Tại sự kiện Comic Con 2017, thay vì ăn vận bảnh bao với những bộ vest hoặc ít nhất là quần jeans áo phông, đạo diễn Taika Waititi lại chọn mặc một bộ romper với họa tiết hình quả dứa độc đáo. Anh thậm chí còn mặc bộ đồ này khi chụp ảnh cho tờ Los Angeles Times cùng các ngôi sao Chris Hemsworth, Cate Blanchett, Tom Hiddleston... và hài hước đăng lên Twitter cá nhân: “Tôi và những kẻ muốn được như tôi.”
Phong cách hài hước “tưng tửng” đó được Waititi thể hiện thường ngày qua các dòng tweet vui nhộn và lý giải tại sao “Thor: Ragnarok” lại mang tông chủ đạo là hài. Sau hai tập phim đầu chơi vơi giữa nhiều thể loại và chưa thể định hình phong cách, “Thor 3” mạnh dạn vặn nút volume “Hài hước” lên và đem tới 130 phút giàu tính giải trí.
Một “Thor” bớt nghiêm túc
Câu chuyện của “Thor: Ragnarok” được đặt ở thời điểm hai năm sau những sự kiện trong “Avengers: Age of Ultron”. Trong tập phim mới này, xứ Asgard đứng trước hiểm họa diệt vong với sự xuất hiện của “Nữ thần chết chóc” Hela (Cate Blanchett thủ vai). Những người được trông đợi sẽ ngăn chặn Hela lại đang không có mặt tại Asgard vì những lý do khác nhau. Nhà vua Odin (Anthony Hopkins) bị Loki (Tom Hiddleston) giả dạng từ “Thor: The Dark World” và phải lưu lạc dưới địa cầu, trong khi Thor (Chris Hemsworth) bị mắc kẹt cùng Loki tại hành tinh Sakaar.
Tại Sakaar, Thor phải phục tùng “Đại chủ nhân” (Jeff Goldblum) và trở thành một võ sĩ giác đấu. Đối thủ của anh là ... Hulk (Mark Ruffalo) – một thành viên của nhóm Avenger bị trôi dạt tới Sakaar sau trận chiến với Ultron. Thor phải sớm tìm cách thức tỉnh Hulk và thoát khỏi Sakaar, trước khi lời tiên tri về sự diệt vong Ragnarok ứng nghiệm với thế giới Asgard...
So với hai phần “Thor” và “Thor: The Dark World”, “Thor: Ragnarok” có sự hài hước và tính giải trí vượt trội. Đây là hướng đi đúng đắn, bởi nhân vật Thor trên phim có phần lép vế nếu so với các phim như “Winter Soldier” hay “Civil War” của Captain America và Iron Man. Phần đầu chủ yếu mang tính giới thiệu nhân vật, trong khi tập tiếp theo lại “làm không tới” với ác nhân nhạt nhòa Malekith. Trong các tập phim kể trên, Thor thậm chí còn có phần bị lép vế bởi người em Loki, khi “Thần sấm” tỏ ra nghiêm túc quá mức và không được mến mộ bằng một Loki xảo quyệt, láu cá.
Điều này đã được thay đổi trong “Thor: Ragarok”, khi Thor được trao nhiều đất để thể hiện bản thân hơn. Anh bị mất đi cây búa thần Mjolnir và phải tìm cách xoay trở để thoát khỏi Sakaar với sự giúp đỡ của nữ chiến binh Valkyrie (Tessa Thompson) và một Hulk khó lường.
Dưới sự chỉ đạo của Taika Waititi, Chris Hemsworth gây ấn tượng hơn trong quá khứ với mái tóc được cắt ngắn và nhiều đoạn thoại gây cười, cùng thân hình cơ bắp cuồn cuộn. Anh cho thấy rằng Thor khi bớt nghiêm túc sẽ trở nên sinh động và lôi cuốn hơn, không còn bị Loki “át vía” dù Tom Hiddleston vẫn có những khoảnh khắc duyên dáng.
Không chỉ Thor mà ngay cả Hulk cũng có nhiều đất diễn hơn và khiến người xem thích thú bởi những biểu cảm vui nhộn, đáng yêu trái ngược hẳn với vẻ cục mịch bề ngoài.
Một bom tấn giải trí đúng nghĩa
Dù có thời lượng 130 phút, “Thor: Ragnarok” không đem lại cảm giác dài hay sốt ruột bởi nhịp phim sớm được đẩy lên cao. Các tình huống hài hước hoặc hành động được cài cắm vào hầu hết thời lượng phim, ngay cả trong các tình huống có vẻ nghiêm trọng thì nhân vật vẫn có thể thốt ra một câu thoại khiến khán giả bật cười.
Ưu điểm của việc này là phim mang tính giải trí cao, còn nhược điểm là cả phim hầu như giữ nguyên “một màu” và không có điểm nhấn đem tới sự bùng nổ về cảm xúc. Ví dụ như trường đoạn một nhân vật ra đi đáng lẽ phải đem lại cảm giác xúc động thì người xem lại không cảm thấy buồn bã gì nhiều do mọi thứ diễn ra quá nhanh. Hay như trận đánh tâm điểm cuối phim dù được dàn dựng hoành tráng nhưng lại không có được sự cao trào cần thiết để đọng lại tâm trí khán giả.
Ngay cả nhân vật phản diện Hela được giới thiệu ấn tượng qua diễn xuất của Cate Blanchett cũng không thoát khỏi số phận của nhiều ác nhân Marvel trước đó. Hela xuất hiện với vẻ đẹp chết chóc và có sức mạnh vượt trội, song không có nhiều thời lượng màn ảnh do phải san sẻ đất với câu chuyện trên Sakaar của Thor và nhạt nhòa dần khi về cuối. Có lẽ phải tới Thanos trong “Avengers: Infinity War” vào năm sau, người hâm mộ Marvel mới có thể thấy một kẻ phản diện hoành tráng như kỳ vọng.
Dẫu vậy, “Thor: Ragnarok” vẫn là một lựa chọn giải trí hợp lý với phần đông khán giả với sự tròn trịa chuẩn công thức Marvel: kỹ xảo đẹp mắt, nội dung giải trí và hài hước. Đạo diễn Waititi không chỉ bê nguyên phong cách hài từ loạt phim “The Inbetweeners” mà ông từng thực hiện vào “Thor: Ragnarok” mà còn đem tới nhiều bất ngờ với các màn cameo thú vị.
Nếu tinh ý, khán giả sẽ nhận thấy ngoài Jeff Goldblum trong vai “Đại chủ nhân”, còn một bạn diễn khác của ông trong “Jurassic Park” xuất hiện trong “Thor 3”. Ngoài màn xuất hiện chớp nhoáng quen thuộc của tác giả Stan Lee, “Thor: Ragnarok” còn có sự góp mặt của Doctor Strange và đặc biệt là một tài tử hạng A của Hollywood.
Một điểm cộng khác của “Thor: Ragnarok” là các trận đánh được dàn dựng đẹp mắt, kết hợp phần nhạc nền rock thập niên 1970s và nhạc điện tử retro đem lại cảm giác mới lạ khi đan xen cùng phần nhạc gốc của “Thor”. Trận chiến đặc biệt giữa Thor và Hulk không chỉ đem lại cảm giác đã mắt mà còn lồng vào một số tình tiết gây cười được lấy cảm hứng từ chính “The Avengers.”
Những ưu điểm kể trên giúp “Thor: Ragnarok” trở thành tập phim hay nhất trong số ba tập phim riêng về “Thor”, cũng như là lựa chọn giải trí không nên bỏ qua trong mùa phim cuối năm. Bộ phim có hai đoạn after-credit và làm nền tảng cho bom tấn “Avengers: Infinity War” được chờ đợi bậc nhất năm 2018.
Thor: Ragnarok
Đạo diễn: Taika Waititi
Diễn viên: Chris Hemsworth, Cate Blanchett, Tom Hiddleston
Thời lượng: 130 phút
Thể loại: Hành động, Hài hước, Viễn tưởng
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 27/10.