Thứ Sáu, ngày 13/1 vừa qua thực sự là một "ngày đen tối" đối với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) với việc Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) bất ngờ hạ mức xếp hạng của một loạt nước trong khu vực, trong khi các cuộc đàm phán về xóa nợ cho Hy Lạp đang rơi vào ngõ cụt.
S&P cho biết quyết định hạ mức xếp hạng tín nhiệm đối với một loạt quốc gia châu Âu phản ánh quan điểm của tổ chức này rằng những sáng kiến chính sách mà các nhà hoạch định chính sách châu Âu áp dụng trong những tuần gần đây không đủ để giải quyết triệt để những căng thẳng mang tính hệ thống đang diễn ra trong Eurozone.
Giới chức Liên minh châu Âu (EU) ngay lập tức đã phản ứng. Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn cho rằng S&P hành động không nhất quán vì Eurozone đang hành động kiên quyết trên mọi mặt trận để dập tắt cuộc khủng hoảng nợ công.
Thủ tướng Luxemburg Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone tuyên bố khu vực này quyết tâm bảo vệ mức xếp hạng tín nhiệm của các nước thành viên. Đức khẳng định sẽ làm việc với các đối tác trong khu vực nhằm khôi phục lòng tin của thị trường.
[S&P hạ mức tín nhiệm nhiều nước thuộc Eurozone]
Trước đó, dù được kỳ vọng vẫn có thể duy trì mức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu 3 chữ A, song Pháp đã bị S&P đánh tụt một điểm xuống AA+. Italia bị hạ 2 điểm xuống còn BBB+, và Tây Ban Nha bị hạ 2 điểm xuống mức A. Tương lai kinh tế của cả 3 quốc gia này còn bị đánh giá là "tiêu cực".
S&P cũng đã hạ mức xếp hạng tín dụng dài hạn của Cộng hòa Síp, Bồ Đào Nha, Áo, Malta, Slovakia và Slovenia. 7 nước còn lại gồm Bỉ, Phần Lan, Estonia, Đức, Ireland, Luxembur và Hà Lan được giữ nguyên mức xếp hạng. Riêng Hy Lạp đã nhiều lần bị hạ mức xếp hạng kể từ khi quốc gia này châm ngòi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu hồig tháng 4 năm ngoái.
Trong khi đó tại Hy Lạp, nhóm các chủ ngân hàng tư nhân tuyên bố ngừng đàm phán với chính phủ nước này về chương trình giảm nợ cho Athens do không đạt đồng thuận về các điều kiện thực hiện. Theo phương tiện đại chúng Hy Lạp, hai bên hiện bất đồng về mức lãi suất trái phiếu sẽ được phát hành để đổi lấy những khoản nợ đáo hạn.
Thỏa thuận giảm nợ là điều kiện mà Aten phải đạt được với các chủ ngân hàng tư nhân để nhận được gói cứu trợ thứ hai từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đây cũng là một trong những biện pháp giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào tháng 3 tới, khi quốc gia này phải thanh toán một lượng trái phiếu lớn đã đáo hạn.
Giới quan sát lo ngại bế tắc trong tiến trình đàm phán về giảm nợ tại Hy Lạp đang làm gia tăng nguy cơ quốc gia này có thể vỡ nợ hoàn toàn, đồng nghĩa đẩy Eurozone lún sâu hơn vào khủng hoảng nợ công.
Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos cùng ngày thừa nhận nước này đang đối mặt với những nguy cơ kinh tế cấp bách nếu không đạt được thỏa thuận về giảm nợ với khu vực tư nhân và không nhận được gói cứu trợ thứ hai từ EU và IMF./.