Thỏa thuận UAE-Israel: "Nhát dao" đối với giải pháp hai nhà nước

Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ UAE-Israel đối mặt với những phản ứng trái chiều tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là sự phản đối gay gắt của Palestine.
Thỏa thuận UAE-Israel: "Nhát dao" đối với giải pháp hai nhà nước ảnh 1Khu định cư Maale Adumim của Israel tại Khu Bờ Tây chiếm đóng ngày 25/2/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo bài bình luận của Trung tâm Nghiên cứu Carnegie, truyền thông quốc tế trong vài ngày qua liên tục đưa đậm nét về thông tin Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Israel quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao và kinh tế.

Tuy nhiên, quyết định này đã nhanh chóng đối mặt với những phản ứng trái chiều tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là sự phản đối gay gắt của Palestine.

Không giống như những gì Mỹ, Israel và UAE đang "tô vẽ," đây không phải là một thỏa thuận để thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Nó chỉ đơn giản là một thỏa thuận nhằm phục vụ lợi ích song phương giữa UAE và Israel cũng như công khai mối quan hệ đã diễn ra âm thầm giữa hai nước trong nhiều năm qua.

Việc UAE tuyên bố rằng thỏa thuận sẽ giúp "đóng băng" kế hoạch của Israel sáp nhập các vùng lãnh thổ Bờ Tây chiếm đóng để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ với Abu Dhabi hoàn toàn không phải là một thành tựu.

Thế giới hẳn chưa quên về cam kết của cựu Thủ tướng Israel Menachem Begin hồi năm 1978 là đình chỉ hoạt động định cư (của người Do Thái) trong 3 tháng như một phần của thỏa thuận hòa bình Ai Cập-Israel. Người ta biết rõ kết quả đã diễn ra như thế nào.

UAE bắt đầu chiến dịch tuyên truyền công khai để gắn quyết định bình thường hóa quan hệ với Israel trong khuôn khổ kế hoạch hòa bình. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng làm như vậy.

Một số tiếng nói ở Mỹ đang miêu tả việc bình thường hóa quan hệ giữa Abu Dhabi và Tel Aviv như một bước đột phá lớn trên con đường giải quyết những mâu thuẫn giữa thế giới Arab và Israel. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy và người dân tại Trung Đông không bị luận điểm đó đánh lừa.

[Lý do sâu xa của việc Israel và UAE bình thường hóa quan hệ]

Thủ tướng Netanyahu chỉ mất vài giờ để thông báo trên truyền hình Israel rằng kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây của Israel sẽ được thực hiện bất kể thỏa thuận mới đạt được với UAE.

Kế hoạch hòa bình Trung Đông của ông Trump chính là bản kế hoạch đầu tiên kêu gọi sáp nhập đất đai và khuyến khích ông Netanyahu đi theo hướng đó. Thực tế nó đã không bị gác lại vì thỏa thuận giữa Abu Dhabi và Tel Aviv. Nói cách khác, không có gì thay đổi sau sự kiện này.

Điểm mấu chốt vẫn như cũ. Bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào không nhằm mục đích chấm dứt cuộc xung đột Palestine-Israel thông qua việc đạt được một giải pháp hai nhà nước sẽ không được ca ngợi là một bước đột phá.

Khi Ai Cập và Jordan ký các hiệp ước hòa bình với Israel, họ đã làm như vậy để đổi lấy bán đảo Sinai và hy vọng rằng một nhà nước Palestine sẽ được thành lập trên lãnh thổ của người Palestine.

Tuy nhiên, hy vọng đó đến nay vẫn không tồn tại. UAE và Israel được tự do theo đuổi các lợi ích song phương của họ, song những lợi ích này không phải là sự thay thế cho việc đạt được hòa bình giữa hai dân tộc có liên quan trực tiếp là người Palestine và người Israel.

Chúng ta cần phải nhìn nhận rõ ràng rằng không thể đạt được hòa bình như vậy nếu không có sự tham gia của chính người dân Palestine, những người dù sao cũng đang sống dưới sự chiếm đóng.

Các quốc gia vùng Vịnh khác có thể theo bước UAE. Israel sẽ lặp lại "câu thần chú" rằng họ không cần hòa bình với người Palestine vì họ có thể vượt qua và kết thúc trong hòa bình với các nước Arập khác.

Đây là suy nghĩ thiển cận và cũng là ảo tưởng. Bằng cách hoan nghênh thỏa thuận giữa UAE và Israel là một bước đột phá cho hòa bình, nhiều người đang góp phần, dù chủ đích hay không, vào sự ảo tưởng rằng có thể đạt được hòa bình ngay cả khi không có hòa bình giữa người chiếm đóng và người bị chiếm đóng.

Bên thua thiệt lớn nhất từ thỏa thuận này không đơn thuần chỉ là người Palestine như nhiều người vẫn lầm tưởng mà thực tế là giải pháp hai nhà nước giữa Palestine và Israel.

Đáng buồn thay, thế giới đang ở thời điểm mà Israel không tin họ cần phải chấm dứt sự chiếm đóng, không tin một giải pháp hai nhà nước đáng tin cậy và dường như không tin rằng họ cần hòa bình với người Palestine.

Hậu quả từ cách tiếp cận đó thật khó lường. Sự hiểu lầm có thể thúc đẩy nền hòa bình mà không có sự tham gia trực tiếp của người Palestine đang hủy hoại chính mục tiêu của cộng đồng quốc tế. Đó là một giải pháp hai nhà nước.

Sai lầm này đã làm dịch chuyển trọng tâm, đặc biệt là chính trong thế hệ người Palestine mới, từ một giải pháp dựa trên hai nhà nước sang một thực tế dựa trên một nhà nước.

Câu hỏi từ bây giờ sẽ không còn là liệu có đạt được giải pháp hai nhà nước hay không, mà thay vào đó sẽ chuyển thành khi nào thì giải pháp một nhà nước sẽ xuất hiện từ thực tế hiện nay: một hệ thống dân chủ hay một nhà nước phân biệt chủng tộc?

Cộng đồng quốc tế cần nhận ra rằng cuộc xung đột Palestine-Israel đã đến mức mà trọng tâm đang chuyển từ tìm kiếm một giải pháp toàn diện sang việc theo đuổi các quyền bình đẳng cho người Palestine.

Giờ đây, đó sẽ là một cuộc đấu tranh lâu dài và thậm chí đẫm máu cho quyền bình đẳng mà người Palestine sẽ phải chấp nhận. Vì vậy, trước khi ca ngợi thỏa thuận UAE-Israel một cách "ngây thơ" như bước đột phá cho tiến trình hòa bình, hãy để những người đã tán dương kế hoạch này vỗ tay và suy nghĩ kỹ hơn về những hậu quả có thể xảy ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục