Theo trang mạng Brink News, gần đây tạp chí The Economist đã vinh danh Italy là “Quốc gia của năm 2021."
Một số cải cách kinh tế dưới thời Thủ tướng Mario Draghi đã giúp đưa Italy vào một thời kỳ ổn định và cải cách rất cần thiết. Nhưng liệu những khoảng thời gian tốt đẹp này có thể kéo dài?
Tháng trước, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, mở đường cho ông Draghi tiếp tục giữ chức Thủ tướng. Ông Draghi đã từng được coi là người có khả năng kế nhiệm ông Mattarella làm Tổng thống, nhưng với tư cách là Thủ tướng, ông là chìa khóa để giữ cho chính phủ đoàn kết dân tộc mong manh của Italy ở lại với nhau.
Với tư cách là Thủ tướng, ông Draghi đã cố gắng giữ cho nền kinh tế của đất nước tăng trưởng, chiến dịch vaccine đi đúng lộ trình và ông rất nổi tiếng cả ở trong và ngoài nước. Mặc dù môi trường kinh doanh phức tạp và những rạn nứt cấu trúc vẫn còn kéo dài, nhưng hầu hết mọi người đều đồng ý rằng kế hoạch phục hồi của Italy vượt trước cả Pháp và Đức.
Sự phục hồi mạnh mẽ đáng ngạc nhiên của Italy
Trong một năm đen tối đối với hầu hết các nước trên thế giới, Italy đã làm tốt một cách đáng ngạc nhiên. Điều này phần lớn là nhờ vào tài lãnh đạo của Thủ tướng Draghi. Liệu sự tín nhiệm đó có xứng đáng hay không? Khả năng lãnh đạo của ông Draghi có đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của Italy trong 15 tháng qua?
Arturo Zampaglione, giảng viên đại học, cựu phóng viên của tờ La Repubblica (Italy), trả lời rằng "chắc chắn là có. Trước hết, hãy bắt đầu từ dữ liệu kinh tế. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy đã tăng 6,5% trong năm ông Draghi làm Thủ tướng. Đó là mức tăng trưởng cao nhất trong 27 năm và vượt quá dự báo của nhiều nhà kinh tế. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch đã dự báo tăng trưởng kinh tế Italy năm 2021 chỉ ở mức 6,3%. Vì vậy, cảm nhận chung là sự lựa chọn của tờ The Economist (vinh danh Italy là ‘Quốc gia của năm’) là đúng. Và điều này cũng đã tạo ra niềm tự hào dân tộc (ở Italy)."
["Super Mario" quyết đoán đã thay đổi Italy như thế nào?]
Với cuộc bầu cử quốc hội Italy sắp diễn ra vào đầu năm 2023, những quan ngại về tương lai vẫn còn đó. Cũng như ở nhiều quốc gia khác, hệ thống chính trị của Italy đã trở nên phân mảnh hơn nhiều. Đã từng có thời, nước này chỉ có 2 đảng lớn là đảng Dân chủ Thiên chúa giáo theo đường lối trung dung và đảng Cộng sản cánh tả, nhưng hiện nay có ít nhất 6 lực lượng chính trị lớn, nhưng theo cuộc thăm.
Tình hình còn phức tạp hơn nữa do những cải cách do EU áp đặt, làm giảm số lượng hạ nghị sỹ và thượng nghị sỹ. Ông Zampaglione giải thích rằng “điều này sẽ buộc người ta phải suy nghĩ lại về luật bầu cử. Luật này sẽ dựa trên các quận đơn lẻ như hiện nay, hay sẽ có một cách tiếp cận tỷ lệ, chẳng hạn giống như ở Đức. Vấn đề này vẫn còn để ngỏ cho việc thảo luận và các đảng phái chính trị phải nhanh chóng đưa ra quyết định về vấn đề này, và điều đó sẽ không dễ dàng."
Do sự vắng mặt của cựu Thủ tướng Angela Merkel ở Đức và các cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Pháp, có một khoảng trống lãnh đạo ở châu Âu. Với sự lãnh đạo của Thủ tướng Draghi, vai trò của Italy đang ngày càng nổi bật hơn.
"Super Mario"
Trước khi trở thành Thủ tướng Italy, ông Draghi, hay còn được gọi là “Super Mario," là người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tại đó, ông đã biết rõ cấu trúc của Liên minh châu Âu (EU) và cấu trúc của nhiều nước EU.
Ông Zampaglione cho biết rất nhiều vai trò của Italy trong các vấn đề quốc tế có liên quan đến vai trò của ông Draghi. Khi Thủ tướng Draghi nói về sự cần thiết của quân đội châu Âu hoặc về một cách tiếp cận linh hoạt hơn đối với thâm hụt ngân sách, mọi người lắng nghe ở Brussels. Khi ông gọi điện cho Moskva, Tổng thống Vladimir Putin bắt máy. Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh cũng vậy.
Mặc dù cuộc bầu cử quốc hội của Italy vào đầu năm tới là một dấu hỏi lớn đối với sự ổn định liên tục của nước này, nhưng các vấn đề quốc tế hiện có nguy cơ rất lớn. Theo ông Zampaglione, “Italy phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu năng lượng. Nước này chỉ sản xuất được 10% lượng khí đốt mà họ tiêu thụ và phải mua phần còn lại ở nước ngoài. Và 43% lượng khí đốt quốc gia của Italy được nhập từ Nga. Vì vậy, có một mối nguy hiểm liên quan đến khả năng Nga tấn công (Ukraine)."
Mặc dù nền kinh tế Italy đã phục hồi tốt trong năm qua sau cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm 2020, nhưng việc khắc phục tình trạng trì trệ cơ bản của nước này thông qua các cuộc đại tu kéo dài vẫn là chìa khóa để đảm bảo tính bền vững của khoản nợ quốc gia khổng lồ.
Danh sách cải cách dài
Có một danh sách những cải cách mà Italy đã trình bày với EU để nhận được khoản tài chính khổng lồ sau đại dịch COVID-19. Italy sẽ chỉ nhận được số tiền gần 200 tỷ USD từ Quỹ phục hồi của EU nếu nước này thực hiện những cải cách sâu rộng trong một số lĩnh vực chủ chốt, bắt đầu từ hệ thống tư pháp, hệ thống mua sắm và thị trường việc làm. Italy đã hứa sẽ giải quyết những vấn đề này. Rất nhiều điều sẽ dựa vào khả năng của Thủ tướng Draghi trong việc đánh thức bộ máy quan liêu của Italy.
Ông Zampaglione nhận định: “Italy cần một chút điều chỉnh và cập nhật. Nhưng theo quan điểm của tôi, hệ thống tư pháp là tối quan trọng. Tổng thống Mattarella ngay khi tái đắc cử đã nhấn mạnh vấn đề này. Italy có một cơ chế quản lý tư pháp rất quan liêu, và điều này cần phải được thay đổi nếu Rome muốn trở thành một quốc gia hiện đại và hiệu quả”./.