Tại buổi tọa đàm về phương án thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học 2017 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga nhiều lần nhấn mạnh việc điều chỉnh kỳ thi năm 2017 sẽ giúp thí sinh thi nhẹ nhàng hơn, và “các em cứ yên tâm, không có gì phải lo lắng.”
Buổi tọa đàm có sự tham gia của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, ông Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh), bà Nguyễn Thu Anh (Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành), ông Sái Công Hồng (Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Thí sinh sẽ thi nhẹ nhàng hơn?
Trước nhiều câu hỏi băn khoăn những thay đổi liên tục của kỳ thi theo từng năm khiến học sinh, phụ huynh hoang mang, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học không thể thay đổi một năm, một lần, mà phải có kế hoạch, lộ trình để thí sinh không bị sốc.
Cũng theo ông Ga, những thay đổi quan trọng phải thông báo cho thí sinh trước ba năm để các em chuẩn bị tinh thần. Chẳng hạn như việc thay đổi về tổ hợp môn thi, Bộ quy định các trường phải dành tỷ lệ chỉ tiêu nhất định cho khối thi truyền thống. Năm 2015 là 75%, năm 2016 là trên 50% và năm 2017 là ít nhất 25%.
Ông Ga cho rằng những thay đổi của năm 2017 chỉ là về kỹ thuật. Thay vì 8 bài thi như năm ngoái, các em sẽ thi 5 bài thi, gồm các bài thi môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Bài thi Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên chỉ là bài tổ hợp, không phải bài thi tổng hợp. Cụ thể, bài thi Khoa học tự nhiên gồm ba môn Lý, Hóa, Sinh, mỗi môn 20 câu hỏi. Tương tự, bài thi Khoa học xã hội gồm các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân.
“Vì thế nên các cháu yên tâm, không phải lo lắng gì cả. Nếu có thay đổi lớn, Bộ sẽ thông báo sớm. Những thay đổi này chỉ để học sinh thi nhẹ nhàng hơn,” ông Ga nói.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Anh cho rằng rất khó để tìm được một hướng đi tốt hoàn toàn. Học sinh khối 12 còn có sự đồng hành của giáo viên, nhà trường, sở giáo dục. Tất cả cùng quan tâm để có kỳ thi tốt nhất nên học sinh, phụ huynh không nên quá lo lắng.
Cùng quan điểm này, ông Đỗ Văn Dũng cũng khuyên thí sinh không nên lo lắng vì nội dung thi vẫn trong chương trình học. Các năm trước các em vẫn thi trắc nghiệm các môn lý, hóa, sinh, năm nay chỉ thêm môn toán, chỉ khác tự luận là các em giải ra nháp và ghi kết quả vào bài thi.
Ông Sái Công Hồng thì phân tích: “Bài thi Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên chỉ là bài thi tổ hợp, lần lượt các nhóm câu hỏi về từng môn. Vì vậy, thí sinh yên tâm là chỉ khác năm ngoái ở chỗ các em không làm ba bài thi Lý, Hóa, Sinh ở ba buổi thi khác nhau mà làm gộp trong một bài, một buổi, vẫn là thi trắc nghiệm.”
Học sinh có “chạy” kịp khi chỉ còn một năm?
Việc phải thi bài thi tổng hợp trong khi hầu hết học sinh đều học theo tổ hợp môn thi để xét tuyển đại học sẽ khiến các em không thể “chạy” kịp các môn còn lại khi chỉ còn một năm. Đây là lo lắng của rất nhiều thí sinh, phụ huynh đặt ra tại buổi tọa đàm.
Bà Thu Anh chia sẻ, thực tế ở trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, các em học sinh được học theo 3 ban ngay từ khi vào lớp 10, gồm ba A (định hướng các môn toán, lý, hóa), ban A1 (định hướng các môn toán, lý, tiếng Anh) và ban D (định hướng các môn toán, văn, ngoại ngữ).
Với phương án thi của Bộ, học sinh theo ban D có lợi nhiều nhất khi ba môn thi của các em là ba môn độc lập.
Với những học sinh học ban A hay A1, bà Thu Anh cho rằng học sinh và giáo viên sẽ phải thích nghi, phải thay đổi tư duy, không có môn chính, môn phụ. Thừa nhận khoảng thời gian một năm là khá ngắn, bà Thu Anh đề nghị Bộ cần có cách ra đề thi phù hợp.
Vị hiệu trưởng này tỏ ra khá lạc quan nói: “Bây giờ là tháng 9 nên các em học sinh và giáo viên có một năm để chuẩn bị. Tôi nghĩ việc thi cũng không phải là quá tải. Chúng tôi cũng mong chờ Bộ sớm công bố đề thi minh họa. Khi đó, những lo lắng về dạng bài thi sẽ giảm bớt.”
Thứ trưởng Bùi Văn Ga thì cho rằng, những thay đổi của kỳ thi chỉ là giải pháp kỹ thuật và không ảnh hưởng đến việc học của các em. Ông Ga nêu ra thực tế, trong những năm qua nhiều học sinh học trong nước nhưng vẫn đậu các kỳ thi quốc tế với phương thức thi mới.
“Dù thi thế nào, trắc nghiệm hay tự luận, các em vẫn có thể đạt kết quả tốt. Điều quan trọng là nhà trường dạy tốt và học sinh học tập hiệu quả,” ông Ga nói.
Trước câu hỏi vì sao Bộ không sớm công bố trước cho thí sinh, ông Ga cho biết việc chuẩn bị thi trắc nghiệm phải có thời gian dài để có ngân hàng đề thi đủ lớn.
“Trong hai năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức bài thi đánh giá năng lực thành công, xây dựng ngân hàng đề thi. Năm nay, Bộ tiếp quản ngân hàng này và bổ sung thêm, yên tâm để nhân rộng trên cả nước,” ông Ga nói.
“Đổi mới thi dựa trên lộ trình đã được Bộ xây dựng khoa học, tính toán phù hợp để thí sinh không bị sốc. Từng năm sẽ có thay đổi để thi nhẹ nhàng hơn, thí sinh đi thi phấn khởi. Đổi mới thi lần này là bước tiên quan trọng và tôi tin sẽ thực hiện thành công,” Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ./.