Thừa Thiên-Huế sẽ là đô thị thuộc Trung ương trên nền tảng văn hóa

Thừa Thiên - Huế hướng tới mục tiêu thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên các nền tảng giá trị về văn hóa, di sản, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và con người Huế là những yếu tố then chốt.
Thừa Thiên-Huế sẽ là đô thị thuộc Trung ương trên nền tảng văn hóa ảnh 1Bộ Chính trị nhận thấy cần phải có cách tiếp cận mới, cách nhìn mới và quan điểm mới để phát triển Thừa Thiên - Huế. (Ảnh minh họa/TTXVN)

Thời gian qua, Thừa Thiên - Huế  đã “lỗi hẹn” với mục tiêu lớn nhất trở thành đô thị trực thuộc Trung ương theo tinh thần tại Kết luận số 48 do Bộ Chính trị ban hành về xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2020.

Nhìn nhận vấn đề trên một cách thấu đáo đồng thời xác định những yêu cầu trong bối của cảnh giai đoạn tới, Bộ Chính trị nhận thấy cần phải có cách tiếp cận, cách nhìn mới và quan điểm mới để phát triển Thừa Thiên - Huế.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế trung ương chia sẻ thông tin trên và cho biết Bộ Chính trị đã bàn hành Nghị quyết số 54 (ngày 10/12) về xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xuyên suốt xây dựng Thừa Thiên - Huế là thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên nền tảng giá trị văn hóa của một cố đô di sản. Theo đó, các giá trị về văn hóa, di sản, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và con người Huế là những yếu tố then chốt được trú trọng.

[Di dời dân khỏi kinh thành Huế: Công tác vận động phải thực tâm]

Để thực hiện được mục tiêu này, Trưởng ban Kinh tế trung ương cho rằng, Thừa Thiên - Huế phải xây dựng được bộ tiêu chí đặc thù dựa trên những giá trị tiềm năng vốn có, từ đó kết hợp và xử lý một cách tốt nhất mối quan hệ giữa yếu tố “kế thừa và phát triển, bảo tồn và phát triển, xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với việc bảo tồn các giá trị đi sản văn hóa cố đô Huế và những nét riêng có về con người Huế,” để văn hóa thực sự trở thành vừa là nền tảng vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong quá trình phát triển của tỉnh.

Lúng túng trước mâu thuẫn lớn của bảo tồn và phát triển

Đánh giá chặng đường sau 10 năm “Thừa Thiên - Huế thực hiện theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị,” ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chỉ ra những kết quả đạt được. Cụ thể, thu nhập bình quân của người dân cùng quy mô nền kinh tế đã tăng hơn hai lần so với thời kỳ trước đó; đời sống của nhân dân được nâng lên từng bước; đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng được cải thiện, công tác bảo tồn gìn giữ quần thể di tích lịch sử di tích cố đô Huế đã được tôn tạo và triển khai vượt qua thời kỳ nguy cấp. Các trung tâm y tế, trung tâm văn hóa du lịch, trung tâm khoa học công nghệ, trung tâm giáo dục đào tạo đa dạng… đã được đầu tư và từng bước khẳng định vị thế vai trò trung tâm của mình.

Thừa Thiên-Huế sẽ là đô thị thuộc Trung ương trên nền tảng văn hóa ảnh 2Ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. (Ảnh: BKT/Vietnam+)

Tuy nhiên, Bí thư tỉnh ủy thừa nhận quá trình thực hiện còn rất nhiều vấn đề tồn tại. Cụ thể, quy mô kinh tế của tỉnh còn rất nhỏ, tốc độ tăng trưởng chưa cao. Và, Tỉnh điều hành hết sức lúng túng trước những mâu thuẫn lớn phát sinh giữa công tác bảo tồn và phát triển.

Vì vậy, theo ông Lưu, Nghị quyết số 54 đã tìm ra hướng đi mới rõ nét hơn, cụ thể hơn và xác định Đại hội Đảng bộ Chính quyền nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện mục tiêu Nghị quyết đã đề ra trước những khó khăn và tồn tại đã được chỉ ra.

“Vấn đề lớn nhất là tỉnh phải hoàn chỉnh công trình đô thị di sản đặc thù của đại phương. Kế đến là tiếp tục phát triển kinh tế trên nền tảng bảo tồn, đầu tư xây dựng các khu kinh tế vùng ven, tạo điều kiện hỗ trợ về kinh tế - đời sống - việc làm cho người dân và tăng thu nhập, tăng thu ngân sách,” ông Lưu nói.

Không phát triển những đô thị lớn

Về phía ngành văn hóa, tiến sỹ Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế cho rằng, "Huế có những ưu thế rất đặc biệt về di sản, có thể nói cho đến nay không nơi nào ở Việt Nam có được. Địa phương còn giữ gìn bảo tồn được kho tàng văn hóa phi vật thể cộng với cảnh quan thiên nhiên hết sức đặc sắc, kể cả lối sống Huế, con người Huế, những phong tục tập quán. Để phát huy những lợi thế này, con đường phù hợp nhất là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản cấp quốc gia đặc thù của Việt Nam."

Song, ông Hải chỉ ra con đường đã vạch ra rõ ràng như vậy nhưng để thực hiện cần có một hệ thống giải pháp rất đồng bộ. Trước hết, tỉnh cần phải có một quy hoạch chiến lược để đánh giá đúng tiềm năng di sản, những thành phần cho bảo tồn, những thành phần cho phát triển. Bởi, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy mấu chốt của vấn đề này là giải quyết thành công mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Thừa Thiên-Huế sẽ là đô thị thuộc Trung ương trên nền tảng văn hóa ảnh 3Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ. (Ảnh: BKT/Vietnam+)

Đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những điểm nghẽn lâu nay, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tới đây sẽ tuyên truyền phổ biến, tạo sự đồng thuận trong đảng bộ và nhân dân thực hiện chủ trương chuyển Thừa Thiên - Huế thành thành phố trực thuộc trung ương. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tập trung điều chỉnh lại địa giới của Huế, của các khu vực trong tỉnh đảm bảo một cơ sở quản lý phát triển Huế xứng tầm đô thị của thành phố trong tương lai.

Chủ tịch Phan Ngọc Thọ khẳng định: “Thừa Thiên - Huế sẽ không phát triển với những đô thị lớn và khu công nghiệp lớn, mà phát triển hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại. Những nét văn hóa được xây dựng hài hòa giữa đổi mới và sáng tạo, trên cở sở xây dựng những cơ chế mới giữa nông thôn và thành thị. Thừa Thiên Huế sẽ hướng tới một đô thị sinh thái, di sản, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục