Thu hút đầu tư nông nghiệp: Bao giờ ra khỏi vòng luẩn quẩn?

Doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp, mà vướng mắc lớn nhất là các rào cản thủ tục, vấn đề đất đai, tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này.
Thu hút đầu tư nông nghiệp: Bao giờ ra khỏi vòng luẩn quẩn? ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu tại Đồng Tháp. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Muốn xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa có sự cạnh tranh quốc tế trong quá trình hội nhập và áp dụng sản xuất sử dụng công nghệ cao, không thể thiếu vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp thế nhưng số doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn rất hạn chế.

Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp chưa mặn mà trong đầu tư là vướng mắc về cơ chế chính sách trong nông nghiệp, nông thôn. Trong số đó, vướng mắc lớn nhất là các rào cản thủ tục quy định, vấn đề đất đai, tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này.

Đó là những nội dung được đề cập trong cuộc họp nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hôm nay(19/2) tại Hà Nội.

Phát biểu tại cuộc họp, Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) cho biết, thủ tục và các quy định đặt ra cho doanh nghiệp nông lâm thủy sản đang là một trong những hạn chế đáng quan ngại.

Khảo sát của IPSARD năm 2014 cho thấy gần 80% doanh nghiệp nông lâm thủy sản được điều tra mong muốn Nhà nước tiếp tục cải cách hành chính để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho doanh nghiệp phát triển.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, các thủ tục và quy định cho phép doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi về thuế, phí cũng còn nhiều bất cập.

“Ví dụ như các doanh nghiệp xuất khẩu càphê được miễn thuế VAT xuất khẩu nhưng thủ tục kiểm tra, quyết toán hoàn thuế rất chậm làm ảnh hưởng đến dòng vốn của doanh nghiệp. Việc hoàn trả thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không được hoàn trả ngay bằng tiền mặt mà chỉ được khấu trừ dần. Các doanh nghiệp cung cấp nông sản (ví dụ gạo) có thương hiệu, chất lượng trên thị trường nội địa phải nộp thuế VAT 5%, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không phải chịu thuế  hoặc thương lái gạo thông thường không phải nộp thuế này,” Tiến sỹ Anh Tuấn chỉ rõ.

Thu hút đầu tư nông nghiệp: Bao giờ ra khỏi vòng luẩn quẩn? ảnh 2Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Cảnh Nhà Bè. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các cơ chế chính sách trong nông nghiệp phải thông thoáng và tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư.

Theo bà Chi Lan, đến nay vẫn chưa có chính sách tạo quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho cho các công đoạn sau thu hoạch như phơi sấy, chế biến, kho chứa. Doanh nghiệp muốn thuê đất sản xuất phải chịu chi phí trung gian và chi phí quản lý lớn do ký hợp đồng với nhiều hộ nhỏ lẻ. Thủ tục phức tạp và chi phí phải trả để có mặt bằng kinh doanh ở nông thôn: cụ thể doanh nghiệp phải trả tiền mua hoặc thuê của dân sau đó nộp lại cho cơ quan địa phương để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rồi địa phương sẽ cấp giấy xác nhận cho doanh nghiệp thuê lại (trả tiền thuê đất lần thứ 2 cho cùng một diện tích).

Đồng quan điểm, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp dưới hình thức trang trại, cánh đồng mẫu lớn, đã được thực hiện nhưng hầu như chỉ ở quy mô mô hình điểm do chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp cũng như người dân thực hiện.

"Chính sách quy định khi quy hoạch hạ tầng cơ sở cho dự án đầu tư nông nghiệp và dự án ứng dụng công nghệ cao, Nhà nước sẽ đầu tư đầy đủ điện, đường tại chân công trình xây dựng Dự án. Nhưng trên thực tế, hầu hết các địa phương không có ngân sách để đầu tư các công trình này nên các doanh nghiệp phải tự thực hiện, gây rất nhiều khó khăn khi đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư," phó giáo sư Trần Đình Thiên phân tích.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trực tiếp trả lời giải đáp những khó khăn mà các doanh nghiệp và chuyên gia đưa ra. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp thu các ý kiến, khẩn trương rà soát, báo cáo những vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải để kịp thời tháo gỡ.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ, trong bối cảnh hội nhập hiện nay ngành nông nghiệp phải thay đổi cách thức sản xuất và doanh nghiệp là yếu tố then chốt trong tái cơ cấu nông nghiệp. Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển chính là hỗ trợ cho nông dân, không có doanh nghiệp thì nông dân không thể tự làm được.

“Quan điểm của Bộ Nông nghiệp là luôn tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là khâu mấu chốt để phát triển nông nghiệp."

"Việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải, những gì thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp sẽ chỉ đạo xử lý ngay, những gì vướng mắc của các Bộ, ngành khác chúng tôi sẽ có ý kiến và liên hệ phối hợp để giải quyết. Trong quá trình giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Bộ coi đây là trách nhiệm và bổn phận mà Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ phải thực hiện,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục