Thừa Thiên-Huế ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch

Để cung cấp cho người dân kịp thời, chính xác thông tin, tình hình COVID-19, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai ứng dụng Hỗ trợ thông tin phòng, chống dịch COVID-19 thông qua nền tảng Hue-S.
Thừa Thiên-Huế ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại thành phố Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã kích hoạt nhiều ứng dụng, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Để cung cấp cho người dân kịp thời, chính xác thông tin, tình hình diễn biến dịch COVID-19, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai ứng dụng Hỗ trợ thông tin phòng, chống dịch COVID-19 thông qua nền tảng Hue-S - một thành phần của Dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh.

Ứng dụng bao gồm các tính năng: Phản ánh nghi nhiễm; yêu cầu hỗ trợ y tế; bảo vệ bản thân; hỏi đáp thông tin; tin tức chính thống; thông tin sai lệch; xác minh thông tin; thông báo, cảnh báo.

Chị Lê Như Phương, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, cho biết: "Ứng dụng Hue-S cài đặt và sử dụng rất thuận lợi, tiện ích. Thông qua ứng dụng này, người dân được cập nhật liên tục về tình hình dịch bệnh, số ca nhiễm; đặc biệt công khai thông tin của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh sau mỗi buổi họp cho người dân biết. Bên cạnh đó, ứng dụng còn giải đáp những phản ánh của người dân liên quan đến dịch, hướng dẫn các kỹ năng để phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe."

Ứng dụng Hue-S có vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch, tạo ra kênh tương tác giữa người dân và chính quyền. Hệ thống này còn tiếp nhận nhiều phản ánh tích cực giúp chính quyền các cấp có thêm nguồn tin để phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, phòng chống dịch bệnh tốt hơn.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã kích hoạt hệ thống tổng đài19001075 - đường dây nóng hỗ trợ tư vấn, khám sàng lọc, cách ly, điều trị COVID-19.

[Chú trọng kiểm soát lây nhiễm để bệnh viện không bị “thủng lưới”]

Với cơ chế thống nhất, ứng trực 24/24 giờ, tổng đài được kết nối với tất cả các lực lượng như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Công an, bệnh viện, các chốt kiểm soát. Người dân gọi đến sẽ được kết nối, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh kích hoạt quy trình giải đáp, thông tin được cập nhật thường xuyên, phối hợp với các lực lượng để cung cấp kịp thời thông tin cho người gọi. Đến nay, tổng đài đã tiếp nhận hơn 8.000 cuộc gọi đến, đồng thời phân luồng cho cơ quan chức năng giải đáp, hỗ trợ tư vấn, khám sàng lọc, cách ly...

Đáng chú ý, nhờ phản ánh của người dân, cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch.

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đã triển khai hệ thống khai báo y tế, đăng ký lưu trú trực tuyến dành cho người dân, phương tiện ra, vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với các đối tượng ngoại tỉnh đến địa phương và đối tượng có nguy cơ dịch COVID-19; phân luồng, giám sát, theo dõi chặt chẽ các xe ra, vào Huế.

Tính đến ngày 28/8, toàn tỉnh đã có 816.611 người thực hiện khai báo y tế thông qua hệ thống, chiếm hơn 70% dân số của tỉnh. Các chốt y tế có 9.779 người đăng ký qua và vào Huế được phê duyệt, trong đó vào Huế khoảng 5.000 người; có 64.009 xe được phê duyệt qua và vào Huế từ khi bùng dịch đợt 2; quản lý hơn 53.000 khách lưu trú.

Thừa Thiên-Huế ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch ảnh 2Đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế tích cực điều trị cho các ca nhiễm COVID-19. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Nhằm đảm bảo công tác khám chữa bệnh an toàn trong mùa dịch, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế triển khai hệ thống đăng ký tái khám và khám chữa bệnh trực tuyến.

Khi bệnh nhân đăng ký, bệnh viện sẽ kiểm tra xác minh, trong trường hợp cần thiết bệnh viện sẽ tổ chức đưa đón bệnh nhân tại các chốt kiểm tra y tế để đảm bảo an toàn.

Tại các cơ quan nhà nước, tỉnh đã kích hoạt các ứng dụng đồng bộ đảm bảo hoạt động của công chức như triển khai các hoạt động văn phòng không giấy; kích hoạt môi trường mạng để đảm bảo cho công chức, viên chức làm việc mọi lúc. Các cầu truyền hình hội nghị trực tiếp  được thiết lập, kết nối đến tận cơ sở, các chốt kiểm soát; số hóa các dữ liệu, số liệu liên quan đến công tác phòng chống dịch.

Sở Thông tin và truyền thông Thừa Thiên-Huế đã tổ chức tuyên truyền, vận động, triển khai đến toàn dân cài đặt phần mềm bluezone (khẩu trang điện tử) - ứng dụng được xem là một bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng chống dịch. Đến nay, hơn 31% người dân đã cài đặt trong tổng số người dân sử dụng smartphone.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên-Huế Nguyễn Xuân Sơn cho biết: Ngay khi đợt dịch thứ 2 xuất hiện, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đồng loạt kích hoạt các ứng dụng trên nền tảng dịch vụ đô thị thông minh và mạng xã hội; trang bị, áp dụng tối đa công nghệ thông tin cho các lực lượng tham gia phục vụ nhiệm vụ phòng chống dịch, từ công chức, viên chức đến người dân trong và ngoài tỉnh, đến việc quản lý các phương tiện giao thông ra vào trên địa bàn tỉnh.

Mỗi ứng dụng được kích hoạt đều có thế mạnh riêng, đã giúp chính quyền địa phương thu thập được tình trạng sức khỏe, kiểm soát dịch tễ của người dân; truy vết, ngăn chặn đối tượng nghi ngờ vào địa bàn đảm bảo tốt nhất công tác ngăn chặn dịch bệnh vào địa bàn.

Đồng thời, hệ thống camera và Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh đã thu thập và phân tích dữ liệu phục vụ cho công tác phòng chống dịch khá hiệu quả. Qua đó đã xác minh được rất nhiều trường hợp vi phạm và cố tình vi phạm trong việc phòng chống dịch.

Hiện nay, Sở đang phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo nghiên cứu, triển khai các giải pháp bổ trợ thêm các chương trình giáo dục, dạy học trực tuyến sẵn sàng trong trường hợp cần thiết.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin, Thừa Thiên-Huế có nhiều cách làm quyết liệt trong công tác phòng ngừa và ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch từ cộng đồng.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Phương châm ngăn chặn, phát hiện, cách ly, dập dịch là phương châm xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Thừa Thiên-Huế.

Tỉnh đã kịp thời kích hoạt 23 đội phản ứng nhanh, lập các chốt kiểm soát y tế liên ngành, kiểm soát 24/24 giờ đối với người và phương tiện vào địa bàn tỉnh. Ngay từ lúc Đà Nẵng công bố ca bệnh đầu tiên, Thừa Thiên-Huế đã triển khai lực lượng kiểm soát ngăn chặn dịch từ vòng ngoài. Người dân Huế đi từ vùng dịch về ngay lập tức được phân loại cách ly xét nghiệm sàng lọc.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được tỉnh kiểm soát tốt là nhờ làm tốt khâu ngăn chặn, cách ly, tuyên truyền... Thêm vào đó, ý thức vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát xử lý dịch bệnh.

Nhờ vậy, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục