Thức tỉnh doanh nghiệp trước cánh cửa “bình minh” hội nhập

“Bình minh” hội nhập đã gõ cửa các doanh nghiệp và đang ảnh hưởng tới sự tồn vong cũng như định hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thức tỉnh doanh nghiệp trước cánh cửa “bình minh” hội nhập ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập Cộng động kinh tế ASEAN (AEC), nhiều người đang kỳ vọng cùng với sự thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế ở Việt Nam, môi trường kinh doanh sẽ ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, "bình minh" của hội nhập đã gõ cửa các doanh nghiệp và đang ảnh hưởng tới sự tồn vong cũng như phá vỡ những kế hoạch, định hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Những va chạm khởi đầu

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng bày tỏ lo ngại về nguy cơ xâm lấn thị trường của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong nhiều lĩnh vực như chuyển phát nhanh, xuất khẩu thủy sản, may mặc…với sự hiện diện ngày càng rõ ràng.

Theo ông Bình, với 98% đối tác là các doanh nghiệp nước ngoài, nên mặc dù vào cuối năm nay Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan (CEPT) cho Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) chính thức được thực thi và Hiệp định TPP sẽ được ký kết song tác động của nó đã tới dồn dập và kề cận.

Ông Bình cho biết, như DHL - Tập đoàn đa quốc gia về chuyển phát nhanh hiện đang là đối thủ cạnh tranh chính của các doanh nghiệp trong nước cùng lĩnh vực. Khi người ta đưa vào đấu thầu hệ thống vận chuyển ở Việt Nam thì tất cả các doanh nghiệp, công ty trên toàn cầu đều có quyền tham gia đấu thầu thông qua một phần mềm máy tính.

Ai muốn tham gia đầu tư vào Việt Nam cũng được chứ không chỉ riêng các công ty logistics của Việt Nam về vận chuyển. Chính từ những va chạm như vậy, cho thấy tác động của hội nhập kinh tế quốc tế là hết sức ghê gớm đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tương tự, đối với ngành thủy sản, vì nhiều lý do liên quan tới cạnh tranh và hội nhập quốc tế, nhiều doanh nghiệp thủy sản ở Đà Nẵng đã phải từ giã với nghề nghiệp, vốn gắn bó trong rất nhiều năm qua để chuyển sang những lĩnh vực, loại hình kinh doanh khác. Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Tổng hợp Phước Tiến - một trong những doanh nghiệp lớn về chế biến thủy sản của Đà Nẵng cho biết, do thiếu nguồn nguyên liệu nên sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngày càng giảm sút. Đang từ doanh nghiệp có quy mô hơn 4.000 lao động, doanh thu thương mại trên 20 triệu USD/năm.

Đến nay, Phước Tiến đã phải thu hẹp hoạt động xuống chỉ còn 200 lao động và doanh thu chưa tới 1 triệu USD/năm. Chưa kể tới gánh nặng chi phí vận chuyển ngày càng cao, khiến doanh nghiệp không kham nổi và lần lần phải đóng cửa.

Những va chạm khởi đầu có lẽ dễ dàng nhận thấy nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, với những ngành như sản xuất và chế biến nông sản. Hiện nay, đây là khu vực kinh tế được đánh giá là yếu thế nhất, song lại không được hưởng bất cứ một chính sách ưu đãi, hỗ trợ nào từ phía Nhà nước, không tận dụng được những đặc quyền theo cam kết với cộng đồng quốc tế từ WTO.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, theo lộ trình tới 31/12/2015, nghĩa là chỉ hơn 1 tháng nữa, khi hầu hết các mặt hàng nông sản giữa các quốc gia trong nội khối ASEAN đều hạ thuế suất xuống mức 0% thì ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ hoàn toàn mất lợi thế cạnh tranh ngay trên sân nhà, chưa nói tới chuyện xuất khẩu.

Làm gì khi doanh nghiệp “ngủ quên”

Thực trạng phổ biến hiện nay là các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm nhiều với hội nhập. Sự thờ ơ có thể khiến doanh nghiệp thiếu những chuẩn bị cần thiết để đối phó với tình huống mới, mà theo dự cảm là sẽ bất lợi nhiều hơn.

Ông Phạm Bắc Bình cho biết, chỉ những doanh nghiệp có quy mô trên 200 lao động và có vốn từ 50 tỷ đồng trở lên mới thực sự quan tâm và nhận thức rõ những nguy cơ đến từ hội nhập. Còn lại đa số doanh nghiệp ở cấp nhỏ hơn cho rằng, hội nhập và những biến cố có thể còn xa lắm và chưa thể ảnh hưởng gì tới mình.

Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng đã phải "nắm tay", “kéo” doanh nghiệp tới tham gia, nghe và trao đổi với đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đà Nẵng hay Sở Công Thương cùng các chuyên gia kinh tế để tìm hiểu về thông tin hội nhập. Song cũng vì sự hạn hẹp về kinh phí, về nguồn lực nên công tác tuyên truyền, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Xác nhận thực tế này, ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng cho biết, địa phương có hơn 15.000 doanh nghiệp song tỷ lệ tiếp cận thông tin hội nhập còn rất ít. Một phần do doanh nghiệp thờ ơ. Phần khác là do các thông tin hội nhập được cung cấp tại những cuộc hội nghị, hội thảo… còn rất chung chung, chưa thực sự trúng tâm lý của doanh nghiệp đang cần biết, cần hiểu kỹ những nội dung cụ thể có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp. Điều này trái ngược hẳn với xu hướng chung của cộng đồng quốc tế đang hào hứng quan tâm tới thị trường Việt Nam.

Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng vừa có nhiều cuộc tiếp xúc với đoàn công tác là các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ muốn tới tận nơi, gặp đại diện hiệp hội và từng doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều lĩnh vực để nắm bắt tình hình thực tế, tìm hiểu về nhu cầu và năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam khi cùng tham gia vào sân chơi chung trên toàn cầu.

Ông Bình tâm tư rằng, cho đến nay, chưa thấy các cơ quan, ban ngành nào của Nhà nước chủ trì tổ chức những cuộc xúc tiến thương mại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thăm quan, tìm hiểu và trao đổi thông tin, nhu cầu thương mại với các quốc gia đối tác ngay trong nội khối ASEAN, chưa nói tới nhóm các nước thuộc khối TPP.

Đây là điều thực sự cần được quan tâm nhiều hơn và trước nhất thể hiện nỗ lực của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp củng cố thế lực và nâng cao sức cạnh tranh với đối tác quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục