Di dời dân khỏi kinh thành Huế: Công tác vận động phải thực tâm

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai mong muốn việc thực hiện dự án di dời dân ở khu vực kinh thành Huế trở thành kiểu mẫu về công tác dân vận.
Di dời dân khỏi kinh thành Huế: Công tác vận động phải thực tâm ảnh 1Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Đỗ Văn Trưởng/TTXVN)

Chiều 18/12, tại thành phố Huế, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác dân vận và thực hiện “Năm Dân vận chính quyền” năm 2019, do Ban Dân vận Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế tổ chức.

Tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế đã nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, quán triệt, cụ thể hóa các văn bản của Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong đó có các văn bản liên quan đến công tác dân vận, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện hiệu quả công tác dân vận.

Theo Trưởng ban Dân vận Trung ương, đây là năm thứ hai, cả nước triển khai "Năm Dân vận chính quyền," trong đó tập trung mạnh vào việc giải quyết khiếu nại tố cáo và tiếp công dân.

Trung ương chọn thực hiện "Năm Dân vận chính quyền" bởi hệ thống chính quyền là nơi ban hành cũng là nơi tổ chức thực thi chính sách, nơi tiếp xúc trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính hàng ngày của người dân. Vì vậy, hệ thống chính quyền cần đổi mới hơn nữa công tác dân vận. Công tác dân vận phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, từng cán bộ, đảng viên phải gương mẫu để tác động đến người dân.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao kết quả bước đầu tổ chức thực hiện Dự án di dời dân cư ra khỏi kinh thành Huế, trong đó hàng ngàn hộ dân sẽ di dời trong thời gian tới.

Để thực hiện thành công dự án này, đòi hỏi công tác vận động người dân phải thực chất, thực tâm, tạo sự đồng thuận cao để người dân sớm ổn định ở khu tái định cư mới, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Với nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Thừa Thiên-Huế cần tổ chức tốt dự án này. Người dân cần được biết thông tin công khai, tham gia thảo luận, đề xuất ý kiến, quan trọng nhất không để có cán bộ vi phạm chính sách, không để xảy ra tiêu cực. Ban Dân vận Trung ương hy vọng đây sẽ là dự án kiểu mẫu về công tác dân vận để triển khai nhân rộng ra cả nước. Đó cũng là kỳ vọng của Bộ Chính trị đối với Thừa Thiên-Huế.

[Phát động hỗ trợ hộ nghèo di dời ra ngoài khu vực Kinh thành Huế]

Năm 2019, tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đạt được 12/14 chỉ tiêu phát triển về kinh tế, xã hội nhưng trong đó có những chỉ tiêu đạt kết quả nổi trội so với bình quân chung của cả nước như tỷ lệ giảm nghèo, bảo hiểm y tế toàn dân, tỷ lệ che phủ rừng, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển mạnh theo hướng dịch vụ. Đời sống của người dân trong tỉnh được nâng lên, với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 37- 38 triệu đồng/người/năm, cao hơn một số địa phương trong khu vực.

Những năm gần đây, Thừa Thiên-Huế không xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Địa phương có nhiều mô hình dân vận khéo, công tác cải cách hành chính, tinh giản biên chế đạt được nhiều kết quả quan trọng…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục