Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Triều Tiên

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đối ngoại Triều Tiên Ri Ryong Nam đã hội đàm về thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Triều Tiên ảnh 1Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy. Ảnh minh họa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Sáng 26/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có buổi làm việc với Đoàn đại biểu kinh tế Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên do Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đối ngoại Triều Tiên Ri Ryong Nam dẫn đầu.

Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng nhất trí giao các nhóm làm việc nghiên cứu, trao đổi để tìm ra các giải pháp có thể thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, trong đó lấy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư làm trọng tâm.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam-Triều Tiên vẫn còn hạn chế do gặp phải những khó khăn tồn tại như khả năng thanh toán của doanh nghiệp Triều Tiên, vận tải và chính sách quản lý chặt chẽ thông tin của Triều Tiên..., khiến doanh nghiệp hai nước chưa khai thác được thị trường của nhau.

Bộ trưởng Ri Ryong Nam cho rằng, chuyến công tác Việt Nam lần này nhằm cụ thể hóa các nội dung đã thảo luận trước đó tại chuyến công tác Triều Tiên của đoàn Bộ Công Thương. Qua đây, hai bên mong muốn thúc đẩy hợp tác nhiều mặt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, ngân hàng, giao thông vận tải.

Đặc biệt, trong chương trình từ ngày 26-29/10, ngoài Phiên họp toàn thể, hai bên sẽ có nhiều buổi làm việc, trao đổi nhóm như hợp tác thương mại và công nghiệp nhẹ; hợp tác công nghiệp nặng, khai khoáng và hóa chất với nội dung thảo luận về chuyển giao công nghệ và tiếp nhận chuyên gia của Triều Tiên, sản xuất kẽm, phân bón...; hợp tác năng lượng về vấn đề đầu tư nâng cao hiệu quả truyền tải điện, phát triển nhà máy nhiệt điện, đầu tư hệ thống quản lý tiết kiệm điện, sửa chữa thiết bị truyền tải điện…

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, hiện quy mô hợp tác giữa hai nước vẫn còn rất khiêm tốn, kim ngạch thương mại hai chiều thậm chí có xu hướng giảm dần khi năm 2012 là 15 triệu USD, năm 2013 là 12,4 triệu USD, đến năm 2014 chỉ đạt 8 triệu USD.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do khác biệt về thể chế kinh tế và những khó khăn về thông tin liên lạc, thanh toán…

Năm 2014, Triều Tiên đã đề xuất Việt Nam lựa chọn một đặc khu kinh tế tại Triều Tiên để quản lý, đầu tư khai thác và coi đây như biểu tượng hợp tác trong quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Triều Tiên cũng khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục