Trong chương trình công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 15/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát, kiểm tra tình hình triển khai dự án xây dựng nút giao thông An Phú; tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro Bến Thành-Suối Tiên); Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức và dự lễ khánh thành Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng đi có Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng
Nút giao An Phú (thành phố Thủ Đức) được khởi công cuối năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, tăng cường kết nối tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây với khu vực các tuyến đường Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Lương Định Của, Nguyễn Thị Định.
Công trình với thiết kế 3 tầng, trong đó có một hầm chui và hai cầu vượt. Cùng với khu đất đảo trung tâm, nút giao thông còn có tháp biểu tượng, hồ nước, đài phun nước, chiếu sáng mỹ thuật…
Sau khi nghe báo cáo và thị sát thực địa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, giám sát đã thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng khi kiểm tra địa điểm thực hiện dự án vào tháng 7/2022 nhằm xây dựng nút giao thông với mục tiêu giải quyết vấn đề giao thông; đảm bảo kỹ mỹ thuật, cảnh quan để nơi đây trở thành điểm nhấn về kiến trúc, du lịch của Thành phố.
Thủ tướng yêu cầu cùng với triển khai các hạng mục đảm bảo tiến độ, khẩn trương thiết kế biểu tượng và tiến hành thi công để đưa nút giao thông vào khai thác đúng tiến độ, đồng bộ; phấn đấu hoàn thành dự án vào dịp 30/4/2025 để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở đầu tư công là một trong 3 động lực tăng trưởng kinh tế gồm, tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có lượng vốn đầu tư công lớn. Do đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phải tập trung cho giải ngân vốn đầu tư công.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố chỉ đạo, phối hợp với các nhà thầu thi công, tư vấn, thiết kế.., lên kế hoạch, lộ trình hàng tuần, hàng tháng, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện các dự án; thường xuyên tháo gỡ khó khăn vướng mắc; tập trung lực lượng thúc đẩy tiến độ các dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố và cả nước.
Tuyến đường sắt đô thị số 1, Thành phố Hồ Chí Minh (metro Bến Thành-Suối Tiên) dài 19,7km từ ga Bến Thành, quận 1 đến depot Long Bình, thành phố Thủ Đức, với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.
Dự án được khởi công tháng 8/2012 song phải nhiều lần điều chỉnh do những vướng mắc, đình trệ. Hiện nay, dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng này đã thực hiện đạt 94,55% khối lượng.
Thủ tướng và đoàn công tác đã khảo sát, thăm và tham dự buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro từ Ga Rạch Chiếc đến Ga Bến xe Suối Tiên thuộc dự án. Sau khi nghe báo cáo và trải nghiệm trên tàu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết sau khi kiểm tra dự án vào tháng 7/2022, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết, tạo điều kiện tốt nhất cho triển khai dự án.
Thủ tướng biểu dương Ban Quản lý dự án, các nhà thầu, tư vấn, giám sát đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp, tiếp tục thúc đẩy dự án, đảm bảo tiến độ, kỹ-mỹ thuật, an toàn, phấn đấu đưa dự án vào khai thác vào cuối quý 3/2023, dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9 và nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản; cũng từ dự án này rút kinh nghiệm cho những dự án sau.
Bên cạnh đó, thành phố sớm hoàn thành công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch giao thông, các tuyến đường sắt đô thị, trên cơ sở đó xem xét triển khai các tuyến metro tiếp theo.
Nhân đây, Thủ tướng cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển hạ tầng chiến lược, trong đó có tuyến metro số 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục ưu tiên dành cho Việt Nam các khoản ODA thế hệ mới để phát triển hạ tầng, trong đó có Dự án đường sắt đô thị số 2, Thành phố Hồ Chí Minh (metro Bến Thành-Tham Lương).
Đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết
Bệnh viện Ung Bướu (cơ sở 2) Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô 1.000 giường bệnh, tổng diện tích sàn xây dựng gần 120 ngàn m2, tổng mức đầu tư hơn 5.845 tỷ đồng. Dự án được khởi công tháng 6 năm 2016, đã nghiệm thu đưa vào sử dụng từng phần từ cuối năm 2020.
Trong chiều 15/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm hỏi, tặng quà, động viên các bệnh nhân và dự Lễ khánh thành Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2) Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Lễ khánh thành bệnh viện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Đảng và Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc tới công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị, Đề án, trong đó có “Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân” và Đề án 125 về “Đầu tư xây dựng 5 bệnh viện mới tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh,” trong đó có Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2.
Thủ tướng Chính phủ bày tỏ ấn tượng và vui mừng nhận thấy Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng về tiêu chuẩn bệnh viện hiện đại với đội ngũ y, bác sỹ có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản; hệ thống trang thiết bị hiện đại; không gian khám chữa bệnh khang trang, sạch đẹp, là nơi mà bệnh nhân cảm thấy an tâm, thoải mái.
Thủ tướng nhận định thời gian tới, nhiều yếu tố như môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu, tình trạng già hóa dân số và lối sống công nghiệp, thiếu lành mạnh, ít vận động… làm gia tăng nguy cơ mắc các loại bệnh, trong đó có bệnh ung thư.
Các cấp, ngành, địa phương, nòng cốt là Bộ Y tế phải xác định rõ ung thư là bệnh nan y, rất nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao, người bệnh thường gặp khủng hoảng về mặt tâm lý, việc điều trị rất tốn kém về tài chính, đòi hỏi công nghệ cao, trang thiết bị hiện đại để có biện pháp phòng ngừa, tầm soát, phát hiện sớm và điều trị một cách có hiệu quả.
Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là những công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao hiệu quả tầm soát, điều trị ung thư; chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của người dân để có lối sống lành mạnh, khoa học và chủ động trong tầm soát các bệnh nan y nguy hiểm, trong đó có bệnh ung thư.
Thủ tướng đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát huy thế mạnh là đầu tàu kinh tế, là trung tâm y tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, quan tâm hơn nữa, tập trung đầu tư, huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng bệnh và chữa bệnh nói chung, các bệnh nan y nói riêng, trong đó có bệnh ung thư. Thành phố chú trọng phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở để chủ động phòng ngừa, khám chữa bệnh ban đầu cho người dân.
[Thành phố Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực cho phát triển KT-XH]
Cùng với đó, thành phố tận dụng tối đa lợi thế về các cơ chế đặc thù mạnh dạn triển khai thí điểm các mô hình mới, đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tăng cường nguồn lực về tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ hiện đại… trong lĩnh vực y tế, phục vụ phát hiện và điều trị bệnh ung thư.
Với Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng đề nghị luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”; không ngừng học tập, rèn luyện để “Sâu y lý-giàu y đức-giỏi y thuật."
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng các y, bác sỹ, cán bộ, nhân viên y tế của ngành y tế nói chung, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng với tinh thần “luôn đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết," tiếp tục nỗ lực, cống hiến, mãi thắp sáng ngọn đuốc truyền thống, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Dự án xây dựng mới bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức có quy mô hạ tầng kỹ thuật đáp ứng 1.000 giường bệnh, quy mô lưu bệnh là 500 giường. Bệnh viện được xây dựng đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao, hình thành các chuyên khoa sâu, đáp ứng việc chăm sóc sức khỏe người dân tại khu vực thành phố Thủ Đức và các vùng lân cận.
Bệnh viện có khối công trình chính gồm 11 tầng, tổng diện tích sàn 78.281m2; tổng mức đầu tư 1.915 tỷ đồng. Dự án được triển khai từ năm 2018.
Thị sát thực địa dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều đặc thù so với các địa phương khác, nhất là dân số đông, với 12 triệu người. Do đó, các bộ, ngành cần lưu ý khi xử lý các vấn đề của thành phố.
Thủ tướng biểu dương thành phố đã nỗ lực, hoàn thành Bệnh viện Nhi đồng và Bệnh viện Ung bướu, đây cũng là 2 trong số 5 bệnh viện được đầu tư theo Đề án 125 về "Đầu tư xây dựng 5 bệnh viện mới tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh."
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Thành phố tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thành sớm việc giải ngân khoản vốn đầu tư công 1.500 tỷ đồng trong năm 2023 dành cho các Bệnh viện Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, bảo đảm đúng quy định, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh sớm rà soát, xem xét, điều tiết nguồn vốn từ các dự án khác chậm giải ngân hoặc từ kế hoạch vốn năm 2024 để bố trí thêm ngân sách cho các dự án.
Cùng với đó, chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực, bộ máy quản lý để sẵn sàng đưa Bệnh viện vào hoạt động; đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội để trang bị máy móc, thiết bị trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, bệnh viện, doanh nghiệp, người dân.
Theo Thủ tướng, Bộ Y tế phải tăng cường kiểm tra, giám sát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan các dự án xây dựng Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai cơ sở 2.
Thủ tướng cho rằng cần rút kinh nghiệm thực tiễn để làm tốt khâu chuẩn bị các dự án xây dựng bệnh viện; không chia nhỏ các gói thầu; việc xây dựng phải bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn lao động cho công nhân và người dân, bảo đảm vệ sinh, môi trường, kể cả tiếng ồn, không để đội vốn bất hợp lý.
Đối với các đề xuất, kiến nghị liên quan dự án, Thủ tướng ghi nhận và cho biết sẽ thảo luận, xem xét tại cuộc làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có nội dung về thúc đẩy giải ngân đầu tư công./.