Thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản Đà Nẵng

Hiện trên địa bàn Đà Nẵng có 25 dự án phát triển nhà ở đang triển khai với tổng cộng 8.792 căn, trong đó có 4 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với tổng cộng 605 căn hộ đủ điều kiện mở bán.
Thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản Đà Nẵng ảnh 1Một góc khu chung cư nhà ở xã hội tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Kết thúc quý 1/2023, tình hình thị trường bất động sản tại thành phố Đà Nẵng đang khá ảm đạm, không có dự án mới được cấp phép, lượng giao dịch hạn chế, còn tồn tại nhiều khó khăn.

Chính quyền thành phố cùng các doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản theo tinh thần chỉ đạo tại văn bản số 178/TTg-CN ngày 27/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Cơ hội cho người có nhu cầu nhà ở

Anh Nguyễn Thành Vân (26 tuổi, quê Quảng Nam, hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng) vừa hoàn thành thủ tục mua căn hộ nhà ở xã hội tại Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng).

Trong căn hộ rộng 55m2, anh Vân vừa tất bật dọn dẹp, sơn sửa, mua sắm nội thất, vừa “đếm ngược” đến ngày được bàn giao căn hộ, dự kiến trong tháng Tư này.

Anh Nguyễn Thành Vân chia sẻ vì hoàn cảnh kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nên từ cuối năm 2021, đã làm thủ tục đăng ký mua nhà ở xã hội.

Anh đã được duyệt mua căn hộ này với giá 720 triệu và được vay Ngân hàng Chính sách xã hội 300 triệu với lãi suất ưu đãi trong thời gian 15 năm. Nhờ được hưởng những chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội nên gia đình anh mới có được chỗ ở để an tâm định cư, làm việc tại thành phố Đà Nẵng.

[Tạo động lực cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng]

Theo thống kê, trong quý 1/2023, số lượng giao dịch bất động sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 1.460 căn hộ, chỉ bằng 42,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 25 dự án phát triển nhà ở đang triển khai với tổng cộng 8.792 căn; trong đó, có 4 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với tổng cộng 605 căn hộ đủ điều kiện mở bán. Bên cạnh đó, có 5 dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 4.500 căn hộ đang triển khai xây dựng.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng Trần Văn Hoàng cho biết Sở đã chủ động yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội khẩn trương đẩy nhanh tiến độ dự án, đưa vào mở bán các căn hộ chung cư, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở của các đối tượng theo quy định. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở yêu cầu các chủ đầu tư triển khai tiến độ dự án theo đúng kế hoạch, chỉ thực hiện giao dịch tại các dự án bất động sản đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.

Trong thời gian tới, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động kinh doanh bất động sản; thường xuyên cập nhật, công khai thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản để minh bạch thông tin đến người dân.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu có việc môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.

Tháo gỡ các thủ tục pháp lý

Trong tháng 2/2023 vừa qua, Cục Thuế thành phố Đà Nẵng có thông báo cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử đối với Công ty cổ phần Trung Nam (Trungnam Land), vì chậm nộp hơn 445,5 tỷ đồng tiền thuế.

Công ty Trungnam Land cho biết nguyên nhân của việc chậm nộp thuế do dự án Khu đô thị Golden Hills City (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) mà công ty triển khai đang bị vướng mắc các thủ tục pháp lý.

Tính đến hết năm 2022, Trungnam Land đã nộp ngân sách nhà nước hơn 492 tỷ đồng, bao gồm kinh phí hoàn thiện bố trí tái định cư và tiền thuế sử dụng đất, nhưng đến nay công ty vẫn chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Công ty đề nghị các cấp chính quyền tạo điều kiện, tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại dự án Golden Hills City, tương ứng với số tiền sử dụng đất đã nộp vào ngân sách nhà nước.

Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để công ty có nguồn tài sản đảm bảo để thực hiện huy động nguồn vốn, nộp số tiền sử dụng đất còn lại và nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ thuế với thành phố Đà Nẵng.

Thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản Đà Nẵng ảnh 2Đà Nẵng có 5 dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 4.500 căn hộ đang triển khai xây dựng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Còn theo ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Công ty cổ phần DKRA Group, việc Chính phủ có hàng loạt các văn bản chỉ đạo nhằm gỡ rối cho thị trường bất động sản thời gian qua là những tín hiệu tích cực đến cho thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Các chính sách, chỉ đạo đã thể hiện sự quan tâm đúng mức của Nhà nước đối với thị trường bất động sản như: giải pháp gỡ rối cho thị trường trái phiếu, tạo nguồn vốn doanh nghiệp, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để cấp sổ đỏ condotel.

Tuy nhiên, ông Võ Hồng Thắng cho rằng mặc dù các chính sách có hiệu quả trong việc trấn an tâm lý thị trường ở thời điểm hiện tại, nhưng vẫn còn tồn tại một số bất cập nhất định. Đó là vẫn chưa tháo gỡ được triệt để điểm nghẽn pháp lý do chồng chéo các quy định giữa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… những điểm nghẽn này khiến thời gian xin cấp phép dự án nhà ở xã hội kéo dài hơn dự án nhà ở thương mại.

Mức lợi nhuận tối đa khống chế ở mức 10%, phải dành 20% diện tích để cho thuê khiến loại hình dự án nhà ở xã hội trở nên kém hấp dẫn trong mắt các chủ đầu tư.

Đồng thời, gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ với lãi suất cho vay từ 8.7%/năm (3 năm) đối với chủ đầu tư hay 8.2%/năm (5 năm) đối với người mua vẫn chưa thật sự hấp dẫn, chưa kể mức lãi suất có thể tăng cao sau khi thời gian hỗ trợ kết thúc.

Ông Võ Hồng Thắng kiến nghị các cấp quản lý cần nhanh chóng hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở… để kiện toàn khung hành lang pháp lý cho thị trường. Đồng thời, sớm ổn định thị trường vốn, tín dụng, có cơ chế kiểm soát giảm trần lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại.

Gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng cần có lộ trình triển khai một cách cụ thể, khoanh vùng đúng và đầy đủ các đối tượng có nhu cầu thực tế được hưởng chính sách ưu đãi, tránh trường hợp chậm tiến độ phê duyệt, giải ngân như ở gói 30.000 tỷ đồng trước đây.

Đầu tháng Tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố về Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Sau 10 năm kể từ khi có gói tín dụng đầu tiên dành cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội với trị giá 30.000 tỷ đồng được triển khai năm 2013 thì đến nay mới tiếp tục có gói tín dụng lớn dành cho phân khúc nhà ở này.
Mặc dù gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được xã hội chờ đợi và đánh giá rất tích cực nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về việc mức lãi suất đã thực sự phù hợp với khả năng vay và chi trả của người dân hay chưa, nhất là trong bối cảnh giá nhà tăng cao như hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục