Thực tiễn sở hữu trí tuệ tại Bắc Giang và những nỗ lực để thực thi

Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại địa phương được các tổ chức, cá nhân chú trọng hơn, thể hiện qua số hồ sơ đăng ký bảo hộ năm sau cao hơn năm trước, số văn bằng được cấp cũng tăng mạnh.
Thực tiễn sở hữu trí tuệ tại Bắc Giang và những nỗ lực để thực thi ảnh 1Sản phẩm nho Ninh Thuận đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Trong những năm qua, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại các địa phương đã có những bước phát triển đáng kể.

Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được các tổ chức, cá nhân chú trọng hơn, thể hiện qua số hồ sơ đăng ký bảo hộ năm sau cao hơn năm trước, số văn bằng được cấp cũng tăng mạnh.

Trong số đó, số lượng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nhiều nhất do các nhãn hiệu mang tính sở hữu cộng đồng gắn với các sản phẩm đã được các địa phương, doanh nghiệp định hướng lâu dài về việc bảo hộ, quản lý và phát triển các tài sản này.

Thực tiễn phát triển tài sản trí tuệ tại Bắc Giang

Đến nay, Bắc Giang đã đăng ký bảo hộ được 3 chỉ dẫn địa lý, 5 nhãn hiệu chứng nhận và 66 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, hàng hóa nông sản tiêu biểu của tỉnh. Nhiều sản phẩm của tỉnh được bảo hộ thành công tại nước ngoài như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia...

Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, Bắc Giang là nơi "ra đời" nhiều sản phẩm công nghệ nổi tiếng như: Đồng hồ đeo tay - Apple Watch, UAV - máy bay không người lái, tai nghe không dây, pin năng lượng mặt trời…

Hiện tại, tỉnh Bắc Giang đã có 2.288 đơn đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 1.180 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ... Bắc Giang được đánh giá là địa phương chú trọng thực hiện, phát triển, tạo lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhiều nhất cả nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, Lê Ô Pích khẳng định việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ hay nói cách khác là tôn trọng chất xám, sự sáng tạo của người lao động trong và ngoài tỉnh đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp cho tỉnh.

Từ thực tiễn của tỉnh Bắc Giang thời gian qua, Phó Chủ tịch Lê Ô Pích cho rằng hoạt động sở hữu trí tuệ đóng vai trò tích cực, giúp nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong tạo lập, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ, tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm; góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bắc Giang đã xây dựng 766 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tạo ra chuỗi giá trị như vùng chăn nuôi gà đồi Yên Thế, vùng chăn nuôi và tiêu thu lợn sạch Tân Yên…

Bắc Giang cũng đang hình thành vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quy mô gần 50.000ha, với các sản phẩm chủ lực như vải thiều, cam, bưởi, ổi, táo... được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang cũng cho rằng cùng với kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, do đó, thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách tài chính đặc thù để hỗ trợ, phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của địa phương trong giai đoạn tới.

Đặc biệt, tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, chú trọng hỗ trợ các địa phương xây dựng chỉ dẫn địa lý, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể sử dụng yếu tố địa danh, sản phẩm chủ lực, đặc thù, thế mạnh của tỉnh. Tỉnh cũng hỗ trợ địa phương đăng ký xác lập quyền đối với một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Thực tiễn sở hữu trí tuệ tại Bắc Giang và những nỗ lực để thực thi ảnh 2Vải thiều Bắc Giang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia. (Nguồn: TTXVN)

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh nhằm bảo vệ danh tiếng, nhãn hiệu mang yếu tố địa danh đã được bảo hộ. 

Tỉnh cũng tiếp tục hỗ trợ đăng ký xác lập quyền cho các sản phẩm thuộc Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030”.

Nỗ lực trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí, mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ đã mang lại nhiều kết quả tích cực, song nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, doanh nghiệp chưa đầy đủ do chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Việc duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn bị xem nhẹ, không duy trì được vùng nguyên liệu sản xuất, quản lý chất lượng đầu ra cho sản phẩm còn chưa đồng đều, mẫu mã bao bì chưa thực sự phong phú, bắt mắt người tiêu dùng.

Một số doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm nông sản tiêu thụ dưới dạng thô, chưa qua chế biến, mang tính tự phát, sức cạnh tranh yếu. Ngoài ra, năng lực triển khai phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Các sáng chế, giải pháp hữu ích đã được cấp văn bằng nhưng khai thác và thương mại hóa còn chưa thật sự hiệu quả.

Tại hội nghị Sở hữu trí tuệ toàn quốc mới diễn ra, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí nhấn mạnh năm 2021, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

[Quản lý nhà nước: Công cụ thúc đẩy sở hữu trí tuệ ở địa phương]

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động này đã có xu hướng giảm mạnh. Theo báo cáo của các địa phương, cả nước có 1.109 vụ xâm phạm quyền về nhãn hiệu đã được xử lý với tổng số tiền phạt là 13.294.029.000 đồng và gần 300.000 sản phẩm bị xử lý, giảm 55% về số vụ và 38% tổng số tiền phạt so với năm 2020 (2.457 vụ với tổng số tiền phạt là 21.533.347.000 đồng).

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng và đáp ứng các yêu cầu quản lý và phát triển, sản phẩm rõ ràng, minh bạch, truy xuất được quá trình sản xuất thu hoạch, chế biến đóng gói, bảo quản.

Công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, đặc biệt là bảo quản cho các sản phẩm nông sản như rau, vải thiều, nhãn... còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của các địa phương.

Ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng Quản lý quốc gia Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho hay, hiện cả nước có gần 7.000 sản phẩm OCOP, số lượng tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững bởi nhiều chủ thể OCOP chưa quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, năng lực sở hữu trí tuệ còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP địa phương…

Vì vậy, cần xem xét đưa các sản phẩm OCOP vào dự án phát triển tài sản trí tuệ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2022-2030; các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã OCOP khai thác các thương hiệu cộng đồng (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận)…./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục