Thử nghiệm phương pháp đánh giá mục tiêu phát triển bền vững

Ngày 17/11, Quỹ Á-Âu và Quỹ Hanns Seidel đã phối hợp tổ chức Lễ công bố Báo cáo “Các chỉ số và mục tiêu phát triển bền vững vì một hành tinh nhỏ-Phần II: Đánh giá tính bền vững,” tại Hà Nội.
Thử nghiệm phương pháp đánh giá mục tiêu phát triển bền vững ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 17/11 tại Hà Nội, Quỹ Á-Âu và Quỹ Hanns Seidel tại Việt Nam phối hợp tổ chức công bố Báo cáo “Các chỉ số và mục tiêu phát triển bền vững vì một hành tinh nhỏ-Phần II: Đánh giá tính bền vững.”

Theo ông Axel Neubert, Đại diện thường trú, Quỹ Hanns Seidel Việt Nam, xu thế hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa đã tác động đến cả hành tinh. Một nghịch lý là quá trình toàn cầu hóa đang phát triển quá nhanh trên cả hai châu lục Á-Âu song những tiến bộ về kinh tế lại chưa đi kèm với chất lượng cuộc sống.

“Do đó, việc Báo cáo ra đời là nhằm xây dựng và thử nghiệm phương pháp đánh giá tại một số quốc gia châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu nhằm xác định một hệ thống các mục tiêu phát triển bền vững và hướng dẫn việc áp dụng rộng rãi phương pháp này ở cấp độ quốc gia và toàn cầu,” ông Axel Neubert nhấn mạnh.

Giáo sư Laszlo Pinter, Nghiên cứu viên cấp cao, Đại học Trung Âu cho biết, dự án này được thực hiện trên 14 quốc gia gồm Australia, Bangladesh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hungary, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Phần Lan, Hàn Quốc, Singapore, Thụy Điển và Thụy Sỹ và sắp tới đây là Việt Nam và Ba Lan.

Sau quá trình nghiên cứu thực hiện Báo cáo, giáo sư Laszlo đưa ra một số kiến nghị cho Việt Nam, phát triển mục tiêu vững là sự khởi đầu do đó cần phải có sự lồng ghép, hòa nhập với các mục tiêu toàn cầu trong quá trình lập chiến lược quốc gia, địa phương.

Tuy nhiên điều quan trọng là làm thế nào để đạt được các mục tiêu đã đề ra và giáo sư cho rằng, đó là chiến lược xây dựng năng lực quản trị, năng lực thực hiện tại các cấp, chuẩn bị về đảm bảo năng lực tài chính cũng như sự đảm bảo về tính minh bạch và sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục