Thỏa thuận thương mại song phương Mỹ-Nhật: Cùng lùi để tiến

Thỏa thuận giữa hai nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba thế giới là Mỹ và Nhật Bản phần nào phát đi tín hiệu tích cực về xu hướng tăng cường mạnh mẽ thương mại song phương cùng có lợi.
Thỏa thuận thương mại song phương Mỹ-Nhật: Cùng lùi để tiến ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhật Bản và Mỹ đã chính thức ký thỏa thuận thương mại song phương về nông sản và các sản phẩm kỹ thuật số, sự kiện được đánh giá là bước tiến đáng kể góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy mạnh mẽ làm suy yếu nền kinh tế thế giới và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc vẫn chưa kết thúc, thỏa thuận giữa hai nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba thế giới là Mỹ và Nhật Bản phần nào phát đi tín hiệu tích cực về xu hướng tăng cường mạnh mẽ thương mại song phương cùng có lợi.

Theo thỏa thuận về nông sản, Nhật Bản sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với 7 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

[Mỹ và Nhật Bản ký kết thỏa thuận thương mại song phương]

Đổi lại, Washington giảm thuế nhập khẩu đối với 40 triệu USD hàng nông sản của Tokyo và nới lỏng hạn ngạch thuế quan đối với thịt bò của nước này, cho phép Nhật Bản cạnh tranh để có được thị phần lớn hơn tại thị trường Mỹ.

Trong một thỏa thuận khác, hai nước nhất trí dỡ bỏ thuế đánh vào các sản phẩm kỹ thuật số như video, âm nhạc và sách điện tử, cũng như đảm bảo rằng việc chuyển dữ liệu sẽ không gặp phải rào cản, cam kết mở cửa thị trường đối với số sản phẩm có trị giá 40 tỷ USD. Nếu được thông qua, các thỏa thuận này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Việc hai bên đạt được thỏa thuận này, dù chỉ giới hạn, vẫn được đánh giá là bước ngoặt mang tính đột phá trong quan hệ thương mại hai nước sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thỏa thuận sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hai nước và tăng doanh số bán hàng ở cả hai bờ Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, với tư cách là hai nền kinh tế lớn có ảnh hưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, “cái bắt tay” về thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản rõ ràng sẽ tạo cú hích hướng tới việc thiết lập khuôn khổ tự do thương mại cấp độ cao hơn trong khu vực.

Có thể coi thỏa thuận này là một thắng lợi quan trọng đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở thời điểm hiện nay, bởi nông dân chính là lực lượng hậu thuẫn chủ lực trong nỗ lực tái cử của ông vào năm 2020.

Đây là một trong những đối tượng bị tác động mạnh nhất bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, và đặc biệt sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm ngoái, sức cạnh tranh của nông sản Mỹ trên thị trường Nhật Bản đã giảm đáng kể.

Trong khi kim ngạch nhập khẩu thịt bò trong 6 tháng đầu năm nay của Nhật Bản từ các nước xuất khẩu nông sản chủ chốt trong CPTPP như Canada, Australia, New Zealand và Mexico đều tăng trưởng với tốc độ 2 con số, thì nhập khẩu từ Mỹ chỉ tăng 5,3%.

Chính vì vậy, thời gian qua, Tổng thống Trump đã liên tục gia tăng sức ép đòi Nhật Bản phải mở cửa thị trường nông sản.

Giờ đây, Tổng thống Trump chắc hẳn đã hài lòng khi Nhật Bản cam kết mở cửa g cho nông sản nhập khẩu từ Mỹ sau khi thỏa thuận này có hiệu lực.

Đây sẽ là điểm cộng cho chiến lược thương mại của Tổng thống Trump và là tiến triển tích cực trong những nỗ lực tái tranh cử của ông.

Việc Tokyo dần dần giảm thuế theo từng giai đoạn đối với hơn 2 tỷ USD thịt bò và thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ, cùng 3 tỷ USD giá trị hàng hóa khác xuống ngang bằng cam kết của Nhật Bản trong CPTPP, cũng như không đánh thuế đối với 1,3 tỷ USD nông sản khác, sẽ tạo cho nông dân Mỹ cơ hội tiếp cận nhiều hơn vào một trong những thị trường then chốt, đồng thời tăng thị phần nông sản tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoài ra, thỏa thuận này sẽ giúp khôi phục hạn mức nhập khẩu không phải chịu thuế đối với lúa mỳ của Mỹ và hạn mức này sẽ tăng lên 150.000 tấn trong vòng 6 năm tới, đồng thời giảm thuế đối với lúa mỳ nhập khẩu từ Mỹ xuống ngang bằng thuế suất mà Tokyo áp đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP.

Mặc dù phải mở cửa thị trường cho nông sản Mỹ, nhưng đây cũng được coi là thành công đáng ghi nhận của Thủ tướng Nhật Bản Shindo Abe khi Washington cam kết giảm thuế đối với các mặt hàng công nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản.

Đáng chú ý, Tokyo sẽ không phải mở cửa thị trường gạo, đồng thời nhận được cam kết của Tổng thống Trump về việc không tăng thuế đối với ôtô và phụ tùng ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản.

Trước cuộc đàm phán trên, Tokyo lo ngại Washington sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản với lý do an ninh quốc gia, hoặc áp đặt hạn ngạch nhập khẩu ôtô từ Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Abe, Tổng thống Trump đã cam kết giữ nguyên thuế suất 2,5% đối với ôtô và phụ tùng ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản.

Đây là một thắng lợi rất có ý nghĩa của Tokyo bởi hiện tại, xuất khẩu ô tô và phụ tùng ôtô là trụ cột tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này khi chiếm tới gần 1/3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản là 81.485 tỷ yen (1 USD=107,37 yen), trong đó xuất khẩu ôtô chiếm 15,1% và phụ tùng ôtô chiếm 4,9%.

Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ đạt 15.465 tỷ yen, trong đó xuất khẩu ôtô và phụ tùng ôtô là gần 5.454 tỷ yen.

Bên cạnh đó, Tokyo đã thành công trong việc thuyết phục Washington đưa gạo ra khỏi danh sách các nông sản phải dỡ bỏ hoặc cắt giảm thuế. Cũng giống như ở Mỹ, nông dân là một lực lượng hậu thuẫn quan trọng đối với đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản.

Việc mở cửa thị trường gạo sẽ tác động trực tiếp tới các đối tượng này và vì vậy, làm suy yếu nền tảng quyền lực của LDP.

Đây là lĩnh vực nhạy cảm về chính trị và như đánh giá của Thủ tướng Abe, việc không đưa ra hạn ngạch miễn thuế đối với gạo Mỹ là một kết quả giúp bảo vệ lợi ích quốc gia của Nhật Bản.

Đối với Thủ tưởng Abe, đạt được một thỏa thuận và tránh được một cuộc chiến thương mại tốn kém với Washington nằm trong chương trình nghị sự ưu tiên của ông.

Trong khi đó, người tiêu dùng Nhật Bản sẽ có quyền tiếp cận thịt, lúa mỳ, rượu vang và các sản phẩm khác có giá rẻ hơn của Mỹ được nhập khẩu theo thỏa thuận thương mại.

Thỏa thuận thương mại song phương Mỹ-Nhật: Cùng lùi để tiến ảnh 2Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Shinsuke Sugiyama (giữa, trái), Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (giữa) và Tổng thống Donald Trump (giữa, phải) tại lễ ký thỏa thuận thương mại song phương ở Washington, DC ngày 7/10/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Có thể thấy với thỏa thuận này, cả Nhật Bản và Mỹ đã có những bước nhượng bộ để hai bên có thể “cùng thắng”. Mặc dù vậy, việc Tokyo mở cửa thị trường cho các nông sản khác của Mỹ chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới nông dân - những người đang gặp rất nhiều khó khăn khi nông sản giá rẻ từ các nước thành viên CPTPP và Liên minh châu Âu (EU) đã tràn ngập thị trường.

Vì vậy, Thủ tướng Abe khẳng định chính phủ sẽ thực hiện tất cả các biện pháp có thể để giải quyết quan ngại của những người nông dân trước khi thỏa thuận với Mỹ nêu trên có hiệu lực, trong đó có thúc đẩy tính cạnh tranh của nông sản Nhật Bản.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng thỏa thuận thương mại này thiếu tính bao trùm, nói cách khác, nếu coi đây là một chiến thắng, thì chỉ là chiến thắng trong một trận đấu.

Việc Tổng thống Mỹ không cam kết xóa bỏ thuế quan đối với ôtô và phụ tùng ôtô của Nhật Bản đang gây lo ngại.

Với những động thái chính sách khó lường của Tổng thống Trump, nguy cơ thuế quan bổ sung không hoàn toàn được loại bỏ.

Vì chỉ là thỏa thuận giới hạn chứ không phải hiệp định tự do thương mại, nên hai bên sẽ phải thúc đẩy một thỏa thuận toàn diện hơn nếu Tổng thống Trump muốn giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại với Nhật Bản, vốn lên tới gần 68 tỷ USD năm 2018.

Mục tiêu của Mỹ là đạt được thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao với Nhật Bản nhằm giải quyết đầy đủ các ưu tiên thương mại, bao gồm dịch vụ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và các rào cản pháp lý đối với thương mại. Nhượng bộ trong những vấn đề này sẽ khó khăn hơn đối với cả Mỹ và Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục