Theo bình luận của tạp chí Foreign Affairs bản điện tử ngày 12/11, Hội nghị thượng đỉnh G-20 nên tập trung vào đầu tư chứ không phải vấn đề thương mại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Buenos Aires (Argentina) vào cuối tháng này với một mối lo là cần phải "tháo ngòi" cuộc chiến thương mại với Mỹ. Điều đó có nghĩa là phải đạt được một thỏa thuận và Tổng thống Mỹ Donald Trump lại là người đang nắm ưu thế lớn trong đàm phán.
Đòn áp thuế trừng phạt lẫn nhau đang khiến Trung Quốc chịu nhiều thiệt hại hơn Mỹ. Kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào Mỹ hơn là kinh tế Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc. Triển vọng kinh tế Mỹ là rất sáng sủa, trong khi đang xuất hiện những đám mây vần vũ chờ đón kinh tế Trung Quốc ở phía trước. Nói tóm lại, lợi thế đang ở trong tay Mỹ. Nhưng dạng thỏa thuận mà Trump nên tìm kiếm là gì?
Vấn đề với Mỹ nằm ở chỗ ông Tập Cận Bình không thể đáp ứng điều ông Trump yêu cầu: ngay lập tức giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Ông Trump có thể nhận được một số bảo đảm về việc Trung Quốc tăng mua hàng từ Mỹ, nhưng chừng đó là không đủ để thay đổi thực tại cấu trúc tồn tại bấy lâu đưa đến mất cân bằng thương mại trầm trọng: Người Trung Quốc tiết kiệm nhiều hơn so với người Mỹ, còn người Mỹ lại chi tiêu nhiều hơn người Trung Quốc.
[Thương chiến Mỹ-Trung Quốc và những thách thức đối với ASEAN]
Điều mà Trung Quốc có thể đồng ý cho đi và cũng là thứ mà Mỹ nên chấp nhận - đó là những quan ngại về đầu tư, chứ không phải thương mại. Ông Trump cần hối thúc Bắc Kinh mở cửa thị trường nhiều hơn, các điều kiện bảo hộ tốt hơn, nhất là sở hữu trí tuệ đối với các tập đoàn đa quốc gia Mỹ đang đầu tư và hoạt động tại Trung Quốc. Mục tiêu là hạn chế các công ty Trung Quốc nắm giữ các tài sản hiện hữu của Mỹ, đồng thời tăng cường đầu tư của Trung Quốc vào những dự án mới hứa hẹn sẽ tạo ra việc làm cho người dân Mỹ.
Phần thưởng tiềm tàng cho Mỹ về đầu tư nằm ở tương lai của một trật tự thương mại tự do và công bằng hơn. Các công ty đa quốc gia ngày nay phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung và mạng lưới phân phối toàn cầu. Số lượng sản phẩm chỉ do một nước gia công và xuất khẩu ngày càng ít đi.
Cách tốt nhất để bán hàng ra thị trường ngoài nước là tích hợp sản phẩm phù hợp với các điều kiện địa phương và điều này thường đồng nghĩa với mở hoạt động sản xuất kinh doanh ngay tại đó. Đây chính là kiểu dòng xe SUV mang nhãn hiệu BMW và Mercedes được thiết kế, chế tạo và bán ở thị trường Mỹ.
Nghiên cứu của Tập đoàn Deutsche Bank ước tính tổng doanh số bán hàng của các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc ít nhất phải gấp đôi giá trị xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc.
Đơn cử như với General Motor (GM), lượng xe mà tập đoàn này bán ra tại Trung Quốc nhiều hơn tại Mỹ. Tuy nhiên, những chiếc xe hơi và xe bán tải này lại được chế tạo ở Trung Quốc chứ không phải ở Detroit, liên doanh với Tập đoàn Motor SAIC - một doanh nghiệp nhà nước, có lẽ là hãng chế tạo ôtô lớn nhất thế giới. Những cổ đông của GM rõ ràng được hưởng lợi từ doanh số bán ra tại Trung Quốc. Người lao động Mỹ cũng có phần lợi khi GM tái đầu tư lợi nhuận từ Trung Quốc quay lại Mỹ.
Nhưng điều kiện hoạt động hiện nay của GM tại Trung Quốc không còn lý tưởng. Theo các điều luật được xây dựng từ 20 năm trước, GM không được quyền nắm giữ cổ phần chi phối tại các công ty con đặt ở Trung Quốc. GM và nhiều công ty khác của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc muốn được vận hành dựa trên các công ty con mà họ nắm quyền sở hữu, ít chịu điều kiện kiểm soát của chính phủ và không phải lo lắng về việc bắt buộc phải chia sẻ thông tin sở hữu riêng và quy trình sản xuất cho các đối tác Trung Quốc mà chắc chắn sau đó sẽ là đối thủ.
Khả năng hoạt động độc lập là điểm cốt lõi nhất của tiếp cận thị trường tự do hơn và công bằng hơn. Có bằng chứng cho thấy chính phủ Trung Quốc cuối cùng cũng đã bắt đầu dịch chuyển theo hướng này. Khi Tesla mở nhà máy sản xuất tại Thượng Hải, mọi dấu hiệu đều cho thấy nhà máy này sẽ vận hành dưới góc độ là công ty con do công ty mẹ Tesla nắm toàn quyền sở hữu và không có sự hiện diện của đối tác liên doanh Trung Quốc.
Các công ty công nghệ Mỹ lâu nay vẫn phàn nàn về việc phải chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ quý giá với đối tác Trung Quốc, đó là chưa kể đến nguy cơ bị đánh cắp. Nhưng những công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba, Baidu và Tencent hiện cũng có sở hữu trí tuệ của chính họ và số này cũng cần được bảo vệ.
Năm năm trước đây, không có một “Kỳ lân” (unicorn) nào tại Trung Quốc (biệt danh chỉ những công ty khởi nghiệp có số vốn hơn 1 triệu USD). Còn hiện nay, theo tờ Economist, số lượng các “kỳ lân” tại Trung Quốc nhiều hơn so với ở thung lũng Silicon.
Càng thành công trong cải tiến công nghệ, chính phủ Trung Quốc càng có thêm động lực để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở chính nước mình. Điều đó cũng tốt cho các công ty công nghệ Mỹ.
Đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ sẽ tạo ra tiềm năng về một chiến thắng khác cho cả đôi bên. Các cuộc đàm phán về Hiệp định đầu tư song phương (BIT) đã bị ngưng trệ trong nhiều năm. Ngay cả khi khoảng cách để tiến đến một BIT chính thức còn quá xa, Buenos Aires vẫn là địa điểm phù hợp để làm sống lại ý tưởng đằng sau các cuộc hội đàm.
Ngoài tiếp cận của phía Mỹ với thị trường Trung Quốc, Tổng thống Mỹ và Chủ tích Trung Quốc nên học hỏi từ những thành công trong đầu tư của Nhật Bản tại Mỹ trong nhiều thập kỷ qua, vốn tạo ra khoảng 700.000 việc làm cho người lao động Mỹ - theo số liệu ước đoán của Bộ Thương mại Mỹ.
Đầu tư bùng nổ của Trung Quốc sẽ đóng vai trò to lớn đối với kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ tới đây. Washington nên tạo ra những nền tảng để bảo đảm rằng nước Mỹ sẽ nhận được nhiều từ dòng vốn này, và cũng là để chứng tỏ lợi ích cho cả đôi bên. Nếu các nhà hoạch định chính sách Mỹ biết vận dụng khéo léo, đầu tư của Trung Quốc không những tạo ra việc làm, mà còn giúp giảm thâm hụt thương mại.
Ông Trump cần nói rõ với ông Tập Cận Bình rằng dù phải nắm giữ bằng được quyền ngăn chặn các khoản đầu tư nước ngoài vì lý do an ninh quốc gia hợp lý, Mỹ vẫn chào đón đầu tư từ Trung Quốc nhiều hơn nữa.
“Chiến tranh thương mại” đã trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng internet ở hai bờ Thái Bình Dương. Thế nhưng ở góc độ nổi bật khác, phải thấy rằng thương mại truyền thống đang lui về vai trò thứ yếu trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay.
Các công ty đa quốc gia đặt trụ sở ở một nước nhưng hoạt động ở nhiều nước là xu thế chủ đạo. Thâm hụt thương mại là trò chơi "bên được-bên mất," nhưng tự do hóa đầu tư, có đi có lại sẽ tạo ra "hợp tác cùng thắng." Giờ là thời điểm Mỹ cần nắm lấy cơ hội đó./.