Thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam và EU

Trưởng đoàn Nghị sỹ của Nghị viện châu Âu nhất trí thúc đẩy các nước thành viên EU sớm thông qua Hiệp định EVIPA nhằm đáp ứng lợi ích, mở cơ hội hợp tác mới cho doanh nghiệp Việt Nam-EU.
Thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam và EU ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tiếp ông Daniel Caspary, Trưởng đoàn Nghị sỹ phụ trách quan hệ với ASEAN và các nước Đông Nam Á của Nghị viện châu Âu. (Ảnh: TTXVN/phát)

Ngày 20/6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã tiếp Đoàn Nghị sỹ phụ trách quan hệ với ASEAN và các nước Đông Nam Á (DASE) của Nghị viện châu Âu (EP) do ông Daniel Caspary làm Trưởng đoàn nhân dịp đoàn sang thăm Việt Nam từ ngày 19-21/6/2023.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng hoan nghênh Đoàn các nghị sỹ DASE thăm Việt Nam và kết quả các cuộc hội đàm, tiếp xúc với Quốc hội Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU), cũng như giữa Việt Nam với các nước thành viên EU, trên tất cả các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển.

Việt Nam và EU đã ký nhiều hiệp định quan trọng, tạo khuôn khổ thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai bên. EU hiện là đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam và là đối tác cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam.

Đánh giá cao Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu đang duy trì các kênh trao đổi, đối thoại hiệu quả, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị EP nói chung và các nghị sỹ DASE nói riêng tiếp tục ủng hộ tăng cường hợp tác Việt Nam-EU trong thời gian tới, trong đó ưu tiên tăng cường trao đổi đoàn cấp cao; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác để rà soát, định hướng các ưu tiên hợp tác trong thời gian tới; triển khai hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); thúc đẩy mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực EU có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu… trong đó có việc hỗ trợ xây dựng thể chế, huy động tài chính, chuyến giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.

[Quốc hội ban hành Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVIPA]

Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cũng đề nghị các nghị sỹ EP có tiếng nói thúc đẩy nghị viện các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) và Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tính tới những nỗ lực của Việt Nam thời gian qua trong việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các khuyến nghị của EC về IUU.

Thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam và EU ảnh 2Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tiếp Đoàn Nghị sỹ phụ trách quan hệ với ASEAN và các nước Đông Nam Á của Nghị viện châu Âu. (Ảnh: TTXVN/phát)

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng hoan nghênh việc EU trở thành đối tác chiến lược của ASEAN và ghi nhận sự quan tâm của EU đến tiểu vùng Mekong.

Thay mặt Đoàn DASE, ông Daniel Caspary chia sẻ những đánh giá về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ EU-Việt Nam và bày tỏ mong muốn làm sâu sắc hơn hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực đối thoại chính trị, hợp tác thương mại-đầu tư, chuyển đổi năng lượng công bằng.

Ông Daniel Caspary đánh giá cao tầm quan trọng của Hiệp định EVFTA đối với hợp tác thương mại giữa hai bên và nhất trí việc thúc đẩy các nước thành viên EU sớm thông qua Hiệp định EVIPA nhằm đáp ứng lợi ích và mở ra các cơ hội hợp tác mới cho cộng đồng doanh nghiệp EU và Việt Nam. Các nghị sỹ thành viên đoàn đã đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và đối với EU.

Hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và sự tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc.

Hai bên chia sẻ quan điểm về bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông; ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục