Ngày 16/7, tại thành phố Cần Thơ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chủ trì buổi làm việc của Tiểu ban với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Dự buổi làm việc còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là buổi làm việc để Tiểu ban lắng nghe ý kiến thực tiễn từ quá trình phát triển của các địa phương trong 5 và 10 năm qua, đồng thời nêu các cơ hội, thách thức, mô hình phát triển tốt, những cách làm hay mang tính địa phương, vùng và quốc gia. Qua đó, góp phần xây dựng các văn kiện quan trọng của Tiểu ban là Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030.
Tại cuộc làm việc, ý kiến của nhiều địa phương trong vùng, các bộ ngành tại cuộc làm việc cho rằng, trước hết vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần nhanh chóng giải quyết "điểm nghẽn" về hệ thống hạ tầng cơ sở, giao thông; có bước đột phá về hệ thống năng lượng; tháo gỡ nút thắt về đất đai, thủy lợi; phát triển liên kết giữa các địa phương trong vùng và với Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như cả nước để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Các đại biểu đề nghị những vấn đề này cần đưa vào văn kiện, Nghị quyết về phát triển vùng và có lộ trình cụ thể để triển khai.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, báo cáo tại cuộc làm việc, Thủ tướng ghi nhận, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt những kết quả rất lớn trong chiến lược phát triển 10 năm vừa qua và 5 năm gần đây về tăng trưởng kinh tế, công nghiệp chế biến, cải thiện môi trường kinh doanh, các mục tiêu an sinh xã hội, tỷ lệ người nghèo giảm, vấn đề dân tộc tôn giáo, áp dụng khoa học công nghệ gắn với thị trường đạt được nhiều thành công. Từ đó cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền và người dân trong vùng.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại một số thành tựu kinh tế-xã hội của cả nước, trong đó có sự đóng góp của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng nêu thông tin mới về xếp hạng các chỉ số trong thực hiện Mục phát triển bền vững của Việt Nam (SDG). Theo đó năm 2019, Việt Nam đứng thứ 54/162 quốc gia, tăng 3 bậc so với năm ngoái. Với xếp hạng này, Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN, chỉ sau Thái Lan.
Với những thành quả đạt được, Thủ tướng cho rằng có sự đóng góp quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là khi vùng đang chiếm 20% thị phần gạo thương mại toàn cầu; sản xuất tôm chiếm 80% cả nước; xuất khẩu trái cây đạt trên 1 tỷ USD.
Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển biến tích cực và tăng dần tỷ trọng nông sản chế biến với nhiều nhà máy hiện đại. Vùng cũng đã mở rộng sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp, phát triển các trung tâm điện khí cung cấp cho vùng và cả nước. Nhiều mô hình tốt trong quá trình tái cơ cấu ở các địa phương đã xuất hiện và một số mô hình là kinh nghiệm tốt cho cả nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu lên những khó khăn nổi lên đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long như biến đổi khí hậu, hạ tầng không đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, liên kết vùng còn hạn chế, thu ngân sách chưa đạt yêu cầu, đời sống, thu nhập của một bộ phận người dân còn khó khăn,...
Về một số định hướng, giải pháp lớn trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, vùng cần xác định tầm nhìn đến năm 2045 cần hướng liên kết toàn vùng phát triển nhanh, bền vững, đột phá, không thua kém các vùng khác về mọi mặt.
Để làm được điều đó, Thủ tướng đưa ra định hướng cần có những thay đổi đột phá về tư duy và hành động, trong bối cảnh biến đổi khí hậu gay gắt ở vùng này.
Giải pháp lớn là khẩn trương hoàn thành quy hoạch theo phương pháp tích hợp đa ngành với tư duy mới, tầm nhìn mới. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai, phối hợp các địa phương, bộ ngành, chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước nghiên cứu, xây dựng và dự kiến giữa năm 2020 trình để thông qua.
Quy hoạch này phải gắn vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ; phải kết nối theo hướng cùng có lợi và vấn đề tiểu vùng được đặt ra.
Giải pháp tiếp theo là xây dựng cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch; trong đó ngân sách trung ương cần bổ sung thêm khoảng trên 45 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2016-2020 từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA để dành riêng cho các dự án quan trọng mang tính liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nước ngọt cho đời sống, sản xuất, các dự án giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt cho phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.... đồng thời, vùng cần làm tốt xã hội hóa nguồn lực như kinh nghiệm nhiều địa phương khác. Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế điều phối vùng đủ mạnh, đủ thẩm quyền, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Vùng cơ cấu lại nền nông nghiệp dựa trên công nghệ và hiệu quả cao, gắn chế biến vào thị trường tiêu thụ, thương hiệu sản phẩm, gắn với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, chú trọng kinh tế biên mậu, kinh tế biển đảo, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã...
Thủ tướng nhấn mạnh vùng cần chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây là chủ trương cấp bách, là nền tảng để phát triển. Vùng tập trung xây dựng đô thị thành chuỗi, tạo động lực cho phát triển, từ đó chuyển dịch cơ cấu dân cư, lao động.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục triển khai tốt Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, một động lực mới đặt ra đối với các địa phương trong vùng là đổi mới, sáng tạo, khát vọng dân tộc, khát vọng phát triển vùng không thua kém với các khu vực khác.
Cùng ngày, Thủ tướng cùng đoàn công tác đã đến thăm gia đình cán bộ lão thành trên địa bàn thành phố Cần Thơ./.