Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, trình độ công nghệ ở mức trung bình trên thế giới, nhiều máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ phải nhập khẩu từ nước ngoài nhưng việc quản lý cơ bản lỏng lẻo, không gặp rào cản.
Để quản lý hoạt động này, không để Việt Nam trở thành bãi rác thải thiết bị, máy móc công nghệ của thế giới, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 20/2014 (Thông tư 20) ngày 15/7/2014, quy định việc quản lý nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Sau khi Thông tư 20 được ban hành đã “vấp” phải nhiều ý kiến phản đối dẫn đến việc tạm “ngưng” hiệu lực thi hành.
“Vấp" trong phối hợp
Triển khai Nghị định số 187/2013 ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành quy định cụ thể về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - đơn vị trực tiếp soạn thảo Thông tư 20 cho biết ngày 4/10/2013, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh đã ký công văn số 3198 gửi đến 16 Bộ, ngành và tám đơn vị trong Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị đề xuất các phương án, nội dung quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất tiêu chí chung để nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải đảm bảo chất lượng còn lại từ 80% trở lên.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội còn đề xuất hai danh mục cấm nhập khẩu và được phép nhập khẩu có điều kiện một số máy móc, thiết bị đã qua sử dụng có thời gian sử dụng nhỏ hơn 5 năm, chất lượng còn lại từ 80% trở lên.
Bộ Tài nguyên và Môi trường lại đề nghị một số lĩnh vực như viễn thám, đất đai, đo đạc và bản đồ không nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, còn lĩnh vực địa chất và khoáng sản chỉ cho nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ có giá trị còn lại từ 80% trở lên.
Đồng quan điểm chất lượng đạt 80%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng phục vụ ngành nông nghệp phải có thời gian sử dụng không quá ba năm kể từ ngày sản xuất.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ cũng đề nghị chỉ nên cho nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ có trình độ cao hoặc trung-cao, ngăn chặn nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng của ngành luyện kim, cán thép, sản xuất xi măng, giấy và bột giấy.
Trên cơ sở các ý kiến đề xuất, Bộ Khoa học và Công nghệ đã dự thảo phương án quản lý và đã gửi lấy ý kiến của các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan với mục tiêu ngăn chặn máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu, không đảm bảo an toàn, môi trường và tiêu hao năng lượng.
Tuy nhiên, ngay trước thời điểm Thông tư 20 có hiệu lực đã “vấp” phải sự phản ứng của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).
Về vấn đề này, ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, cho rằng phản ứng đối với Thông tư 20 sau khi được ban hành là do sự “hời hợt” trong phối hợp, góp ý khi xây dựng Thông tư của các Bộ, ngành và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan bởi Bộ Khoa học và Công nghệ không “tự nghĩ” ra nội dung Thông tư để ban hành.
Bên cạnh đó, đề xuất của một số Bộ không sát thực tế, chỉ tập trung vào những máy móc, thiết bị của những ngành lớn, chưa quan tâm đến tất cả các ngành, lĩnh vực mình quản lý.
“Ngừng” hiệu lực thi hành
Trước sự phản ứng ứng của nhiều tổ chức, doanh nghiệp có liên quan, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã báo cáo, xin ý kiến về Thông tư số 20/2014 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/9/2014.
Theo Thông tư 20, các máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng muốn được nhập khẩu phải có thời gian sử dụng không quá 5 năm, chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên.
Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cho rằng những quy định đưa ra của Thông tư rất “khắt khe,” thời gian sử dụng của máy móc không quá 5 năm là quá ngắn, chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên cũng quá cao, thực tế, nhiều máy móc chạy 10-15 năm vẫn tốt.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, điện thoại di động, công nghệ cao đang có xu hướng chuyển các dây chuyền sản xuất từ các nước khác về Việt Nam và họ lo ngại những quy định trong Thông tư có thể cản trở quá trình này. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu lo sẽ gặp vướng mắc về thủ tục hải quan với quy định phải giám định máy móc, thiết bị trước khi thông quan...
Về Thông tư 20, cũng tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cho rằng Thông tư 20 có mục đích tốt nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp FDI đã phản ánh khó khăn đến Bộ, tuy nhiên cứ không phải “kêu” thì phải sửa, nhưng đúng là Thông tư 20 cũng vướng.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lo ngại quy định giám định máy móc, thiết bị trước khi thông quan sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của những giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, vốn đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng thực hiện Thông tư 20 để nghiên cứu, tiếp thu thêm các ý kiến. Vì vậy, ngày 29/8/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định số 2279/QĐ-BKHCN về việc ngưng hiệu lực thi hành từ 1/9/2014 đối với Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN để tiếp thu thêm ý kiến, xây dựng và hoàn thiện Thông tư.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: Đối với doanh nghiệp, lợi nhuận, lợi ích kinh tế bao giờ cũng đặt lên trên hết, các yếu tố về tiêu hao năng lượng, môi trường không phải là yếu tố hàng đầu khi các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, đặc biệt trong khi nhà nước chưa có quy định cụ thể đối với việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, từ đó dẫn đến việc các doanh nghiệp sẵn sàng nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng từ 15-20 năm vì thực tế những thiết bị này rẻ hơn rất nhiều so với máy mới, điều này khiến Việt Nam sẽ có khả năng trở thành bãi rác công nghiệp trong tương lai.
Tuy vậy cũng cần phải cân nhắc khi sửa đổi, bổ sung văn bản vì khi xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật, việc “va chạm” đến lợi ích của một số đối tượng có liên quan là điều không tránh khỏi, do vậy, không phải cứ doanh nghiệp “kêu” thì cơ quan quản lý phải “chạy theo” doanh nghiệp mà cần nghiên cứu kỹ, có cái nhìn tổng thể, bao quát, tính toán đến mục tiêu chiến lược phát triển của quốc gia, hiệu quả kinh tế của toàn nền kinh tế cũng như sự phát triển bền vững trong tương lai./.