Thực hiện thành công ca phẫu thuật kỹ thuật khó tại khu vực Tây Nguyên

Bệnh nhân 69 tuổi được các y, bác sỹ Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tiến hành phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc để điều trị triệt căn ung thư.

Các y, bác sỹ Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tiến hành phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc cho bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN phát)
Các y, bác sỹ Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tiến hành phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc cho bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN phát)

Sáng 23/4, nguồn tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết các bác sỹ vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc điều trị ung thư cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật khó, lần đầu tiên được thực hiện tại khu vực Tây Nguyên.

Bệnh nhân là ông N.Đ.M (69 tuổi, huyện Đắk Song, Đắk Nông) đến khám tại bệnh viện với tình trạng tiểu khó, tia tiểu yếu, cảm giác tiểu không hết đã nhiều năm nay. Bệnh nhân đã điều trị thuốc nhiều nơi nhưng không đỡ.

Các bác sỹ tại bệnh viện đã tiến hành thăm khám, siêu âm, xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ bằng máy MRI 1.5 Tesla. Qua các kết quả kiểm tra, bác sỹ khẳng định bệnh nhân bị ung thư biểu mô tuyến tiền liệt, giai đoạn T2a.

Bệnh nhân được các y, bác sỹ tiến hành phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc để điều trị triệt căn ung thư. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khoa phòng, êkíp phẫu thuật và gây mê hồi sức, cuộc phẫu thuật diễn ra thành công tốt đẹp.

Theo các bác sỹ, với ưu điểm của phẫu thuật nội soi là ít đau, vết mổ nhỏ, ngay ngày hậu phẫu thứ nhất, người bệnh đã có thể ăn uống và đi lại được. Sau 7 ngày, chụp phim X-quang kiểm tra miệng nối bàng quang, niệu đạo lành tốt, người bệnh đi tiểu dễ dàng, không còn tiểu khó và không có tình trạng tiểu không kiểm soát.

Các chuyên gia cho biết phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc là một trong những phẫu thuật khó nhất trong ngành tiết niệu. Tuyến tiền liệt nằm sâu ở vùng bụng, dưới xương mu, tập trung nhiều mạch máu, xoang tĩnh mạch…, do đó phẫu thuật viên phải nhiều kinh nghiệm mới có thể xử lý các tình huống.

Theo Tổ chức Ghi nhận Ung thư Toàn cầu, năm 2022, tại Việt Nam, ung thư tuyến tiền liệt là một trong 5 loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng gần 6.000 ca mắc mới, trong đó khoảng 85% bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn.

Ung thư tuyến tiền liệt thường tiến triển âm thầm trong thời gian dài, nguy cơ tăng lên ở nam giới lớn tuổi. Hiện, chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp phòng ngừa.

Người bệnh khi có các biểu hiện tiểu khó, tia tiểu yếu, tiểu nhiều lần, cảm giác tiểu không hết… nên đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời.

Trước đây, phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc chỉ được thực hiện tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và một vài tỉnh lân cận. Việc thực hiện thành công phẫu thuật này tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã mở ra cơ hội cho người bệnh trực tiếp điều trị tại quê nhà, không còn phải di chuyển đến các trung tâm lớn giúp giảm chi phí và thời gian điều trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục