Thương mại điện tử - Món ngon khó nuốt

Thương mại điện tử Việt Nam: Món ngon khó nuốt

Được xem là thị trường thương mại điện tử tiềm năng, song Việt Nam vẫn đang loay hoay để làm sao “đòn bẩy” kinh tế này cất cánh…

Thương mại điện tử ở Việt Nam chập chững vào những năm 2000, thế nhưng từ năm 2010, ngành thương mại “phi truyền thống” này mới thực sự bùng nổ. Nó được coi là “đòn bẩy” để phát triển của các doanh nghiệp, nhất là khi công nghệ di động, Internet đang đến với mọi ngõ ngách của cuộc sống.

Song, càng phát triển thì thương mại điện tử ở Việt Nam lại bộc lộ nhiều bất cập. Hiện, “đòn bẩy” này vẫn chưa tạo được niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng do kiểu làm ăn chộp giật của nhiều người tham gia. Thậm chí, không gian mạng còn bị lợi dụng để nói xấu, bôi nhọ nhằm hạ bệ lẫn nhau…

Để phát triển một ngành thương mại điện tử thực sự bền vững,  các cơ quan nhà nước đang "bắt tay" để ban hành chính sách sát thực tế. Song, sẽ chỉ là “ném đá ao bèo” nếu ý thức người dùng không cao và chế tài xử phạt không đủ nặng.

Vietnam+ xin giới thiệu đến độc giả chùm bài viết “Thương mại điện tử: Món ngon khó nuốt.”

Bài 1: Thương mại điện tử Việt Nam: “Nấm mọc sau mưa”

Với sự bùng nổ của Internet, 3G và các thiết bị di động, thương mại điện tử ở Việt Nam như được chắp thêm sức mạnh để cất cánh. Người ta có thể tạo ra một trang web, một chủ đề trên các diễn đàn, mạng xã hội để bán hàng chỉ qua vài cái click chuột.

Thế nhưng, kéo theo sự dễ dãi nói trên bao giờ cũng là những hệ lụy khó lường…

Nhà nhà, người người kinh doanh mạng

Dạo một vòng trên Internet, người tiêu dùng khá choáng ngợp với rất nhiều các trang thương mại điện tử tiếng Việt. Một báo cáo thương mại điện tử của Bộ Công thương cho thấy, có 42% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã xây dựng website. Trong đó, có 89% website có chức năng giới thiệu sản phẩm và 38% có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Đó chỉ là con số “có thống kê,” còn thực tế theo ông Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Truyền thông của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các website của cá nhân lập ra để kinh doanh trên mạng hiện nay “không thể đếm xuể.”

Cũng theo ông Bình, tuy chưa có con số chính xác song ước tính có khoảng hơn 40.000 website bán hàng của các doanh nghiệp, các sàn giao dịch chính thống dưới 20 website, số lượng sàn giao dịch có tên tuổi thậm chí chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Trần Anh Tú, quản lý hệ thống bán hàng online của chuỗi siêu thị điện máy HC cho rằng việc lập ra một webisite là rất dễ dàng. Người ta chỉ cần đăng ký một tên miền quốc tế để tránh sự quản lý, rồi bày bán những mặt hàng tùy ý muốn.

Thương mại điện tử Việt Nam: Món ngon khó nuốt ảnh 1Chỉ cần vài cái click chuột, người bán đã có thể lập được trang trên mạng xã hội, chủ đề trên diễn đàn để kinh doanh online. (Ảnh: Vietnam+)

Khảo sát của phóng viên Vietnam+ cho thấy, chỉ cần có nhu cầu, người bán có thể thuê các công ty chuyên thiết kế website bán hàng tạo lập web có chức năng đăng bán sản phẩm, thu ngân, ghi nhận đơn hàng… với mức phí chỉ 2-3 triệu đồng/năm. Hoặc, nếu không muốn mất tiền, người bán có thể dùng mạng xã hội, các diễn đàn mang tính chuyên biệt như lamchame.com, muare.vn, Facebook.com… để mở mục, rao bán các sản phẩm của mình.

Lợi dụng để lừa đảo

Với quy mô dân số 90 triệu dân, hơn 31 triệu người sử dụng Internet, rõ ràng thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn tiềm tàng cơ hội. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, việc các website, shop online mọc ra như nấm sau mưa thực tế đã đem lại không ít hệ lụy, khiến ngành này không dễ để khởi sắc.

Thực tế, theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), người sở hữu website thương mại điện tử là người đưa ra luật lệ giao dịch, đề ra những điều khoản cung cấp hàng hóa cho người dùng. Do đó, tính minh bạch trong giao dịch và quyền lợi của người tiêu dùng trong các giao dịch thường bị xem nhẹ. Chỉ cần một cú click chuột, người tiêu dùng đã có thể ở trong tình trạng buộc phải mua sản phẩm cho dù không đúng với quảng cáo của người bán.

Ông Nguyễn Hòa Bình-trên cương vị là Tổng Giám đốc PeaceSoft (sở hữu sàn giao dịch chodientu.com, ebay.vn) thì thẳng thắn: Chính sự dễ dãi của thương mại điện tử hiện nay dẫn đến không ít doanh nghiệp, cá nhân làm ăn chụp giật, lợi dụng để lừa đảo khách hàng. Điều này khiến ngành thương mại điện tử ở Việt Nam chưa thể cất cánh như kỳ vọng.

Thực tế cho thấy, không ít trường hợp người mua nhận được hàng hóa không đúng với mô tả ban đầu về chất lượng, thậm chí sai lệch cả về hình ảnh trên website. Sự dễ dãi của thương mại điện tử, theo ông Bình, còn kéo theo nhiều hệ lụy như vụ MB 24 (làm thương mại điện tử đa cấp) hoặc việc hàng trăm website mua bán theo nhóm sụp đổ.

Việc không quản lý được các website thương mại điện tử trôi nổi khiến người bán có thể mặc sức “tung hứng,” người mua liên tục “mắc lỡm” nên nhiều người đã lựa chọn cách mua hàng truyền thống và quay lưng lại với thương mại điện tử.

Ở nhiều trường hợp, người dùng khá thận trọng khi tìm kiếm, xem hình ảnh sản phẩm trên website, rồi đến tận cửa hàng của người bán để mua, tránh việc bị lừa. Và điều này đã làm mất đi tính thuần chất của thương mại điện tử, đó là việc mua bán chỉ thông qua giao dịch online.

Ông Trần Anh Tú thì chia sẻ, việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu uy tín trong thương mại điện tử khiến nhiều website làm ăn chân chính bị nghi ngờ. Không ít lần HC nhận được những câu hỏi như: “Nếu tôi chuyển tiền cho bạn thì lấy gì bảo đảm bạn sẽ chuyển hàng?” hoặc “Lấy gì bảo đảm hàng đúng như mô tả, đúng chất lượng…”/.

Sự thiếu chuyên nghiệp của những người tham gia thương mại điện tử không chỉ làm người tiêu dùng mất lòng tin. Thực tế có nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng những kẽ hở của thế giới ảo, sự lan truyền chóng mặt của các diễn đàn, mạng xã hội để nói xấu, hạ uy tín doanh nghiệp.

Mời độc giả đón đọc bài 2: Dùng “chiêu hèn, kế bẩn” để hạ uy tín của đối thủ

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục