Thứ trưởng Lê Xuân Định làm Bí thư Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ

Đảng bộ Bộ KHCN xác định tập trung phát triển khoa học và công nghệ thực sự là lực lượng sản xuất trực tiếp; ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên các công nghệ cốt lõi của công nghiệp 4.0.
Đồng chí Lê Xuân Định, Ủy viên Ban cán sự, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày Báo cáo chính trị của Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2015 – 2020 tại Đại hội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Đồng chí Lê Xuân Định, Ủy viên Ban cán sự, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày Báo cáo chính trị của Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2015 – 2020 tại Đại hội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 28/8, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025, đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 25 đồng chí; bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương gồm 6 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định được bầu làm Bí thư Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng chí Phạm Gia Chương được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tạo bước chuyển tích cực về mọi mặt

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ lần thứ XXII, với sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, sự phối hợp giữa Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban cán sự Đảng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ngành khoa học và công nghệ đã phát huy cao nhất nội lực, tranh thủ tốt về ngoại lực, bằng những giải pháp quyết liệt, mang tính đột phá để thu được nhiều kết quả quan trọng, tạo bước chuyển tích cực về mọi mặt.

Bám sát phương châm “Đoàn kết, dân chủ, sáng tạo xây dựng Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025, phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc sách khoa học và công nghệ trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; các Nghị quyết của Bộ Chính trị; các Kết luận của Ban Bí thư Khóa XII.

Trong đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng được cụ thể hóa nhằm tạo đột phá, đồng hành và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng song hành và gắn kết mạnh mẽ với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm, dịch vụ theo chuỗi giá trị, mang thương hiệu Việt Nam, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người Việt Nam.

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, trong nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, toàn Đảng bộ đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị và đạt nhiều kết quả trên các mặt công tác của ngành.

Đổi mới sáng tạo trở thành một tư duy mới trong quản lý, vận hành nền kinh tế, xã hội và doanh nghiệp ở Việt Nam.

Chính phủ coi đổi mới sáng tạo như một lĩnh vực mới trong quản lý nhà nước, một trụ cột mới trong phát triển kinh tế-xã hội và lần đầu tiên, chỉ số về đổi mới sáng tạo trở thành tiêu chí đo lường hiệu quả của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia hàng năm.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết thêm, nội hàm về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo do Bộ tham mưu đã được đưa vào các Nghị quyết quan trọng của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bên cạnh đó, Bộ đã chú trọng đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, tạo môi trường thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh trong nghiên cứu sáng tạo, từng bước xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu, thực hiện cơ chế khoán chi và kiểm soát chi thông thoáng; gắn nhiệm vụ nghiên cứu với thực tiễn và thị trường; kiên trì thực hiện trao quyền tự chủ trong khoa học gắn với trách nhiệm giải trình; khuyến khích doanh nghiệp thành lập viện nghiên cứu, đẩy mạnh đầu tư cho khoa học và công nghệ...

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng đề nghị Đảng bộ quan tâm hơn nữa tới 5 nhóm vấn đề tập trung công tác xây dựng Đảng, kiện toàn bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Đồng thời, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức Đảng và chính quyền trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ chính trị bám sát thực tiễn, thích ứng và đổi mới, nâng cao năng lực hệ thống sáng tạo quốc gia, tạo động lực hỗ trợ doanh nghiệp và các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trụ vững, phát triển trên các nền tảng công nghệ mới.

Thứ trưởng Lê Xuân Định làm Bí thư Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ ảnh 1Đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quản lý tiêu chuẩn và chất lượng hàng hóa được đổi mới, nâng cấp đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

[Ông Nguyễn Văn Sơn được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang]

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển, kết nối với mạng lưới các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực và trên thế giới; thị trường công nghệ phát triển năng động hơn với nhiều phương thức mới trong kết nối đầu tư và cung cầu.

Lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân dù gặp nhiều khó khăn khách quan, nhưng vẫn được quan tâm phát triển trình độ và tiềm lực, có ứng dụng thiết thực trong các ngành kinh tế, xã hội và sẵn sàng cho nhu cầu phát triển năng lượng mới trong tương lai.

Đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội

Nhiệm kỳ 2015-2020, được sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, sự hướng dẫn kịp thời, trách nhiệm của các Ban chuyên môn thuộc Đảng ủy Khối, Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự Đảng lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức Đảng, các vụ, đơn vị phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; công tác xây dựng Đảng, chính quyền; hoàn thành các chỉ tiêu theo nghị quyết Đại hội đã đề ra.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, giai đoạn 2015-2020, Bộ Khoa học và Công nghệ có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.

Năng suất lao động được nâng lên thể hiện qua chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp TFP (tăng từ 33,6% giai đoạn 2011-2015 lên 44,46% giai đoạn 2016-2019), tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020.

Tiềm lực nghiên cứu và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao thông qua số lượng các bài báo khoa học, công trình công bố quốc tế tăng trưởng nhanh, trung bình trên 20%/năm.

Hiện cả nước có gần 67.000 cán bộ nghiên cứu và phát triển quy đổi tương đương toàn thời gian – TFP (đạt 7 người/vạn dân).

Đề án Hệ Tri thức Việt số hóa được triển khai để hình thành cơ sở dữ liệu số của người Việt. Có 3 khu công nghệ cao quốc gia là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh và Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư với số vốn hàng chục tỷ USD.

Thứ trưởng Lê Xuân Định làm Bí thư Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ ảnh 2Các đại biểu biểu quyết thông qua Đề án nhân sự tại Đại hội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Nguồn lực tài chính từ xã hội và doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ tăng, thể hiện qua tỷ trọng đầu tư giữa nhà nước và doanh nghiệp là 52/48 so với tỷ lệ 70/30 của hơn 5 năm trước.

Vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng.

Thị trường công nghệ được thúc đẩy phát triển, cả nước có 15 sàn giao dịch công nghệ, 50 vườn ươm công nghệ, 186 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp và mạng lưới các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trên toàn quốc.

Những đóng góp của khoa học và công nghệ còn thể hiện qua chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng.

Năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng 2 bậc, năm 2019 tăng tiếp 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, đưa Việt Nam vươn lên dẫn đầu nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 ASEAN.

Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ luôn chú trọng chỉ đạo thực hiện có hiệu quả và coi công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng.

Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức có hiệu quả việc học tập, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến từng cán bộ, đảng viên theo hướng dẫn của Đảng bộ cấp trên; đồng thời kịp thời xây dựng và ban hành kế hoạch học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị và gửi các chi bộ trực thuộc để triển khai thực hiện.

Đảng bộ luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng. Cán bộ, đảng viên tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị. Công tác xây dựng tổ chức Đảng và đảng viên đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu về đánh giá, phân loại chất lượng và phát triển đảng viên.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có những chuyển biến tích cực, từng bước đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, hoạt động hiệu quả, bám sát và đáp ứng kịp thời những yêu cầu xây dựng Đảng bộ trong từng thời kỳ. Công tác dân vận được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả.

Đại hội đã thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Quan điểm chỉ đạo gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm.

Đặc biệt, Đảng bộ xác định tập trung phát triển khoa học và công nghệ thực sự là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế; ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế; nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học và công nghệ trong nước để triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục