Thủ tướng Đức tới Na Uy bàn lĩnh vực năng lượng

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới Oslo thăm Na Uy trong chuyến công du nhằm tìm kiếm nguồn cung thay cho các nhà máy điện hạt nhân.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 20/2 đã tới Oslo thăm Na Uy trong chuyến công du nhằm tìm kiếm nguồn cung thay cho các nhà máy điện hạt nhân nước này cũng như để giải bài toán giảm 35% lượng khí thải CO2 vào năm 2020 của Berlin.

Bà Merkel đã có cuộc hội đàm kín với Thủ tướng nước chủ nhà, ông Jens Stoltenberg, thảo luận về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng cũng như tình hình kinh tế hiện nay của Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu trong buổi họp báo chung sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Stoltenberg khẳng định Đức vẫn là đối tác lớn cũng như một trong những khách hàng chính tiêu thụ khí đốt của Na Uy ở châu Âu.

Ông đánh giá cuộc hội đàm mang tính xây dựng, xoay quanh một loạt vấn đề, đặc biệt là năng lượng khi mà khí đốt và thủy điện của Na Uy có vai trò quan trọng trong việc thực thi các nhiệm vụ mà Đức theo đuổi cũng như trong các lĩnh vực an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Na Uy lưu ý rằng trong tương lai gần, Na Uy sẽ lắp đặt tuyến cáp ngầm dưới biển để chuyển tải thêm điện năng "sạch" của Na Uy cho Đức. Nước này cũng có kế hoạch tăng nâng cấp và tăng công suất của các trạm trung chuyển khí đốt của Na Uy cũng cấp cho Đức.

Theo ông, khí đốt Na Uy hiện chiếm 30% tổng lượng khí đốt cung cấp cho Đức song tiềm năng tiêu thụ tại nước này vẫn rất lớn khi Berlin có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn điện hạt nhân.

Đề cập tới cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay tại EU, Thủ tướng Na Uy, nước không phải là thành viên EU, cho rằng nguy cơ một nước thành viên rời khỏi EU hoặc vỡ nợ đã giảm đáng kể.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tại EU đã chuyển từ lĩnh vực tài chính ngân hàng sang khu vực lao động. Tỷ lệ thất nghiệp tại EU đang tăng lên trong khi kinh tế không tăng trưởng.

Lãnh đạo hai nước tin rằng tất cả các nước thành viên EU đều phải tìm cách giải quyết các vấn đề hiện tại.

Ngoài ra, hai thủ tướng cũng thảo luận các vấn đề thời sự quốc tế cùng quan tâm như tình hình tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, cũng như chủ đề khai thác tài nguyên tại Bắc Cực./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục