Doanh nghiệp Nhật Bản “sốc” vì mức phí cảng biển Hải Phòng quá cao

Theo đánh giá của đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành nghề, mức thu phí cảng biển của thành phố Hải Phòng, là quá cao, không hợp lý và là gánh nặng cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Nhật Bản “sốc” vì mức phí cảng biển Hải Phòng quá cao ảnh 1Mức thu phí tại cảng Hải Phòng hiện được cho là quá cao và phí chồng phí. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Liên quan đến việc thu phí cảng biển của thành phố Hải Phòng, theo đánh giá của đại diện các Doanh nghiệp và Hiệp hội ngành nghề, dịch vụ, mức phí này quá cao, bất hợp lý, phí chồng phí và là gánh nặng cho doanh nghiệp

Thậm chí, cả các doanh nghiệp Nhật Bản có trụ sở tại nước ta cũng đã “sốc” về mức phí này.

Mức phí “chát”, doanh nghiệp không kịp “trở tay”

Theo Nghị quyết 148/2016/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành ngày 13/12/2016, mức phí áp dụng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là 250.000 đồng/container 20feet, 500.000 đồng/container 40feet và 20.000 đồng/tấn hàng lỏng, rời.

Đối với hàng tạm nhập, tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan loại hàng khô thu 2,2 triệu đồng/container 20feet và 4,4 triệu đồng/container 40feet, loại hàng lạnh thu 2,3 triệu đồng/container 20feet và 4,8 triệu đồng/container 40feet... Mức phí này được áp dụng từ ngày 1/1/2017.

Ngay sau khi thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết này, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có liên quan đến xuất nhập khẩu đồng loạt có đơn “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ về mức thu phí hạ tầng biển của Hải Phòng trong đó nhấn mạnh đến việc làm rõ kết cấu phí và mức phí hợp lý, tính đúng, tính đủ phí doanh nghiệp phải nộp đồng thời đánh giá tác động chính sách liên quan trên bình diện và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tại buổi đối thoại về “Quy định thu phí cửa khẩu cảng biển Hải Phòng: Các vấn đề và ảnh hưởng" do Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) tổ chức vào chiều 13/2, ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, 65% doanh nghiệp Nhật Bản được khảo sát bày tỏ sự lo ngại vì khi ban hành một chính sách liên quan đến doanh nghiệp nhưng không lấy ý kiến của doanh nghiệp cũng như có thời gian cho các đơn vị chuẩn bị khi ngày 31/12/2016 doanh nghiệp và Hiệp hội mới biết đồng thời được mời đến để nghe triển khai Nghị quyết 148.

Theo ông Giám, chính thời gian gấp gáp áp dụng đã đẩy hàng nghìn doanh nghiệp vào thế khó khăn, áp lực lớn vì toàn bộ các đơn hàng, hợp đồng, sản phẩm dịch vụ liên quan cho năm 2017 đã đàm phán, ký kết với các đối tác trước đó.

“Doanh nghiệp không có thời gian ‘trở tay’ nhất là trong đàm phán với các đối tác quốc tế và không bố trí kịp nguồn lực thực hiện nên nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị phạt hợp đồng, thiệt hại trong sản xuất kinh doanh, mất uy tín với các đối tác...,” ông Giám đưa ra những cảnh báo.

Hơn nữa, theo ông Giám, hàng tạm nhập tái xuất sẽ phải chịu phí cao hai lần đó là tại cảng Hải Phòng và ở cả cửa khẩu đường bộ… như vậy sẽ khó thu hút được doanh nghiệp cũng như hàng hóa nước ngoài vận chuyển qua Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Giám cũng bày tỏ sự lo ngại, doanh nghiệp nước ngoài sẽ chọn Thái Lan làm địa điểm trung chuyển hàng hóa cần tạm nhập tái xuất ở khu vực Đông Nam Á, ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh quốc gia và quốc tế của cảng biển Việt Nam.

Khẳng định mục đích thu phí cảng biển của thành phố Hải Phòng không rõ ràng không có cơ sở rõ ràng, mập mờ, ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam đưa ra lập luận và đặt câu hỏi, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã thu phí, chưa kể hạ tầng cảng thì Nhà nước cũng đầu tư thu phí. Vậy, phía Hải Phòng còn thu phí ở phần nào nữa?.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (Jetro) bày tỏ quan điểm, khi thành phố Hải Phòng có Nghị quyết thu phí, các doanh nghiệp Nhật đã bị “sốc” vì việc thu phí quá nhanh và quá cao của địa phương này.

Chứng minh thực tế, vị lãnh đạo Jetro đưa ra con số, trung bình 1 container 40feet, tất cả các loại thuế phí mới hết 2 triệu đồng nhưng chỉ Hải Phòng đã ban hành thu 500.000 đồng/container 40feet. Như vậy, mức phí là quá cao.

Chờ phía “chủ nhà” giải trình?

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) cho biết, hiện các doanh nghiệp đã chịu các phí tại khu vực cửa khẩu, cảng biển Hải Phòng (phí vận chuyển, vệ sinh container...) và nộp cho thành phố thông qua các công ty được địa phương cho kinh doanh dịch vụ cầu cảng, kho bãi có sử dụng kết cấu hạ tầng. Như vậy, có hiện tượng “phí chồng phí” làm gia tăng gánh nặng lớn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Nhật Bản “sốc” vì mức phí cảng biển Hải Phòng quá cao ảnh 2Bốc xếp container tại chi nhánh cảng Tân Vũ, Cảng Hải Phòng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Theo bà Thủy, các mức phí này không phù hợp với nguyên tắc xác định mức phí theo quy định tại pháp luật về phí và lệ phí và chưa giải đáp thỏa đáng được các câu hỏi xung quanh mức phí này (các công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng nào được sử dụng? Mức thu phí này đủ bù đắp như thế nào? Tại sao lại mức tăng phí cao và gần như liên tục như vậy trong thời gian qua?).

Cho rằng việc các địa phương giống như Hải Phòng quy định các loại phí bất cập như vậy sẽ dẫn tới nguồn thu địa phương tăng, bà Thủy cảnh báo tổng thu nhập của doanh nghiệp chắc chắn giảm do chi phí được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh sẽ tác động tới thuế thu nhập doanh nghiệp giảm.

Dẫn chứng, Hải Phòng dự kiến thu 1.500 tỷ đồng/năm nhưng theo tính toán của các Bộ ngành cho thấy, nếu thu phí theo Nghị quyết mới này, mỗi năm Hải Phòng sẽ thu 2.300 tỷ đồng và khoảng 12 triệu USD/năm phát sinh cho chi phí gửi lưu kho, bến bãi, thời gian làm thủ tục. Điều đó đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp sẽ giảm số tiền đóng thuế cho Nhà nước khoảng 20% tổng chi phí (từ 300-500 tỷ đồng).

“Địa phương thu phí càng cao, ngân sách Trung ương càng giảm do giảm nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp làm cho ngân sách Trung ương thất thu nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới chính sách tài khóa quốc gia và làm giảm mạnh sức cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và quốc tế,” vị Phó Tổng thư ký VPSF quả quyết.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có đề nghị Thủ tướng Chính phủ cân nhắc, xem xét những tác động của chính sách trên và chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền của Hải Phòng giải trình thuyết phục về các căn cứ đưa ra các mức phí tại Nghị quyết 148, trong đó có đánh giá tác động một cách toàn diện các đối tượng chịu tác động. Nếu không giải trình hợp lý, đề nghị giữ nguyên các mức phí trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực.

Trong trường hợp giải trình hợp lý về việc ban hành Nghị quyết 148, phía VCCI đề nghị kéo dãn thời gian chuyển tiếp áp dụng quy định mới này, ít nhất là 6 tháng để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị, tránh các tác động bất lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đã có cáo báo gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc Hải Phòng thu phí hạ tầng cảng biển đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng cần phải xem xét việc, công trình hạ tầng cảng biển đó do Hải Phòng bỏ vốn đầu tư xây dựng hay do Nhà nước xây dựng và việc xây dựng đó chiếm bao nhiêu % hạ tầng, căn cứ vào đó để định mức thu phí.

“Nếu hạ tầng đó do thành phố Hải Phòng đầu tư thì địa phương này hoàn toàn có quyền được thu phí,” Thứ trưởng Công cho hay./.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, đánh giá về mức phí.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục