Thống nhất lộ trình hòa đàm về tái thống nhất đảo Cyprus

Cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp và người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí về lộ trình nối lại đàm phán tái thống nhất quốc đảo này.

Cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp và người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí về lộ trình do Liên hợp quốc đề xuất nhằm nối lại các cuộc đàm phán tái thống nhất quốc đảo này.

Các cuộc gặp đầu tiên dự kiến vào tuần tới mặc dù tới thời điểm này, phía Cyprus Hy Lạp vẫn chưa đưa ra xác nhận cuối cùng.

Những nỗ lực tái khởi động đàm phán do Liên hợp quốc làm trung gian nhằm kết thúc bốn thập kỷ chia cắt hai vùng của Cyprus cuối cùng đã đạt được kết quả sau gần hai năm "giậm chân tại chỗ." Hai cộng đồng người Cyprus đều đã cố gắng nhằm đạt được tuyên bố chung cho phép tái khởi động các cuộc thương lượng.

Đảo Cyprus bị chia cắt từ năm 1974, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng 1/3 lãnh thổ phía Bắc hòn đảo này và lập nên "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus" nhưng không được quốc tế công nhận.

Trong khi đó, Nhà nước Cộng hòa Cyprus quản lý phần lãnh thổ phía Nam hòn đảo được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Liên hợp quốc đã đưa ra kế hoạch hòa bình nhằm tái thống nhất đảo Cyprus, nhưng đã bị người Cyprus gốc Hy Lạp tại miền Nam bác bỏ trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2004.

Vòng đàm phán gần đây nhất bị trì hoãn vào năm 2012 sau khi Cộng hòa Cyprus đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên của EU và cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đẩy nền kinh tế nước này chìm sâu trong suy thoái, buộc chính phủ phải cầu cứu sự trợ giúp của các chủ nợ quốc tế.

Ngày 5/2 vừa qua, lần đầu tiên người phát ngôn Chính phủ Cyprus Christos Stylianides cho biết hai bên đã tiến gần hơn tới một thỏa thuận chung mở đường cho các cuộc đàm phán mới.

Trong một phản ứng đầu tiên, ngày 7/2, Hy Lạp đã lên tiếng ủng hộ việc cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp và người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ nối lại đàm phán. Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras thừa nhận đây là "một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại" của nước này. Theo ông, cả hai bên tại Cyprus sẽ phải có trách nhiệm hướng các cuộc đàm phán tới một giải pháp chung.

Thủ tướng Samaras cũng hàm ý bất kỳ giải pháp nào cũng nên được thực hiện thông qua trưng cầu dân ý nhằm bảo đảm "sự đồng thuận quốc gia lớn nhất."

Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Mỹ dành "sự ủng hộ kiên định" cho quá trình hòa giải của Cyprus và hy vọng việc nối lại đàm phán sẽ thành công./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục