Ngày 1/9, Quốc hội mới của Libya, tức Hạ viện nước này, đã yêu cầu Thủ tướng tạm quyền Abdullah al-Thinni thành lập chính phủ mới.
Người phát ngôn Quốc hội Libya cho biết tại phiên họp diễn ra ở thành phố Tobruk, ông al-Thinni đã chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng với nhiệm vụ thành lập một chính phủ mới trong thời gian hai tuần.
Chính phủ mới sẽ gồm 18 vị trí, giảm mạnh so với gần 30 vị trí trong chính phủ tạm quyền hiện nay.
Ông al-Thinni từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, được chỉ định làm Thủ tướng tạm quyền của Libya từ tháng Ba năm nay nhưng đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của phe đối lập.
Hôm 28/8 vừa qua, ông al-Thinni cùng nội các tạm quyền đã từ chức để mở đường cho việc bầu chọn thủ tướng mới.
Lybia, một quốc gia dầu mỏ ở Bắc Phi, đang phải chứng kiến tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc khi tồn tại đồng thời hai quốc hội và hai thủ tướng.
Mặc dù đã mãn nhiệm sau cuộc bầu cử hồi tháng Sáu, Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) vẫn nhóm họp trở lại hôm 25/8 vừa qua và chỉ định ông Omar al-Hasi, một nhân vật ủng hộ Hồi giáo, làm Thủ tướng mới. Hiện cả GNC và ông al-Hasi đều không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Trong khi đó, tình hình tại thủ đô Tripoli tiếp tục có những diễn biến căng thẳng. Trong tuyên bố ngày 1/9, chính phủ tạm quyền Libya thừa nhận các tay súng phiến quân đã kiểm soát hoàn toàn thành phố Tripoli.
Nhiều trụ sở cơ quan chính phủ đã bị các tay súng chiếm giữ. Họ ngăn các nhân viên tới nhiệm sở và đe doạ các quan chức. Tuy nhiên, chính phủ vẫn đang nỗ lực duy trì hoạt động của các cơ quan công quyền từ xa.
Ngoài Tripoli, phiến quân cũng đã kiểm soát tới 80% thành phố Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya ở miền Đông.
Đụng độ giữa các nhóm đối địch đã khiến hàng hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và hàng chục nghìn người nước ngoài phải sơ tán về nước./.