Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao 55 năm về trước, đến nay mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và Tanzania đang hướng tới một tương lai hợp tác tốt đẹp, bền chặt hơn.
Đó là khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Tanzania Nguyễn Kim Doanh trong buổi trả lời phỏng vấn với báo chí sở tại nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Tanzania (14/2/1965-14/2/2020).
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Đại sứ Nguyễn Kim Doanh khẳng định Việt Nam và Tanzania có nhiều điểm tương đồng như đều trải qua cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc kéo dài hàng thế kỷ, các đặc điểm địa lý đa dạng và người dân cần cù, chịu khó, tự lực tự cường xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Do đó, 2 nước đã, đang và sẽ hợp tác, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau rất nhiều vì lợi ích chung.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ cả về tinh thần và vật chất từ Tanzania dưới thời Tổng thống Julius Kambarage Nyerere, nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh của học sinh, sinh viên Tanzania đã diễn ra để ủng hộ Việt Nam.
Tình hữu nghị giữa 2 quốc gia và nhân dân 2 nước là tài sản vô giá, được vun đắp bởi nhân dân và các thế hệ lãnh đạo của cả Việt Nam và Tanzania.
Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania đã góp phần thúc đẩy hợp tác, thương mại đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ở sở tại.
[Quan hệ Tanzania-Việt Nam phát triển với nhiều bước đột phá]
Về khả năng Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hạt điều tại Tanzania, Đại sứ Nguyễn Kim Doanh cho biết Đại sứ quán luôn khuyến khích các công ty Việt Nam đầu tư và xây dựng các nhà máy chế biến hạt điều ở nước sở tại.
Thực tế, nhiều dây chuyền chế biến hạt điều được sản xuất tại Việt Nam đã được mua, lắp đặt và vận hành tại Tanzania.
Các doanh nghiệp Tanzania có thể mua thêm máy chế biến hạt điều từ Việt Nam hoặc một số nước khác để hỗ trợ người trồng điều địa phương.
Năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn hạt điều thô và xuất khẩu 450.000 tấn hạt điều chế biến đạt doanh thu 3,6 tỷ USD.
Sản lượng hạt điều trong nước của Việt Nam đạt 400.000 tấn/năm, chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu về năng lực sản xuất. Do đó, nhu cầu nhập khẩu hạt điều của Việt Nam là rất lớn.
Châu Phi nói chung và Tanzania nói riêng là một thị trường tiềm năng cho nhập khẩu hạt điều của Việt Nam.
Việt Nam đã duy trì vị thế là nhà xuất khẩu hạt điều chế biến lớn nhất thế giới trong 13 năm liên tiếp kể từ năm 2006.
Hiệp hội Hạt điều Việt Nam luôn chào đón Hội đồng Hạt điều Tanzania (CBT) đến thăm Việt Nam, gặp gỡ các đối tác và chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển ngành điều.
Hiện tại, có một số công ty Việt Nam đang kinh doanh tại Tanzania, trong đó Công ty Viettel Tanzania là dự án đầu tư lớn nhất của Việt Nam.
Là một quốc gia rộng lớn và thị trường đầy tiềm năng, cũng như là cửa ngõ vào Đông Phi, Tanzania cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư trong nước để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư và doanh nhân nước ngoài có chung mối quan tâm và mong muốn Tanzania sớm cải thiện vấn đề cấp giấy phép lao động và lệ phí giấy phép cư trú, thời gian xử lý các giấy phép, vấn đề thuế, hệ thống cơ sở hạ tầng... để tạo thuận lợi hơn trong quá trình đầu tư, hợp tác, kinh doanh.
Theo Đại sứ Nguyễn Kim Doanh, nền kinh tế 2 nước Việt Nam và Tanzania mang tính bổ sung lẫn nhau. Tanzania rất giàu tài nguyên thiên nhiên và Việt Nam có thể nhập khẩu khoáng sản và nông sản phù hợp từ Tanzania.
Tanzania có thể nhập khẩu các sản phẩm điện tử, vật liệu xây dựng, phân bón, thuốc tân dược và hàng tiêu dùng từ Việt Nam.
Là những nước anh em, Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Chính phủ và nhân dân Tanzania trong việc phát triển đất nước, sẵn sàng hợp tác với Tanzania trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong nông nghiệp, giáo dục, y tế...
Đại sứ Nguyễn Kim Doanh khẳng định với nhiều mặt hợp tác, đầu tư về kinh tế, thương mại và các cuộc trao đổi đoàn cấp cao giữa 2 nước trong thời qua, Việt Nam và Tanzania đang hướng tới quan hệ song phương hữu nghị, bền chặt, thực chất và hiệu quả hơn nữa./.