syria kể từ năm 2016, thiết lập một vùng đệm ở phía bắc Syria để ngăn người Kurd tại Syria củng cố sự hiện diện tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời ngăn chặn Nga và chế độ của Tổng thống Syria Bachar al-Assad đánh bại các phiến quân còn lại và tạo ra một làn sóng người tị nạn sẽ đổ vào Thổ Nhĩ Kỳ.

[Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ và tình thế bị bủa vây]

Đồng thời, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã chiến đấu chống lại nhóm khủng bố PKK người Kurd ở miền Bắc Iraq. Tháng 9/2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã chọc tức các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi hậu thuẫn Azerbaijan về chính trị, điều máy bay không người lái và máy bay chiến đấu từ Syria tham gia cuộc xung đột gần đây giữa Azerbaijan và Amernia nhằm chiếm lại khu vực ly khai Nagorno-Karabakh.

Cuộc chiến này đã củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ như một nước đóng vai trò quan trọng trong khu vực Caucasus.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông và châu Phi. Đầu năm 2020, Ankara đã can thiệp vào cuộc xung đột ở Libya, hỗ trợ quân sự cho Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc công nhận ở Tripoli.

Sự hỗ trợ của Ankara cho phép GNA đẩy lùi âm mưu giành chính quyền của chỉ huy quân sự Khalifa Haftar, ổn định tình hình và tạo điều kiện để các bên đồng ý ngừng bắn. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cố gắng làm sâu sắc hơn các liên kết chính trị và kinh tế với các nước như Algeria, Niger và Tunisia, cũng như thiết lập một căn cứ quân sự ở Somalia.

Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ đang được thúc đẩy bởi sự kết hợp của 3 yếu tố. Đầu tiên là tham vọng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhằm phục hồi vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ như một cường quốc lớn trong khu vực.

Tham vọng này được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc, thường nhuốm màu tôn giáo và được củng cố bởi niềm tin rằng cán cân quyền lực toàn cầu đang dịch chuyển khỏi phương Tây.

Dưới thời Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách trở thành nhà lãnh đạo của thế giới Hồi giáo dòng Sunni, chủ yếu ủng hộ sự nghiệp của Tổ chức Anh em Hồi giáo, ủng hộ chính nghĩa của người Palestine và tham gia vào cuộc đấu tranh giành ưu thế vượt trội so với “khối đối thủ” gồm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Saudi Arabia.

Yếu tố thứ hai thúc đẩy chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ là cảm giác bất an được tạo ra bởi môi trường khu vực ngày càng trở nên đe dọa - một phần do chính hành động của Ankara. Xung đột ở Syria, với sự xuất hiện của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ngay trước cửa ngõ Thổ Nhĩ Kỳ và sự gia tăng của lực lượng dân quân YPG người Kurd, đã phá hoại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và tạo ra động lực cho một chính sách đối ngoại quân sự hóa hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy rằng các đồng minh phương Tây đã không coi trọng các mối quan tâm về an ninh của mình. Đồng thời, khi Ankara trở nên quyết đoán hơn, nước này đã thúc đẩy Cyprus, Ai Cập, Pháp, Hy Lạp và UAE thành lập một liên minh trên thực tế để kiềm chế Ankara, ví dụ việc loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi dự án khai thác tài nguyên khí đốt ở Đông Địa Trung Hải. Điều này khiến Ankara cảm thấy bị bao vây và khiến họ phải quyết đoán hơn nữa.

Yếu tố thứ ba thúc đẩy chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ là chính trị trong nước. Việc Ankara chuyển hướng sang một chính sách quân sự hơn diễn ra đồng thời với việc Erdogan liên minh với Đảng Phong trào Dân tộc theo chủ nghĩa cực đoan (MHP) và sự thất bại của tiến trình hòa bình với PKK vào năm 2015.

Đồng thời, do nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào khủng hoảng sâu sắc và sự phản đối ngày của người dân ngày càng gia tăng đối với chính phủ, nên việc theo đuổi một chính sách đối ngoại quyết đoán đã trở thành một công cụ để Tổng thống Erdogan thúc đẩy uy tín của mình.

Thành công của Thổ Nhĩ Kỳ ở nước ngoài đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Hơn nữa, rất khó để phe đối lập chỉ trích chính sách đối ngoại của Ankara. Ví dụ, lập trường của Ankara về biên giới biển ở Đông Địa Trung Hải không phải là mới và nhận được sự đồng thuận của phe đối lập.

Chính sách đối ngoại quyết đoán hơn của Thổ Nhĩ Kỳ cũng được thúc đẩy bởi việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng ký kết các thỏa thuận với Tổng thống Erdogan, ví dụ, hồi tháng 10/2019, Tổng thống Trump chấp thuận rút binh sỹ Mỹ khỏi biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ để cho phép Ankara tấn công YPG ở Syria.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng thể hiện sự kiềm chế trong việc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì việc mua hệ thống S-400 của Nga. Trump cũng đi ngược lại sức ép của quốc hội Mỹ để áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế. Đồng thời, việc Mỹ không can dự vào Trung Đông dưới thời Tổng thống Trump đã cho phép sự cạnh tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đối thủ trong khu vực leo thang.

Nỗi lo về sự sụp đổ tài chính, kết hợp với đại dịch COVID-19, áp lực từ Mỹ và EU và lo ngại về một cuộc đụng độ với Nga có thể khiến Ankara có thái độ ít đối đầu hơn với phương Tây. Tổng thống Erdogan đủ thực dụng để điều chỉnh chính sách để tránh những kết quả thảm khốc.

Minh chứng là hồi đầu tháng 11 vừa qua, ông Erdogan đã quyết định thay thế bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ và hô hào mạnh mẽ nhu cầu cải cách để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện.

Tổng thống Erdogan cũng có thể quyết định chấm dứt các hoạt động hải quân nhằm vào Hy Lạp và Cyprus, đồng thời tìm kiếm một thỏa hiệp với Washington để không triển khai hệ thống phòng không S-400, nếu ông cho rằng làm như vậy là cần thiết.

Tuy nhiên, đường hướng chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể thay đổi một cách đáng kể vì Tổng thống Erdogan sẽ không từ bỏ tham vọng đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cường quốc lớn và sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy ảnh hưởng của mình ở Trung Đông và châu Phi, ngay cả khi ông giảm bớt căng thẳng với châu Âu và Mỹ.

Hơn nữa, trong vài năm qua, Tổng thống Erdogan đã mất nhiều cử tri ôn hòa và ông khó có thể lấy lại sự ủng hộ của những cử tri này nếu nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn yếu kém. Việc kêu gọi đi theo chủ nghĩa dân tộc có thể là con đường khả thi duy nhất để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo, dự kiến vào năm 2023.

Ankara càng khẳng định mình thì càng có nguy cơ đi quá đà. Những nỗ lực quân sự của nước này, dựa trên việc sử dụng hỗn hợp lính đánh thuê và máy bay không người lái của Syria, cho đến nay đều không gây tốn kém mà lại đem lại thành công và Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định mình là một trong những người chơi chính trong nhiều cuộc xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi.

Tuy nhiên, Ankara dường như thiếu mục tiêu cuối cùng rõ ràng đối với nhiều cuộc xung đột khu vực mà họ tham gia. Ví dụ, rất khó để thấy được bằng cách nào họ có thể tự giải thoát khỏi cuộc xung đột ở Syria.

Hơn nữa, không gian cuộc chơi của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng bị hạn chế bởi sự cạnh tranh của họ với Nga, trong khi Hy Lạp, Ai Cập, UAE và Pháp cũng đang gia tăng hợp tác để kiềm chế tham vọng của Ankara trong khu vực.

Châu Âu và Mỹ sẽ phải thiết lập một cách tiếp cận đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm duy trì hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chung như chống khủng bố, thuyết phục Ankara từ bỏ đối đầu trực tiếp và nỗ lực hóa giải sự cạnh tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đối thủ của họ.

Việc ông Joe Biden được nhiều bang xác nhận là tổng thống Mỹ tạo ra khả năng Mỹ sẵn sàng gây áp lực với Ankara để giảm căng thẳng và điều này sẽ thúc đẩy EU làm theo.

Đồng thời, châu Âu và Mỹ cần làm hết sức để xoa dịu căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng, đặc biệt là ở Đông Địa Trung Hải, nhằm ngăn chặn leo thang và khả năng rạn nứt quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục