Thủ tướng lên đường dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế

Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 diễn ra ngày 5/4 tại Vientiane với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ 4 nước thành viên Ủy hội là: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Thủ tướng lên đường dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính rời Hà Nội, lên đường dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại Vientiane, Lào. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 4/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rời Thủ đô Hà Nội lên đường dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại Thủ đô Vientiane, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone.

Đoàn đại biểu chính thức tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng.

[Việt Nam đề nghị đổi mới phương thức hoạt động của Ủy hội sông Mekong]

Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 diễn ra ngày 5/4, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ 4 nước thành viên Ủy hội là: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo/đại diện hai nước Đối tác Đối thoại là Trung Quốc và Myanmar, cùng 12 Đối tác Phát triển, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong lưu vực.

Hội nghị nhằm tiếp tục khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất của 4 quốc gia thành viên trong việc tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995 và chức năng của Ủy hội; tiếp tục khẳng định các mục đích, nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực; ghi nhận các thành tựu đạt được từ các hội nghị cấp cao trước đây; phân tích, đánh giá các thách thức, cơ hội liên quan đến nguồn nước, bao gồm các vấn đề phát triển bền vững và quản lý môi trường lưu vực; xác định các định hướng phát triển, quản lý lưu vực và thống nhất các thỏa thuận/kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển lưu vực sông Mekong giai đoạn 2021-2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục