Phát biểu tại phiên họp Chính phủ tháng 10, nhấn mạnh về những khó khăn của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý một bộ phận người dân đang gặp khó khăn và đây là một vấn đề lớn.
“Khó khăn của ngành nông nghiệp không chỉ tháng này mà đã xuất hiện từ nhiều tháng, thậm chí từ đầu năm. Nhìn chung giá trị sản xuất vẫn tăng nhưng tăng thấp; cái khó của ngành ngoài thiên tai, dịch bệnh, cái quan trọng nhất vẫn là giá cả và thị trường tiêu thụ dẫn đến việc xuất khẩu giảm trong khi nông nghiệp tuy chỉ chiếm tỷ trọng 17-18% trong tổng GDP nhưng lao động trong nông nghiệp còn xấp xỉ tới 50%." Thủ tướng phân tích.
Từ đây, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: "Điều này các đồng chí thấy, khó khăn của ngành nông nghiệp đã phản ảnh khó khăn trong đời sống của một bộ phận người dân; đây là vấn đề lớn nổi lên, phải tập trung mạnh chỉ đạo tháo gỡ và giải quyết.”
Cũng tại phiên hợp Chính phủ, liên quan tới tình hình khó khăn trong hoạt động sản xuất-kinh doanh của nền kinh tế, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian vào công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình đồng thời chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, yếu kém mà nền kinh tế cần tập trung khắc phục, giải quyết và tháo gỡ như việc giá dầu thô và giá xuất khẩu nông sản giảm mạnh đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là ảnh hưởng đến thu Ngân sách nhà nước;
Khu vực nông nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do thiên tai, lũ lụt và những áp lực cạnh tranh về thị trường và giá cả xuất khẩu ngày càng gay gắt; việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn còn những hạn chế nhất định; đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, thiên tai còn nhiều khó khăn;…
Từ các phân tích trên và căn cứ vào những kết quả đã đạt được thời gian qua, nhiều ý kiến thành viên Chính phủ cho rằng cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước để chủ động trong phản ứng chính sách, đề ra những giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra cho năm 2015 - năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2011-2025.
Cùng với đó là tiếp tục giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành và kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu; tăng cường hơn nữa các biện pháp tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát tốt nhập siêu; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, nhất là thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam; đi tắt đón đầu, tận dụng tối đa các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia mang lại để phục vụ cho các mục tiêu phát triển./.