Thực tế phũ phàng tại Nhật Bản - quốc gia của những người già

Dân số của Đất nước Mặt Trời mọc đã đạt đỉnh vào năm 2010, ở mức 128 triệu người và giờ đây, con số này xuống dưới 125 triệu và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong bốn thập kỷ tới.
Thực tế phũ phàng tại Nhật Bản - quốc gia của những người già ảnh 1Sự kết hợp mất cân đối giữa việc ngày càng nhiều người già và ngày càng ít người trẻ tuổi đã và đang làm thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống ở Nhật Bản. (Nguồn: Nationalgeographic)

Vào một buổi sáng thứ Bảy u ám ở Iwase, tại một quận cảng vắng vẻ bên bờ Vịnh Toyama trên hòn đảo lớn nhất Nhật Bản, đường phố vắng tanh.

Một cụ bà ngó qua khung cửa sổ để nhìn xuống con đường chính với những căn nhà gỗ thấp truyền thống. Một người khác đi lại rón rén dọc theo một làn đường hẹp. Vài phút sau, hai chiếc xe tải nhỏ dừng lại.

Khu vực này đột nhiên trở nên sôi động. Năm người mặc áo màu cam xuất hiện, hối hả đi lại. Họ dựng cọc tiêu giao thông, phát giỏ mua hàng và rối rít xin lỗi vì đã chuyển cửa hàng tạp hóa di động cách vị trí thường lệ chỉ vài bước chân.

Họ chuyển hàng hóa từ chiếc xe tải đầu tiên sang chiếc thứ hai. Ngay lập tức, chiếc xe biến thành một cửa hàng thu nhỏ với những chiếc kệ gấp và mái hiên màu đỏ.

Phần bên trái là khu vực để đồ lạnh với cá, thịt, sữa chua, trứng và các loại thực phẩm dễ hỏng khác. Đồ ăn nhẹ và bánh quy giòn được xếp ở phía sau.

Rất đông người đến mua sắm, tất cả đều là phụ nữ lớn tuổi. Họ di chuyển chậm rãi quanh xe tải.

[Nhật Bản: Tỷ lệ sinh tiếp tục giảm kỷ lục năm thứ 7 liên tiếp]

Bà Miwako Kawakami, 87 tuổi, với chiếc lưng còng cùng mái tóc bồng bềnh, đưa cây gậy của mình cho một nhân viên bán hàng và lấy một chiếc giỏ nhỏ.

Bà mua tỏi tây, cà rốt, ba củ hành tây và một hộp sữa. Bà Kawakami sống một mình sau ngôi đền gần đó.

“Đã từng có rất nhiều cửa hàng ở đây, nhưng tất cả đã biến mất,” bà nói. “Quầy rau, quầy cá - tất cả đều đã đóng cửa khoảng 5 năm trước.” Bà lảo đảo băng qua đường để gặp người hàng xóm 86 tuổi, người giúp bà mang đồ về nhà.

Iwase đã trở nên "trống rỗng." Những người trẻ tuổi rời đi và những người ở lại thì ngày một già.

Những câu chuyện tương tự như ở Iwase đang diễn ra trên khắp Nhật Bản khi tỷ lệ sinh liên tục giảm trong nhiều thập kỷ.

Dân số của đất nước này đạt đỉnh vào năm 2010, ở mức 128 triệu người. Giờ đây, con số này chưa đến 125 triệu và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong bốn thập kỷ tới.

Song song với đó, người dân Nhật Bản đang sống lâu hơn với mức tuổi thọ trung bình là 87,6 tuổi đối với phụ nữ và 81,5 tuổi đối với nam giới.

Từ một xã hội già nua...

Với gần 30% dân số từ 65 tuổi trở lên, Nhật Bản hiện đang có dân số già nhất trên Trái Đất (ngoại trừ Công quốc Monaco nhỏ bé). Tuổi trung bình của người dân Nhật Bản là 48,7 tuổi vượt xa mức tuổi trung bình của thế giới - 30,2 tuổi.

Sự kết hợp mất cân đối giữa việc ngày càng nhiều người già, ngày càng ít người trẻ tuổi đã và đang làm thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống ở Nhật Bản, từ diện mạo cho đến các chính sách xã hội, từ chiến lược kinh doanh đến thị trường lao động, từ không gian công cộng đến nhà riêng.

Các con số, mặc dù rõ ràng, nhưng vẫn chưa đủ sức truyền tải rõ sự thay đổi nhân khẩu học đang diễn ra sâu sắc như thế nào trên đất nước này.

Thực tế phũ phàng tại Nhật Bản - quốc gia của những người già ảnh 2Nhà hàng nơi cụ ông Chikayoshi Gonda và cụ bà Harumi Okubo đang làm việc. (Nguồn: Panos)

Tại một nhà hàng ở Ogawa, cụ ông Chikayoshi Gonda, 97 tuổi, đang nướng những chiếc bánh bao oyaki, trong khi cụ bà Harumi Okubo, 80 tuổi, ngồi nặn chúng.

Nhà hàng nơi họ làm việc bắt đầu thuê người cao tuổi khi người dân nơi đây ngày càng già đi. Độ tuổi trung bình của nhân viên trong nhà hàng hiện nay là 70.

Sự già hóa của xã hội Nhật Bản xuất hiện dày đặc trên các bản tin thời sự, có vẻ nhiều hơn cả các bản tin dự báo thời tiết. Như chuyện một tài xế 100 tuổi lái xe ôtô lao lên vỉa hè và tông vào người đi bộ. Phần lớn các thành viên băng đảng yakuza ở Nhật Bản giờ đã ngoài 50 tuổi.

Quả thực, lão hóa xuất hiện ở khắp mọi nơi, đi vào từng ngõ ngách trên đất nước Nhật Bản.

Tại một số sân ga, nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi sự xuất hiện của một chiếc rãnh bên cạnh mỗi chân ghế. Đó thực ra là nơi để những người già chống gậy.

Những “ngôi nhà ma” bỏ hoang bị dây leo xâm chiếm là cảnh không chỉ thường thấy ở những cộng đồng hoang vắng như Iwase mà còn ở các khu vực lân cận thành phố lớn.

Nagoro là một ngôi làng đặc biệt và cũng khá nổi tiếng ở Nhật Bản. Bởi những đứa trẻ cuối cùng được sinh ra tại đây là vào 22 năm trước.

Và hiện giờ, chỉ có khoảng 27 người trưởng thành sống tại ngôi làng miền núi xa xôi này.

Vào năm 2012 ngay sau khi hai học sinh cuối cùng học hết lớp 6, trường tiểu học nơi đây cũng đã đóng cửa.

Vì thiếu vắng âm thanh của trẻ em, một cư dân trong làng đã tạo ra những con búp bê trẻ em để tái hiện lại cuộc sống ngày xưa.

Bà Ayano đã sử dụng những con búp bê thủ công có kích thước và hình dáng y như người thật để trưng bày trong khuôn viên của ngôi trường đã bị đóng cửa.

Bà tái hiện lại một ngày hội thể thao bằng cách đặt những con búp bê có kích thước trẻ em ngồi lên xích đu và ném bóng.

Bà Ayano còn tổ chức một lễ hội búp bê thường niên trong suốt nhiều năm qua. Bà nói rằng: "Chúng tôi đã không còn thấy trẻ em ở đây nữa. Tôi ước có nhiều trẻ em hơn. Như vậy, cuộc sống sẽ vui vẻ hơn."

Thực tế phũ phàng tại Nhật Bản - quốc gia của những người già ảnh 3Những đứa trẻ búp bê tại làng Nagoro. (Nguồn: Huffpost)

Người sống có cách đặc biệt để tự tạo niềm vui còn người chết, họ cũng ra đi theo một cách đặc biệt nhưng vô cùng thương tâm.

... đến những cái chết cô độc

Tháng 3/2015, thi thể của một người đàn ông ở độ tuổi 80 được tìm thấy trong một căn phòng chật chội ở Tokyo. Vào thời điểm phát hiện ra thi thể, ông ấy đã chết được một tháng.

Ngân hàng của ông đã thanh toán tiền thuê nhà đúng hạn và ông ấy cũng không tiếp xúc với những người khác trong gia đình. Lý do duy nhất để những người thuê nhà tầng dưới phát hiện ra sự vắng mặt của ông chính là mùi hôi thối bất thường bốc ra từ căn phòng.

Người đàn ông này chính là một kodokushi.

Từ thập niên 1970, Nhật Bản đã xuất hiện khái niệm kodokushi. Nó ám chỉ những người tử vong ngay tại nơi cư trú mà phải mất một thời gian dài, có khi lên đến hơn nửa năm, mới được phát hiện.

Ngày nay, kodokushi là hiện tượng quá quen thuộc ở Nhật Bản. Ước tính trung bình, nơi đây có tới 30.000 trường hợp/năm. Hầu hết kodokushi là người sống một mình, ít tiếp xúc xã hội và liên lạc với thân nhân. Sau khi họ tử vong, phải mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới có người phát hiện.

Các quan chức ở Nhật Bản nhiều lần cảnh báo về chứng mất trí nhớ và sự rạn nứt của các mối quan hệ cộng đồng truyền thống đang góp phần tạo ra hiện tượng xã hội này.

Thực tế phũ phàng tại Nhật Bản - quốc gia của những người già ảnh 4Đặt hoa trên sàn để tưởng niệm một kodokushi. (Nguồn: Reuters)

Ngày nay, nhiều trường hợp kodokushi có liên quan đến chứng mất trí nhớ. Bằng chứng là trong các trường hợp tử vong được báo cáo ở Osaka, khoảng 30% liên quan đến những người có người thân mắc căn bệnh này.

Tại Nhật Bản, cứ 5 người trên 65 tuổi thì có 1 người mắc chứng mất trí nhớ và cứ 4 người lớn từ 65 tuổi trở lên thì có hơn 1 người sống một mình.

... và những "ngôi nhà ma"

Hơn một nửa số đô thị ở Nhật Bản hiện được coi là khu vực ít dân cư, nơi dân số đã giảm 30% hoặc hơn kể từ năm 1980.

Nhiều người có thể đã nghe nói về khái niệm nhà akiya. Akiya được dịch theo nghĩa đen là những ngôi nhà trống.

Những ngôi nhà này thường được rao bán với mức giá rẻ đến "nực cười" từ 0 đến khoảng 25.000 USD.

Tại sao Nhật Bản lại có nhiều nhà bỏ hoang như vậy?

Việc dân số Nhật Bản ngày càng giảm và cuộc di cư từ các thị trấn nông thôn đến các thành phố lớn chính là nguyên nhân khiến nhiều bất động sản bị bỏ hoang xuất hiện trên khắp đất nước.

Một cuộc khảo sát do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản thực hiện vào năm 2019 cho thấy khoảng 13,6% số ngôi nhà ở Nhật Bản bị bỏ trống và con số này đã tăng lên tới 20% ở một số tỉnh. Và sự thật là những con số này sẽ ngày một tăng lên.

Tuy nhiên, đây không phải là lý do duy nhất khiến một ngôi nhà bị bỏ hoang.

Thực tế phũ phàng tại Nhật Bản - quốc gia của những người già ảnh 5Một ngôi nhà akiya. (Nguồn: Koryoya)

Nếu một sự kiện bi thảm xảy ra trong ngôi nhà như một vụ giết người hoặc tự sát, nó có thể khiến nhiều người mua, đặc biệt là những người Nhật Bản, những người có thể tin rằng sống trong một ngôi nhà như vậy, sẽ gặp phải những điều xui xẻo, tránh xa.

Thông thường, những ngôi nhà như vậy được đưa vào cơ quan đăng ký ngân hàng akiya do chính quyền địa phương quản lý nhằm quảng bá và tìm chủ mới cho chúng.

Nó cũng tương tự như nơi nhận nuôi chó nhưng thay vào đó là... những ngôi nhà.

Thực tế phũ phàng này của Nhật Bản đang báo trước những gì sắp xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới. Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy và Đức cũng đang trên một quỹ đạo tương tự. Mỹ cũng vậy, mặc dù với tốc độ chậm hơn.

Năm năm trước, thế giới đã đạt đến một cột mốc đáng ngại: lần đầu tiên trong lịch sử, số người lớn từ 65 tuổi trở lên đông hơn trẻ em dưới 5 tuổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục