Có một bài hát mà người Việt Nam nào cũng thuộc, từng hát, đang hát và sẽ tiếp tục hát, đó là bài “Tiến quân ca.”
Đây là vinh dự đặc biệt của tác giả, nhạc sỹ Văn Cao, cũng là sự lựa chọn đặc biệt mà lịch sử cách mạng Việt Nam dành cho ông đồng thời minh chứng tài năng âm nhạc kiệt xuất của ông.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhận định như vậy tại hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” ngày 8/11 tại Hà Nội.
Hội thảo nhân do Báo Nhân Dân phối hợp với Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sỹ (15/11/1923-15/11/2023).
“Thời gian càng lùi xa, tầm vóc nghệ thuật của Văn Cao càng lớn và lộng lẫy hơn. Hội thảo trả lời cho câu hỏi chúng ta cần tiếp tục làm gì để phát huy giá trị di sản quý giá về nhạc, họa, thơ mà Văn Cao để lại,” ông Lê Quốc Minh nhận định.
[300 nghệ sỹ biểu diễn kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sỹ Văn Cao]
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương khẳng định Văn Cao có tài năng đa dạng, độc đáo, nhiều chiều kích, tích hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy, thẩm mỹ, bút pháp; giữa hiện thực đời sống, sự cảm nhận, tri nhận và nghệ thuật biểu đạt; giữa âm nhạc-hội họa-thơ văn. Ông được nhiều người khẳng định là một hiện tượng hết sức đặc biệt và hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại.”
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, nhiều người ca ngợi Văn Cao là nghệ sỹ đa tài, thích lãng du qua những miền nghệ thuật khác nhau về âm nhạc, hội họa, thơ ca. Dù không gắn bó liên tục và dài lâu với một loại hình nào, nhưng ở cả ba miền ấy, ông đều lưu dấu rất nhiều sáng tạo mang tính khai phá, mở lối cho mình và cho những người đến sau.
“Gọi ông là nghệ sỹ thiên tài cũng không có gì là quá lời. Những sáng tác của Văn Cao, nhất là âm nhạc và thơ ca, tuy không dồi dào về số lượng nhưng tạo dấu ấn mạnh mẽ về chất lượng, có tác dụng khai mở, định hướng và đặt nền cho sự phát triển của đời sống văn nghệ Việt Nam hiện đại,” ông Nguyễn Thế Kỷ nói.
Với Giáo sư Phong Lê, nhạc sỹ Văn Cao là một chân dung lớn.
“Nói đến Văn Cao, không chỉ thời điểm hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông mà ngay từ năm 1945, ông đã là một tên tuổi nghệ sỹ lớn của cả dân tộc Việt Nam bởi ông là tác giả của ‘Tiến quân ca’, bài hát được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là Quốc ca,” Giáo sư Phong Lê nhấn mạnh.
Theo di nguyện của Văn Cao, gia đình nhạc sỹ đã hiến tặng bản quyền “Tiến quân ca” cho Tổ quốc. Giáo sư Phong Lê cũng cho rằng đây là một nghĩa cử vĩ đại, bởi nếu thực hiện chế độ bản quyền thì chỉ riêng nhuận bút của bài hát này cũng đưa Văn Cao lên hàng tỷ phú trong khi đời sống của ông cho đến khi qua đời vẫn rất khó khăn.
Đồng quan điểm đó, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phan Trọng Thưởng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: “Văn Cao là người nghệ sỹ đa tài của nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Sự nghiệp của ông trải dài gần suốt thế kỷ 20 và gắn bó chặt chẽ với lịch sử đất nước.”
Ông Thưởng cho rằng trường hợp của Văn Cao có thể mang lại nhiều bài học về tài năng, về nhân cách nghệ sỹ, về con đường chiếm lĩnh các đỉnh cao, về lộ trình chinh phục công chúng, về quá trình nhận thức, đánh giá và tiếp nhận các giá trị nghệ thuật.
Nhân dịp này, Báo Nhân Dân đã trao tặng món quà đặc biệt cho gia đình nhạc sỹ Văn Cao. Đó là bức tranh khắc đồng bản nhạc bài hát “Mùa Xuân đầu tiên” của nhạc sỹ Văn Cao. Bằng công nghệ, Ban Tổ chức đã phục chế lại thủ bút của nhạc sỹ Văn Cao và đưa vào bức tranh bài hát do chính tay ông viết./.