Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái - Điệu hát từ tâm linh

Lời bài hát Then, hòa trong nhịp đàn tính dìu dặt, cùng tiếng xóc lúc khoan nhịp, lúc dồn dập sẽ đưa bà Then, ông Then đến với Mường Trời để cầu xin các vị thần linh cứu giúp con người.

Múa Chầu trong diễn xướng Then của người Tày ở huyện Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. (Nguồn: Vietnam+)
Múa Chầu trong diễn xướng Then của người Tày ở huyện Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. (Nguồn: Vietnam+)

Then, một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ.

“Then” trong tiếng Tày được phiên âm là "Stiêng" hay "Thiên," có nghĩa là Tiên, Trời và Hát Then, đối với những người đã sáng tạo ra nó, nghĩa là điệu hát thần tiên - một loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp gồm ca, nhạc, múa và diễn trò, đặc biệt phổ biến ở vùng dân tộc Tày, Nùng.

Chính vì là điệu hát thần tiên mà trong đời sống của người Tày cổ, hát Then được dùng trong những sự kiện trọng đại hay lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn... Họ quan niệm, những điệu Then chính là những lời cầu khấn được gửi đến nhà trời.

Khi các Thầy Then cất tiếng hát, gảy tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình. Tùy theo mục đích của việc cầu cúng mà Thầy Then sẽ bày mâm cúng và cầu khấn trước bàn thờ Then với những vị thần bản địa khác nhau.

Thầy Then thường sử dụng các đồ vật như kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông... để thực hiện lễ Then tại nhà tín chủ, ở ngoài trời hoặc tại bàn thờ Then ở nhà của Thầy Then.

Thầy Then mặc lễ phục, vừa hát tiếng dân tộc mình vừa gảy tính tẩu, xóc chùm xóc nhạc, phất quạt; có buổi lễ còn có tốp nữ múa phụ họa.

1312-hat-then2-2904.jpg
Nữ nghệ nhân hát then người Nùng Mông Thị Sấm trình diễn nghi lễ cầu mùa trong Thực hành Then ở thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. (Nguồn: Vietnam+)

Thiên là tín ngưỡng thờ trời phổ biến của đồng bào về một thế giới thần bí, nơi đó có những nhân vật và sức mạnh diệu kỳ như Bụt, Giàng, Trời, mà chỉ có bà Then, ông Then mới có đủ bản lĩnh và khả năng đến được thế giới đó.

Khi các bà Then, ông Then dâng lên Mường Trời những sản vật của con người thì họ hát: tay đệm đàn, miệng hát, chân xóc nhạc.

Chính lời bài hát Then, hoà trong nhịp đàn tính dìu dặt, cùng tiếng xóc lúc khoan nhịp, lúc dồn dập sẽ đưa bà Then, ông Then đến với Mường Trời để cầu xin các vị thần linh cứu giúp con người.

Do đó, người hát Then trong những dịp lễ, tết là những người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Then luôn luôn được trao truyền bằng truyền khẩu khi thực hành nghi lễ Then, thể hiện sự kế tục giữa các thế hệ và các thầy Then đóng vai trò chính yếu trong việc chuyển giao các kỹ năng và bí quyết liên quan.

Cho đến nay, sau nhiều tìm tòi nghiên cứu, vẫn chưa ai biết chính xác quá trình ra đời và phát triển của Then.

Có ý kiến khẳng định Then được “khai sinh” từ Cao Bằng để phục vụ đời sống tinh thần người dân lao động; cũng có ý kiến cho rằng Then phát sinh từ vùng Đông Bắc (Lạng Sơn).

Trải qua thời gian, điệu hát Then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, là linh hồn trong đời sống văn hóa của bà con dân tộc Tày, Nùng trải dài ở 12 tỉnh, thành phố trong cả nước, không chỉ là một loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian, mà còn là một loại hình văn hóa tín ngưỡng gắn với đời sống người dân tộc.

Không ngừng lan tỏa trong cộng đồng

Hát Then xưa mang tính chất dân gian khá rõ, được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, được nhân dân thích nghe, thích xem và thích tham gia. Bởi trong Then có cả hát múa, đàn và có cả giao duyên.

Các tiết mục Then được người làm Then dàn dựng thực hiện theo đúng chủ đề tinh thần của người yêu cầu.

ttxvn-1312-hat-then-4712.jpg
Một nghi thức thực hành Then do Câu lạc bộ hát Then đàn tính Thái Nguyên thực hiện. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Lời hát Then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa, vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ, vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế...

Về cơ bản, hát Then-đàn tính ở mỗi vùng miền đều có cung quãng giống nhau nhưng về lời hát thì có nhiều dị bản để phù hợp với đặc điểm, cũng như phong tục của từng địa phương, như Then-Lạng Sơn dìu dặt tha thiết, Then-Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận, Then-Hà Giang nhấn nhá từng tiếng, Then-Bắc Kạn lại như tiếng thì thầm...

Hiện nay, hát Then đã có nhiều biến đổi so với trước kia, ngoài các làn điệu then cổ thường được trình diễn ở các buổi lễ tín ngưỡng với các nghi thức nhất định, đã xuất hiện nhiều làn điệu cải biên để thích ứng trong các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng.

Nhiều bài Then của các văn nghệ sỹ, nghệ nhân đã vượt qua dải Trường Sơn đi đánh Mỹ, ra công trường để xây dựng nhà máy, về nông thôn để xây dựng quê hương, đất nước, trở nên dễ nghe, dễ cảm và gần gũi, quen thuộc với nhân dân.

Thậm chí, một số đồng bào người Tày, Nùng, Thái ở khu vực phía Bắc, khi chuyển đến sinh sống ở những vùng quê mới ở các tỉnh phía Nam đã mang theo nghệ thuật truyền thống này, và ở đó, hát Then đã tiếp tục duy trì được sức sống của nó trong cộng đồng.

Để lời ca, tiếng hát Then thấu tới cõi Trời, những nghệ nhân xưa còn sáng tạo nên chiếc đàn Tính.

Ngày 12/12/2019, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại thủ đô Bogotá, Cộng hòa Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi Vật thể đại diện của nhân loại.

Việc được UNESCO vinh danh đã khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể của UNESCO./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục