Thu phí cao vượt mức quy định, tự ý quy định việc trông xe theo… giờ với mức giá cao ngất ngưởng và không phát vé cho khách gửi xe là tình trạng phổ biến tại nhiều điểm trông giữ ôtô, xe máy trên địa bàn Hà Nội hiện nay.
Thực tế này không chỉ khiến người dân có nhu cầu gửi xe phải chịu mức phí cao bất hợp lý, mà còn khiến ngân sách Nhà nước bị thâm hụt một khoản tiền khổng lồ mỗi năm. Tình trạng tự ý thu phí trông giữ xe cao quá mức quy định nhiều lần đã diễn ra nhiều năm nay, gây bức xức trong dư luận, nhưng đến nay vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý dứt điểm.
Quy định một đằng, giá… một nẻo
Bên cạnh nỗi khổ ùn tắc giao thông thì người dân sở hữu ôtô, xe máy trên địa bàn Hà Nội nhiều năm nay quá quen với thực trạng phải trả phí trông, giữ xe cao quá mức quy định nhiều lần. Mặc dù theo quy định mới nhất của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, từ ngày 1/1 vừa qua, vào ban ngày (từ 6 giờ đến 18 giờ) phí trông giữ xe đạp là 1.000 đồng, xe máy 2.000 đồng/lượt; còn vào ban đêm (từ 18 giờ đến 6 giờ) phí trông xe đạp 2.000 đồng, xe máy 3.000 đồng/lượt.
Riêng các huyện ngoại thành, chợ, trường học, bệnh viện, mức phí trông xe đạp chỉ 500 đồng (ban ngày) và 1.000 đồng (ban đêm). Phí trông xe máy cũng lần lượt là 1.000 và 2.000 đồng. Phí trông xe theo tháng vẫn giữ nguyên. Đối với ôtô, tại các tuyến phố cần hạn chế dừng, đỗ ở quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, mức phí trông xe dưới 9 chỗ ngồi là 40.000 đồng, từ 10 chỗ ngồi là 50.000 đồng. Tại các phố khác của 4 quận này, mức phí lần lượt là 30.000 đồng và 40.000 đồng. Tại các quận còn lại và huyện Từ Liêm, phí trông xe ôtô là 25.000 đồng và 30.000 đồng; tại thị xã Sơn Tây và các huyện, mức phí là 20.000 đồng-25.000 đồng.
Mức phí trông giữ từng loại phương tiện như trên đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quy định rõ bằng văn bản, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, song thực tế thì quy định một đằng mà giá… một nẻo. Có tìm mỏi mắt cũng khó thấy được những bãi xe thực hiện đúng quy định. Đơn cử, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, giá gửi ôtô tại phủ Tây Hồ là 50.000 đồng/ôtô, xe máy là 20.000 đồng/xe. Thời điểm hiện nay, tại lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), phí trông xe máy dao động từ 20.000-40.000 đồng/xe, kèm thêm phí giữ mũ bảo hiểm từ 2.000-5.000 đồng/mũ.
Tình trạng ngang nhiên thu phí trái quy định không chỉ xảy ra ở các lễ hội, danh lam thắng cảnh mà còn rất phổ biến ngay trong nội thành Hà Nội. Tại khu vực đền Ngọc Sơn, sát hồ Hoàn Kiếm, nếu xe đỗ quá 15 phút phải trả phí 50.000 đồng, quá 2 tiếng phải trả 100.000-120.000 đồng và không hề được phát vé. Tại bãi gửi xe trên phố Phan Chu Trinh, mức phí 50.000 đồng cũng được áp dụng với khách gửi ôtô và cũng không phát vé, chỉ ghi thông tin vào cuốn sổ theo dõi.
Không chỉ khách gửi ôtô phải chịu mức phí cao, người dân gửi xe tại khu vực chợ đêm trên phố Hàng Đào vào dịp cuối tuần cũng thường xuyên phải trả từ 10.000-20.000 đồng/xe máy. Vé xe phát cho khách tại đây do các điểm trông xe tự phát hành. Với mức giá nêu trên, mỗi bãi xe đã dễ dàng thu hàng triệu đồng mỗi đêm và không có một vé xe nào do Bộ Tài chính phát hành được phát cho khách gửi xe.
Thu phí trái quy định, ai hưởng lợi?
Theo quy định hiện hành, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ ấn định mức phí trông giữ xe trên địa bàn thông qua đề xuất của liên ngành Tài chính-Thuế. Trong đó, Sở Tài chính sẽ xây dựng mức phí trông giữ xe trình Ủy ban Nhân dân quyết định. Phía cơ quan Thuế có trách nhiệm bán vé trông giữ xe (theo mẫu quy định của Bộ Tài chính) và quản lý, thu thuế của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trông giữ xe.
Đối với hộ kinh doanh, cơ quan thuế sẽ ấn định thu thuế với tỷ lệ % tính trên doanh thu. Mức thuế cụ thể được quy định theo từng khu vực khác nhau trên địa bàn Hà Nội. Đối với doanh nghiệp trông giữ xe, sẽ thu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, với thực tế các bãi xe tự ý phát hành vé trông xe, thậm chí không phát vé cho khách gửi xe và thu phí trông xe cao gấp nhiều lần mức quy định hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy ngân sách Nhà nước mỗi năm đã thất thu một khoản tiền lớn. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, với mật độ các cơ quan, trung tâm thương mại của khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm hiện nay, bãi trông giữ xe ôtô tại khu vực này dễ dàng thu phí hàng triệu đồng mỗi ngày, không kể các dịp lễ, Tết trong năm.
Trong khi đó, nhu cầu gửi xe của người dân khi vui chơi, mua sắm và liên hệ công tác là thường xuyên, liên tục và diễn ra hàng ngày. Câu hỏi được đặt ra là, phải chăng việc rà soát, quản lý nguồn thu từ các bãi xe không đáng để các ngành chức năng quan tâm và khoản lợi nhuận khổng lồ thu được từ việc thu phí trông xe trái quy định sẽ “chảy” về đâu?
Trước những sai phạm của các điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội, trong năm 2011, Thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra liên ngành rà soát, kiểm tra các điểm trông giữ xe trên địa bàn. Kết quả cho thấy, 10 quận nội thành đang có 1.016 điểm trông giữ xe. Trong đó, 620 điểm trông giữ xe được cấp phép, 396 điểm trông giữ xe không phép. Hàng loạt sai phạm tại các điểm trông giữ xe như: thu phí sai quy định, không phát vé trông giữ xe theo quy định của Bộ Tài chính, không thực hiện chế độ kế toán thuế với hoạt động trông giữ xe... đã được các đoàn kiểm tra phát hiện.
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có công văn số 862/UBND-GT về việc tăng cường quản lý trật tự đô thị, xử lý tình trạng trông, giữ xe trái phép. Theo đó, các sở ngành: Công an thành phố, Tài chính, Giao thông vận tải, xây dựng tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị, an toàn giao thông, trông giữ xe trái quy định, dừng đỗ xe sai quy định. Đối với những tập thể, cá nhân buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Thành phố yêu cầu Ủy ban Nhân dân các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Tây Hồ và huyện Từ Liêm chỉ đạo lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm về trật tự an toàn giao thông và trông giữ xe trái phép.
Có thể thấy, lâu nay nhiều quyết định xử phạt các bãi xe vi phạm đã được thành phố ban hành, nhưng vi phạm trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục tái diễn và dai dẳng tồn tại mà chưa được xử lý dứt điểm. Vì vậy, dư luận đang nóng lòng chờ đợi những giải pháp xử lý mạnh tay từ phía các ngành chức năng nhằm sớm chấm dứt thực trạng ngân sách Nhà nước bị thất thoát và người dân có nhu cầu gửi xe cũng không phải chịu cảnh thấy sai vẫn phải chịu như hiện tại./.
Thực tế này không chỉ khiến người dân có nhu cầu gửi xe phải chịu mức phí cao bất hợp lý, mà còn khiến ngân sách Nhà nước bị thâm hụt một khoản tiền khổng lồ mỗi năm. Tình trạng tự ý thu phí trông giữ xe cao quá mức quy định nhiều lần đã diễn ra nhiều năm nay, gây bức xức trong dư luận, nhưng đến nay vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý dứt điểm.
Quy định một đằng, giá… một nẻo
Bên cạnh nỗi khổ ùn tắc giao thông thì người dân sở hữu ôtô, xe máy trên địa bàn Hà Nội nhiều năm nay quá quen với thực trạng phải trả phí trông, giữ xe cao quá mức quy định nhiều lần. Mặc dù theo quy định mới nhất của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, từ ngày 1/1 vừa qua, vào ban ngày (từ 6 giờ đến 18 giờ) phí trông giữ xe đạp là 1.000 đồng, xe máy 2.000 đồng/lượt; còn vào ban đêm (từ 18 giờ đến 6 giờ) phí trông xe đạp 2.000 đồng, xe máy 3.000 đồng/lượt.
Riêng các huyện ngoại thành, chợ, trường học, bệnh viện, mức phí trông xe đạp chỉ 500 đồng (ban ngày) và 1.000 đồng (ban đêm). Phí trông xe máy cũng lần lượt là 1.000 và 2.000 đồng. Phí trông xe theo tháng vẫn giữ nguyên. Đối với ôtô, tại các tuyến phố cần hạn chế dừng, đỗ ở quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, mức phí trông xe dưới 9 chỗ ngồi là 40.000 đồng, từ 10 chỗ ngồi là 50.000 đồng. Tại các phố khác của 4 quận này, mức phí lần lượt là 30.000 đồng và 40.000 đồng. Tại các quận còn lại và huyện Từ Liêm, phí trông xe ôtô là 25.000 đồng và 30.000 đồng; tại thị xã Sơn Tây và các huyện, mức phí là 20.000 đồng-25.000 đồng.
Mức phí trông giữ từng loại phương tiện như trên đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quy định rõ bằng văn bản, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, song thực tế thì quy định một đằng mà giá… một nẻo. Có tìm mỏi mắt cũng khó thấy được những bãi xe thực hiện đúng quy định. Đơn cử, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, giá gửi ôtô tại phủ Tây Hồ là 50.000 đồng/ôtô, xe máy là 20.000 đồng/xe. Thời điểm hiện nay, tại lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), phí trông xe máy dao động từ 20.000-40.000 đồng/xe, kèm thêm phí giữ mũ bảo hiểm từ 2.000-5.000 đồng/mũ.
Tình trạng ngang nhiên thu phí trái quy định không chỉ xảy ra ở các lễ hội, danh lam thắng cảnh mà còn rất phổ biến ngay trong nội thành Hà Nội. Tại khu vực đền Ngọc Sơn, sát hồ Hoàn Kiếm, nếu xe đỗ quá 15 phút phải trả phí 50.000 đồng, quá 2 tiếng phải trả 100.000-120.000 đồng và không hề được phát vé. Tại bãi gửi xe trên phố Phan Chu Trinh, mức phí 50.000 đồng cũng được áp dụng với khách gửi ôtô và cũng không phát vé, chỉ ghi thông tin vào cuốn sổ theo dõi.
Không chỉ khách gửi ôtô phải chịu mức phí cao, người dân gửi xe tại khu vực chợ đêm trên phố Hàng Đào vào dịp cuối tuần cũng thường xuyên phải trả từ 10.000-20.000 đồng/xe máy. Vé xe phát cho khách tại đây do các điểm trông xe tự phát hành. Với mức giá nêu trên, mỗi bãi xe đã dễ dàng thu hàng triệu đồng mỗi đêm và không có một vé xe nào do Bộ Tài chính phát hành được phát cho khách gửi xe.
Thu phí trái quy định, ai hưởng lợi?
Theo quy định hiện hành, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ ấn định mức phí trông giữ xe trên địa bàn thông qua đề xuất của liên ngành Tài chính-Thuế. Trong đó, Sở Tài chính sẽ xây dựng mức phí trông giữ xe trình Ủy ban Nhân dân quyết định. Phía cơ quan Thuế có trách nhiệm bán vé trông giữ xe (theo mẫu quy định của Bộ Tài chính) và quản lý, thu thuế của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trông giữ xe.
Đối với hộ kinh doanh, cơ quan thuế sẽ ấn định thu thuế với tỷ lệ % tính trên doanh thu. Mức thuế cụ thể được quy định theo từng khu vực khác nhau trên địa bàn Hà Nội. Đối với doanh nghiệp trông giữ xe, sẽ thu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, với thực tế các bãi xe tự ý phát hành vé trông xe, thậm chí không phát vé cho khách gửi xe và thu phí trông xe cao gấp nhiều lần mức quy định hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy ngân sách Nhà nước mỗi năm đã thất thu một khoản tiền lớn. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, với mật độ các cơ quan, trung tâm thương mại của khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm hiện nay, bãi trông giữ xe ôtô tại khu vực này dễ dàng thu phí hàng triệu đồng mỗi ngày, không kể các dịp lễ, Tết trong năm.
Trong khi đó, nhu cầu gửi xe của người dân khi vui chơi, mua sắm và liên hệ công tác là thường xuyên, liên tục và diễn ra hàng ngày. Câu hỏi được đặt ra là, phải chăng việc rà soát, quản lý nguồn thu từ các bãi xe không đáng để các ngành chức năng quan tâm và khoản lợi nhuận khổng lồ thu được từ việc thu phí trông xe trái quy định sẽ “chảy” về đâu?
Trước những sai phạm của các điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội, trong năm 2011, Thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra liên ngành rà soát, kiểm tra các điểm trông giữ xe trên địa bàn. Kết quả cho thấy, 10 quận nội thành đang có 1.016 điểm trông giữ xe. Trong đó, 620 điểm trông giữ xe được cấp phép, 396 điểm trông giữ xe không phép. Hàng loạt sai phạm tại các điểm trông giữ xe như: thu phí sai quy định, không phát vé trông giữ xe theo quy định của Bộ Tài chính, không thực hiện chế độ kế toán thuế với hoạt động trông giữ xe... đã được các đoàn kiểm tra phát hiện.
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có công văn số 862/UBND-GT về việc tăng cường quản lý trật tự đô thị, xử lý tình trạng trông, giữ xe trái phép. Theo đó, các sở ngành: Công an thành phố, Tài chính, Giao thông vận tải, xây dựng tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị, an toàn giao thông, trông giữ xe trái quy định, dừng đỗ xe sai quy định. Đối với những tập thể, cá nhân buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Thành phố yêu cầu Ủy ban Nhân dân các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Tây Hồ và huyện Từ Liêm chỉ đạo lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm về trật tự an toàn giao thông và trông giữ xe trái phép.
Có thể thấy, lâu nay nhiều quyết định xử phạt các bãi xe vi phạm đã được thành phố ban hành, nhưng vi phạm trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục tái diễn và dai dẳng tồn tại mà chưa được xử lý dứt điểm. Vì vậy, dư luận đang nóng lòng chờ đợi những giải pháp xử lý mạnh tay từ phía các ngành chức năng nhằm sớm chấm dứt thực trạng ngân sách Nhà nước bị thất thoát và người dân có nhu cầu gửi xe cũng không phải chịu cảnh thấy sai vẫn phải chịu như hiện tại./.
Anh Tùng (TTXVN/Vietnam+)