Thời tiết khắc nghiệt hủy hoại thành quả phát triển?

Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đảo ngược mọi thành quả phát triển.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 27/4, Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới (WB) đã lên tiếng cảnh báo các sự kiện thời tiết khắc nghiệt ngày càng vượt quá tầm dự báo của con người và có nguy cơ làm đảo ngược mọi thành quả phát triển nhiều thập kỷ qua của nhân loại.

Ông Christopher Field, Đồng Chủ tịch Nhóm làm việc thứ 2 của Ủy ban liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNIPCC), nhấn mạnh diện mạo của nguy cơ cũng đang thay đổi với các các sự kiện khí hậu và thời tiết cực đoan đang tăng lên và ngày càng đa dạng.

Trong nửa cuối của thế kỷ 21, số đợt nóng cực đoan có thể tăng gấp 10 lần hiện nay. Các đợt gió nóng dữ dội nhất hiện chỉ xảy ra 1 lần trong 1 thập kỷ sẽ nhanh chóng trở thành sự kiện thời tiết hàng năm.

Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt sẽ tác động lớn hơn nhiều so với hiện nay tới các lĩnh vực liên quan đến khí hậu như nước, nông nghiệp và an ninh lương thực, lâm nghiệp, y tế và du lịch. Lụt là thảm họa thiên nhiên sẽ xảy ra thường xuyên nhất. Đô thị hóa nhanh chưa từng thấy nhưng thường không có quy hoạch và lộn xộn ở các nước đang phát triển là nguyên nhân hàng đầu khiến các đô thị không được bảo vệ trước lũ lụt. Thiệt hại do các thảm họa tự nhiên toàn cầu năm 2011 đã lên tới 264 tỷ USD, gấp đôi viện trợ phát triển chính thức (ODA) cùng năm 2011.

UNIPCC dự báo sẽ có tới 600 triệu người trên toàn cầu sẽ phải sống ở các vùng đất ven biển ở dưới mức lũ vào năm 2100.

Trong bối cảnh thế giới hiện vẫn dành nhiều nguồn lực hỗ trợ nhân đạo sau thảm họa cao hơn nhiều so với nguồn lực đầu tư để ngăn chặn thảm họa, thông điệp then chốt từ nghiên cứu mới nhất của UNIPCC gửi tới cộng đồng toàn cầu là nhu cầu cấp bách phải hòa nhập các nhân tố như thích nghi với biến đổi khí hậu, quản lý các nguy cơ thảm họa với phát triển bền vững để tăng cường sức bật phục hồi chống thảm họa.

Ông Mahmoud Mohieldin, Giám đốc điều hành WB kêu gọi cộng đồng quốc tế sẵn sàng trước một thế giới đang thay đổi nhanh, trong đó đô thị hóa nhanh và biến đổi khí hậu đang định hình lại và làm nghiêm trọng hơn các nguy cơ thảm họa. Thế giới cũng cần thay đổi tư duy về cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, vận tải, nước, năng lượng cũng như các thông tin cần chia sẻ.

Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Hellen Clark, nhấn mạnh tăng cường sức bật phục hồi chống thảm họa phải ở trung tâm của các hoạt động phát triển. Gắn giảm nguy cơ thảm họa với thích nghi với biến đổi khí hậu, hòa nhập chúng vào các chương trình nghị sự phát triển có tầm quan trọng thiết yếu để tăng cường sức bật phục hồi chống thảm họa của các cộng đồng dân cư và của mỗi quốc gia./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục