Thúc đẩy quan hệ hợp tác khoa học Việt-Hàn-ASEAN

Diễn đàn khoa học Hàn-ASEAN “Một thế giới tốt đẹp trong đa dạng” đã diễn ra ngày 29/8 ở Hà Nội thu hút đông đảo giới khoa học hai bên.
Ngày 29/8 tại Hà Nội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Quỹ Hàn Quốc và Đại học quốc gia Seoul tổ chức Diễn đàn Hàn-ASEAN “Một thế giới tốt đẹp trong đa dạng.”

Diễn đàn là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đào tạo và tư vấn chính sách giữa các viện nghiên cứu của Việt Nam, Hàn Quốc và các nước ASEAN.

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, ngoại giao, học giả Hàn Quốc và một số nước ASEAN đã tham gia các phiên thảo luận với các chủ đề Hợp tác phát triển Hàn Quốc-ASEAN: tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; Di dân: Lao động, du lịch và du học; An ninh khu vực: an ninh biển, phi hạt nhân hóa và hòa bình. Ngoài các phiên thảo luận chính còn có chương trình thảo luận bàn tròn nhằm tìm kiếm chiến lược thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa ASEAN và Hàn Quốc…

Trong phiên thảo luận với chủ đề Hợp tác phát triển Hàn Quốc-ASEAN: tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, bên cạnh các tham luận về tăng trưởng xanh của các học giả Hàn Quốc, tiến sỹ Vũ Tuấn Anh (Viện Kinh tế Việt Nam) đã có tham luận đánh giá về chiến lược tăng xanh của Việt Nam. Trong đó khẳng định đây là một hướng phát triển mới, một kênh hợp tác mới giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Theo tiến sỹ Vũ Tuấn Anh, từ chỗ là ý tưởng lồng ghép các vấn đề môi trường vào nên kinh tế, ngày nay, tăng trưởng xanh đã trở thành mô hình tăng trưởng kinh tế mới, được nhiều nước đưa vào thực tiễn và các tổ chức quốc tế khuyến nghị, hỗ trợ thực hiện. Hợp tác để thúc đẩy tăng trưởng xanh, Việt Nam và Hàn Quốc tăng cường đầu tư và các ngành và sản phẩm xanh, thương mại các sản phẩm xanh và chuyển giao công nghệ xanh. Hai bên trao đổi kinh nghiệm các cách thể chế theo hướng thúc đẩy nền kinh tế xanh, hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cảu nền kinh tế xanh.

Tại phiên thảo luận về vấn đề di dân: lao động, du lịch và du học, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á Ateneo, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Ateneo de Manila Lydia N.Yu Jose cho rằng để người Đông Nam Á hiểu biết nhau sâu sắc hơn là rất cần thiết cho việc hiện thực hóa cộng đồng văn hóa-xã hội. Không ai có vị trí tốt hơn để đóng góp vào việc tăng cường hiểu biết là giới học giả và các nhà nghiên cứu người Đông Nam Á.

Để ngày càng có nhiều học giả của các quốc gia Đông Nam Á được học tập, nghiên cứu và xuất bản các nghiên cứu về Đông Nam Á, cần thúc đẩy nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và xã hội của các quốc gia thành viên ASEAN; thúc đẩy việc học ngôn ngữ của các quốc gia thành viên này song song với tổ chức các hội thảo, hội nghị và các diễn đàn công cộng, tuyên truyền, phổ biến tri thức về các quốc gia thành viên ASEAN…

Diễn đàn diễn ra đến hết ngày 30/8./.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục