Thực phẩm thương mại bán cho trẻ em ở Đông Nam Á có lượng đường và muối cao

Nghiên cứu được hỗ trợ bởi UNICEF và các đối tác đã khảo sát hơn 1.600 loại ngũ cốc trẻ sơ sinh, thực phẩm xay nhuyễn, thực phẩm dạng túi, đồ ăn nhẹ và đồ ăn liền được bán cho trẻ nhỏ ở 7 quốc gia.

(Ảnh minh họa: Nguồn: Vietnam+)
(Ảnh minh họa: Nguồn: Vietnam+)

Ngày 18/12, Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho hay nghiên cứu mới được công bố cho thấy các thực phẩm đóng gói sản xuất thương mại được bán cho trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi ở Đông Nam Á có hàm lượng đường và muối cao, các nhãn mác có khả năng gây hiểu lầm và chứa các thông tin không chính xác được sử dụng phổ biến cũng như các quy định nghiêm ngặt về thành phần và bán sản phẩm còn thiếu.

Nghiên cứu được hỗ trợ bởi UNICEF và các đối tác của Hiệp hội Cải thiện Thực phẩm Bổ sung ở Đông Nam Á (COMMIT), đã khảo sát hơn 1.600 loại ngũ cốc trẻ sơ sinh, thực phẩm xay nhuyễn, thực phẩm dạng túi, đồ ăn nhẹ và đồ ăn liền được bán cho trẻ nhỏ ở Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Nghiên cứu cũng đánh giá hành vi của người tiêu dùng và các quy định hiện hành ở 7 quốc gia.

Nghiên cứu cho thấy gần một nửa số sản phẩm được nghiên cứu (44%) có chứa đường bổ sung và chất tạo ngọt; Con số này đã tăng lên 72% ở các đồ ăn nhẹ. Liên quan đến hàm lượng muối, hơn một phần ba các sản phẩm được nghiên cứu chứa nhiều muối hơn mức khuyến nghị.

Đặc biệt, gần 90% nhãn trên các sản phẩm được nghiên cứu đưa ra các thông tin có khả năng gây hiểu lầm hoặc không chính xác về thành phần của sản phẩm.

"Tại Việt Nam, nhiều loại thực phẩm bổ sung được sản xuất thương mại (CPCF) trên thị trường không đạt tiêu chuẩn về giá trị dinh dưỡng và việc ghi nhãn của các sản phẩm có thể gây hiểu lầm cho cha mẹ. Cần phải giải quyết những thiếu sót đáng kể này trong khung pháp lý quốc gia về CPCF. Trẻ em và cha mẹ xứng đáng có những lựa chọn tốt hơn," bà Lesley Miller - Quyền Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam cho biết.

Thực phẩm bổ sung được sản xuất thương mại là đồ ăn phổ biến của trẻ nhỏ ở Đông Nam Á, với 79% bà mẹ ở thành phố cho biết họ cho con ăn những thực phẩm này hàng ngày. Trên khắp Đông Nam Á, doanh số bán thực phẩm bổ sung sản xuất thương mại đã tăng 45% trong năm năm qua. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng 3/4 các bà mẹ tham gia khảo sát tại Việt Nam nói rằng họ cho con ăn CPCF ít nhất một lần mỗi ngày. Phần lớn các bà mẹ này đã mua CPCF từ các siêu thị (48%) hoặc cửa hàng cho trẻ em (33%).

Về mặt quy định, nghiên cứu lưu ý rằng không có quốc gia nào trong số 7 quốc gia này có chính sách quốc gia về thành phần và ghi nhãn cho thực phẩm bổ sung sản xuất thương mại tuân theo tất cả các hướng dẫn quốc tế.

Nghiên cứu còn cho thấy một số quốc gia không có biện pháp pháp lý để điều chỉnh hàm lượng đường hoặc muối trong thực phẩm bổ sung sản xuất thương mại. Các quốc gia có ngưỡng đường hoặc muối tối đa thường chỉ áp dụng các biện pháp pháp lý cho một số loại nhất định, chẳng hạn như ngũ cốc hoặc thực phẩm ăn nhẹ và ngưỡng cao hơn tiêu chuẩn quốc tế. Trẻ ăn các thức ăn có đường sớm có thể dẫn đến sâu răng, tăng cân và thói quen ăn uống không tốt, hàm lượng natri cao có thể dẫn đến huyết áp cao và tác động có thể kéo dài suốt đời.

Bà Debora Comini - Giám đốc UNICEF Khu vực châu Á Thái Bình Dương nhấn mạnh: "Chính phủ và các nhà sản xuất thực phẩm có thể và cần phải đóng một vai trò mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ em. Chế độ dinh dưỡng tốt trong những năm đầu đời giúp trẻ em phát triển, thúc đẩy gia đình thịnh vượng, lực lượng lao động có năng suất cao và nền kinh tế hùng mạnh. Mặt khác, dinh dưỡng yếu kém làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân, béo phì và bệnh tật, và làm tăng chi phí cho trẻ em và gia đình và cả các hệ thống chăm sóc sức khỏe và nền kinh tế”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục