Thời báo Hoàn cầu: “Giới hạn trừng phạt Triều Tiên”

Thời báo Hoàn cầu ngày 18/2 đăng bài xã luận với nhan đề “Trung Quốc cần giữ một chừng mực nhất định khi tham gia trừng phạt Triều Tiên."

Thời báo Hoàn cầu ngày 18/2 đăng bài xã luận với nhan đề “Trung Quốc cần giữ một chừng mực nhất định khi tham gia trừng phạt Triều Tiên," với nội dung như sau:

 

Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu đều đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ về các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với Triều Tiên. Khi đối mặt với một Triều Tiên đang đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân và cuối cùng có khả năng sẽ trang bị vũ khí hạt nhân cho quân đội, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đấu tranh gay gắt không khoan nhượng và sẽ được châu Âu hỗ trợ. Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc không thể đứng ngoài cuộc và rơi vào tình thế khó xử.

 

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hy vọng Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách đối với Triều Tiên. Những nước này sẽ không ngừng gây sức ép đối với Trung Quốc. Việc Triều Tiên nghiên cứu, thử hạt nhân đã làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc nên ở mức độ nào đó, Trung Quốc trừng phạt Triều Tiên là lẽ đương nhiên. Vấn đề mấu chốt là mức độ hoặc phạm vi mà Trung Quốc trừng phạt Triều Tiên là gì?

 

Triều Tiên quyết tâm có vũ khí hạt nhân. Trung Quốc dù có tham gia hoàn toàn vào các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đối với Triều Tiên cũng chưa chắc ngăn được Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân. Động thái này có thể phù hợp với lợi ích của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng nhiều khả năng sẽ biến Trung Quốc thành kẻ thù của Triều Tiên. Đó là điều mà Trung Quốc nhất định phải tránh.

[Mỹ-Trung khẩu chiến vì vụ Triều Tiên thử hạt nhân]

Trung Quốc không thể nói mình là đồng minh của Triều Tiên, nhưng bất cứ lúc nào Trung Quốc cũng không được chủ động làm kẻ thù của quốc gia này, nhất là khi Triều Tiên đang đứng trước ngưỡng cửa hạt nhân. Đó là giới hạn chiến lược trong chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên.

 

Tuy nhiên, Trung Quốc phải có hành động phản đối việc Triều Tiên nghiên cứu thử nghiệm hạt nhân, nếu không Triều Tiên sẽ nghĩ rằng dù họ làm bất cứ việc gì, Trung Quốc cũng đều đứng về phía họ. Nguy hiểm hơn, có thể Triều Tiên sẽ ngộ nhận rằng Trung Quốc sợ họ. Cộng đồng quốc tế cũng sẽ không chấp nhận việc Trung Quốc một mực bênh vực Triều Tiên.

 

 Bài xã luận khẳng định Trung Quốc cần phải “trừng phạt” Triều Tiên, nhưng phương pháp “trừng phạt” này về lượng không được lớn hơn của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, hay nói cách khác, mức độ Trung Quốc giảm bớt viện trợ đối với Triều Tiên không được mạnh hơn mức độ trừng phạt của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu đối với Triều Tiên để tránh thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận Triều Tiên và cả thế giới. Đó sẽ là giới hạn cụ thể trong việc Trung Quốc cùng với thế giới tham gia trừng phạt Triều Tiên.

 

 Vấn đề hạt nhân Triều Tiên hết sức phức tạp. Cho đến nay, bán đảo Triều Tiên vẫn duy trì tình trạng Chiến tranh Lạnh. Dư luận phương Tây không ngừng đẩy vấn đề hạt nhân Triều Tiên đến “sự phải trái về ý thức hệ,” trong khi Mỹ lại luôn có cách tính toán chiến lược riêng của mình trong vấn đề này. Nếu dư luận Trung Quốc cứ chạy theo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ khiến công chúng đi lầm đường khi phán đoán lợi ích của Trung Quốc.

[Nhật e ngại đầu đạn hạt nhân thu nhỏ của Triều Tiên]

 

 Nguy cơ bùng nổ xung đột ở bán đảo Triều Tiên đã bị tích tụ quá lớn, vấn đề hạt nhân Triều Tiên là quả bom nổ chậm. Triều Tiên phải chịu trách nhiệm, nhưng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc - với tư cách là một bên có ưu thế tuyệt đối về sức mạnh - cũng phải gánh chịu ít nhất một nửa trách nhiệm. Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc không hề có thay đổi gì, song lại yêu cầu Trung Quốc phải thay đổi để tình hình có sự đột phá,đây là điều không hợp lý, không khả thi.

 

 Trung Quốc cần kiên trì đóng vai trò trung gian trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, không được đứng về bên này để đối kháng với bên kia. Trung Quốc khó trở thành đồng minh của Triều Tiên, nhưng lại càng không có khả năng làm đồng minh của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trung Quốc quyết không để bị Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc lôi xuống nước sâu. Trung Quốc cần có sự chuẩn bị khẩn trương cho cục diện cực đoan ở bán đảo Triều Tiên, đó là đảm bảo quan trọng để Trung Quốc tự bảo vệ an ninh cho mình, không bị bất cứ bên nào trói buộc.

 

Thời báo Hoàn cầu kết luận: Trung Quốc không có điều kiện để điều chỉnh chính sách đối với Triều Tiên trên quy mô lớn, nhưng việc tiếp tục duy trì chính sách như thế nào là điều cần cân nhắc. Hiện nay, Triều Tiên rất "lỗ mãng," Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã bức xúc đến mức căng thẳng, do đó Trung Quốc cần phải có hành động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục