Thủ tướng thăm làng gốm và gặp gỡ các nghệ nhân gốm sứ Bát Tràng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thị trường, làng nghề Bát Tràng vừa gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa phát triển kinh tế hiệu quả cao.
Thủ tướng thăm làng gốm và gặp gỡ các nghệ nhân gốm sứ Bát Tràng ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới tham và tặng quà cho nghệ nhân Nhân dân Trần Độ tại xã Bát Tràng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 28/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham quan Triển lãm gốm sứ Bát Tràng tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội - một trong những địa danh nổi tiếng nhất của Thủ đô và cả nước từ hàng trăm năm nay về nghề gốm sứ.

Vui mừng đến thăm Làng gốm Bát Tràng, nói chuyện với các nghệ nhân và bà con trong xã tại Đình làng Bát Tràng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thị trường, làng nghề Bát Tràng vừa gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa phát triển kinh tế hiệu quả cao. Thủ tướng cho rằng, những thành tựu này chính là thể hiện lòng yêu nước của các nghệ nhân và nhân dân Bát Tràng.

Cho biết chính sách đối với các nghệ nhân đã có nhưng chưa đầy đủ, Thủ tướng khẳng định, Nhà nước sẽ tiếp tục lắng nghe và hoàn thiện vấn đề này. Chính phủ sẽ tạo cơ chế tốt hơn để làng nghề được quy hoạch phát triển đồng bộ hơn và thuận lợi hơn như kiến nghị của xã Bát Tràng.

Cho rằng những thành tích của làng nghề Bát Tràng có thể coi là kinh nghiệm quý cho các làng nghề khác, Thủ tướng đánh giá cao nhiều sản phẩm từ nơi đây được tiêu thụ nhiều nơi trong và ngoài nước, được khách nước ngoài yêu thích.

Ghi nhận kết quả của chính quyền và nhân dân xã Bát Tràng trong xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng mong muốn Đảng bộ, chính quyền địa phương tiếp tục mở rộng sản xuất nghề truyền thống qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, chú trọng công tác bảo vệ môi trường sống. “Mỗi nhà, mỗi người dân và đơn vị sản xuất phải chú trọng điều này," Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh đến đầu ra của sản phẩm, yếu tố mang tính quyết định sự tăng trưởng của làng nghề, Thủ tướng đề nghị làng nghề mở rộng hợp tác với các nhà tiêu thụ, phân phối. Cùng với đó là không ngừng cải thiện, áp dụng kỹ thuật mới từ thành tựu cuộc cách mạng 4.0 để có ngày càng nhiều mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thủ tướng đề nghị huyện Gia Lâm và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội gắn làng nghề Bát Tràng với các hãng lữ hành để tận dụng tốt nguồn khách hàng triệu người đến thăm Hà Nội thì đến với Bát Tràng. Đi liền với đó là tiếp tục hoàn thiện bao bì để khách hàng khi mang sản phẩm đi trong và ngoài nước sẽ tiếp tục quảng bá cho làng nghề.

Hôm nay Thủ tướng Chính phủ đến thăm, lắng nghe ý kiến bà con nhưng cũng muốn qua đó quảng bá hình ảnh Bát Tràng để mọi người cùng biết vẻ đẹp của gốm Bát Tràng và cùng đến nơi đây - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Thủ tướng tin tưởng với trí tuệ, bàn tay khối óc của các nghệ nhân và người dân sở tại, làng nghề gốm sứ Bát Tràng sẽ có những bước tiến vượt bậc, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, trở thành làng kiểu mẫu về ngành nghề truyền thống, để các làng nghề khác học tập, noi theo.

[Sản phẩm gốm Chu Đậu vẽ vàng kim đặc biệt hút khách du lịch]

Chuyến thăm của Thủ tướng diễn ra hai ngày trước thời điểm khai mạc Lễ hội truyền thống Làng gốm Bát Tràng (từ 30/3 đến 1/4/2018, tức từ ngày 14 đến 16/2 Âm lịch).

Xã Bát Tràng có hai thôn cùng có nghề gốm sứ truyền thống là Giang Cao và Bát Tràng. Đình làng Bát Tràng là địa chỉ văn hóa tâm linh nổi tiếng bởi là nơi còn lưu giữ 44 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam, phong thần cho Thành hoàng làng và nhiều câu đối cổ về làng nghề như "Bồ di thủ nghệ khai đình vũ/Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần" nghĩa là đưa nghề từ làng Bồ ra, xây dựng đình, miếu. Lòng dân thành kính tựa hương lan dâng lên cúng tạ thánh thần.

Một điều đặc biệt là, trong lục vụ Thành hoàng được thờ tại đình Bát Tràng có Thượng đẳng thần - Bạch Mã Đại vương - Thành hoàng của kinh thành Thăng Long được thờ tại Đền Bạch Mã (Hàng Buồm) là một trong tứ trấn của Thăng Long-Hà Nội.

Sản phẩm làng gốm Bát Tràng rất phong phú, đa dạng tuy cùng chất liệu là đất nung, nổi tiếng hơn cả là gạch và gốm. Cùng với gạch Bát Tràng, đồ gốm Bát Tràng cũng nổi tiếng trong cả nước và quốc tế. Gốm bát Tràng có nhiều kiểu dáng, chủng loại, kích thước, phân loại theo chức năng như đồ thờ cúng có lư hương, chân đèn, chân nến, phù hương, nậm rượu, chóe… Đồ gia dụng có bát, đĩa, ấm chén, vò, lọ, chậu…

Gốm Bát Tràng được sản xuất bằng tay trên bàn xoay thủ công, kiểu be trạch do đó xương gốm dày. Sau này với kỹ thuật in trên khuôn gỗ và đổ dót vào khuôn thạch cao với dòng men cổ như men lam, nâu, rạn đặc trưng cùng các họa tiết trang trí như hoa, lá, dây, chim muông phù hợp với từng loại sản phẩm. Dòng gốm cổ Bát Tràng được lưu giữ và trưng bày tại nhiều bảo tàng trong nước và quốc tế, được giới chơi đồ cổ sưu tập, sở hữu và rất có giá trên thị trường.

Với tiềm năng làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển liên tục nhiều trăm năm lịch sử, làng gốm Bát Tràng ngày nay đã phát triển lên đỉnh cao mới. Gốm sứ Bát Tràng đã chiếm lĩnh được thị trường nội địa. Gốm sứ Bát Tràng đã xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều thị trường khác. Hàng chục công ty và hàng trăm hộ gia đình đều tham gia sản xuất kinh doanh gốm sứ. Có doanh nghiệp một năm xuất khẩu doanh thu lên đến nhiều triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục