Liên quan đến việc thu phí cảng biển của thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho rằng, Hải Phòng tiến hành thu phí chính thức từ ngày 3/1 vừa qua, tất cả các container hàng xuất và nhập qua cảng Hải Phòng đều phải nộp phí (mỗi container là 500.000 đồng), thời gian để được thông quan tại cảng biển Hải Phòng như các doanh nghiệp đã phản ánh kéo dài từ 2-3 giờ.
“Với quy mô của các doanh nghiệp sợi vừa và nhỏ ở khu vực Thái Bình và Hà Nam đã phản ảnh, khoảng 150-200 container/tháng thì các doanh nghiệp phải trả thêm từ 900 triệu đồng đến 2,4 tỷ đồng/năm riêng cho loại phí này, đây gần như là toàn bộ lợi nhuận của các công ty chỉ để đáp ứng yêu cầu tận thu của Hải Phòng,” ông Sơn lắc đầu nói.
Theo vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, với việc Hải Phòng áp dụng mức thu phí cảng biển quá cao sẽ trở thành gánh nặng mới về phí cho các doanh nghiệp, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều các loại phí khác (phí cầu đường, các loại phí phát sinh khi sử dụng cầu cảng, kho bãi, các công trình dịch vụ ở khu vực cảng biển…) và nhiều loại cũng đang tăng nhanh (như phí BOT giao thông). Điều này sẽ tác động trực tiếp đến chi phí, lợi nhuận của các doanh nghiệp và làm suy giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.
“Nếu Hải Phòng cứ kiên quyết thuy phí cao như này dẫn đến chuyện hàng hóa, sản phẩm doanh nghiệp ko cạnh tranh được thì sẽ phải tính đến phương án chọn điểm trung chuyển khác, miễn là chi phí thấp hơn,” ông Sơn cho biết.
Khẳng định mục đích thu phí cảng biển của thành phố Hải Phòng không rõ ràng không có cơ sở rõ ràng, mập mờ, ông Sơn đưa ra lập luận và đặt câu hỏi, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã thu phí, chưa kể hạ tầng cảng thì Nhà nước cũng đầu tư thu phí. Vậy, phía Hải Phòng còn thu phí ở phần nào nữa?.
“Hải Phòng khi thu phí cảng biển phải làm rõ đề án, mục đích thu để bù đắp chi phí nào? bao nhiêu km đường cần bảo trì, duy tu nhưng rõ ràng trả lời của địa phương hiện nay không rõ ràng. Nếu duy tu thì phải lấy từ nguồn vốn đầu tư chứ không thể lấy từ nguồn vốn địa phương,” ông Sơn nhìn nhận.
Chưa kể, theo ông Sơn, hiện các doanh nghiệp đã chịu các phí tại khu vực cửa khẩu, cảng biển Hải Phòng (phí vận chuyển, vệ sinh container...) và nộp cho thành phố thông qua các công ty được địa phương cho kinh doanh dịch vụ cầu cảng, kho bãi có sử dụng kết cấu hạ tầng. Như vậy, có hiện tượng “phí chồng phí” làm gia tăng gánh nặng lớn cho doanh nghiệp.
Với lý do này, các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành nghề, dịch vụ đề nghị Chính phủ xem xét, đình chỉ quyết định thu phí của Hải Phòng để làm rõ mục đích, đề án thu phí đồng thời phải tổ chức lấy ý kiến của doanh nghiệp xem việc thu phí cảng biển tác động, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam./.