Thường vụ Quốc hội khóa XIII họp phiên đầu tiên

UBTVQH sẽ thảo luận nội dung đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII.
Sáng 22/8, phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung thảo luận về nội dung đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII; cho ý kiến về chủ trương xây dựng đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật lưu trữ, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật đo lường; nghe báo cáo về việc bảo đảm cơ sở vật chất, hậu cần, thông tin tuyên truyền phục vụ hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Tại phiên họp sáng 22/8, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII; chủ trương xây dựng đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII khẳng định tiếp nối thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, kỳ họp thứ nhất đã hoàn thành tốt đẹp nội dung chương trình đề ra là xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước; thực hiện công tác lập pháp; xem xét tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Việc xem xét, quyết định về công tác tổ chức nhân sự là công việc quan trọng của kỳ họp, có ý nghĩa to lớn đối với chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong suốt cả nhiệm kỳ. Nhờ được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, triển khai chặt chẽ, thực hiện đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, dân chủ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, cụ thể là định hướng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, kết quả bầu và phê chuẩn các chức danh cụ thể đều đạt tỷ lệ tán thành rất cao, thể hiện sự đồng thuận, được dư luận xã hội và cử tri đặc biệt quan tâm, ủng hộ.

Báo cáo đã đề cập tới những nội dung cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh tới việc tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Đảng đoàn Quốc hội về hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm kế thừa, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách trước đất nước, trước nhân dân; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Các nghị quyết của Quốc hội vừa được thông qua tại kỳ họp thứ nhất được tổ chức thực hiện có hiệu quả, trong đó tập trung thực hiện tốt việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và các văn kiện khác của Đảng.

Các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan nâng cao hơn nữa trách nhiệm, tăng cường phối hợp trong việc sớm chuẩn bị các nội dung, nghiên cứu đề xuất cải tiến nâng cao chất lượng các kỳ họp, trước mắt là kỳ họp thứ hai. Vai trò, trí tuệ và trách nhiệm các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Quốc hội trúng cử lần đầu cần được phát huy hơn nữa trong việc xem xét, quyết định các nội dung của kỳ họp; sự đóng góp của nhân dân, cử tri cả nước trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp; giữ mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với cử tri, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến của cử tri; tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân...

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến vào 13 dự án luật. Ngoài ra, Quốc hội sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế-xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung đã được đề cập trong Báo cáo. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị báo cáo cần bổ sung thêm nội dung về đánh giá kết quả cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, trong đó nêu bật những thắng lợi của cuộc bầu cử.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII là một nội dung quan trọng, đề nghị cần bổ sung những nội dung cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan trình dự án, cơ quan thẩm tra dự án và các cơ quan liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương chuẩn bị các dự án, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng. Có ý kiến cho rằng, các dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ hai đã được Quốc hội khóa XII cho ý kiến tại các kỳ họp trước và có điều kiện thuận lợi về thời gian để chỉnh lý, hoàn thiện.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội khóa XIII chưa được tiếp cận các dự án luật này, đề nghị tạo điều kiện để đại biểu sớm tiếp cận nội dung các dự thảo luật, xem xét, cân nhắc kỹ mọi vấn đề trước khi biểu quyết thông qua.

Theo Tờ trình, Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đồng thời, Đề án góp phần chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các luật về tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Qua thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu đều nhất trí với chủ trương xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, đây là việc làm quan trọng, cần có những bước đi vững chắc, không vội vã. Những nội dung chưa chắc chắn cần tổ chức làm thí điểm. Về thời gian triển khai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị có những việc có thể triển khai ngay tại kỳ họp tới, cũng có những nội dung phải thực hiện lâu dài, do đó cần có kế hoạch triển khai cụ thể.

Bàn về các điều kiện bảo đảm cho sự đổi mới, bà Trương Thị Mai và một số ý kiến khác cho rằng việc cung cấp thông tin cập nhật, đầy đủ cho các đại biểu Quốc hội là một trong những điều kiện bảo đảm cho sự đổi mới.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng thảo luận cho ý kiến về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; đổi mới việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội, hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội...


Kết luận buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp của các vị đại biểu để bổ sung hoàn thiện Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan hữu quan đặc biệt quan tâm và chuẩn bị thật tốt, thật kỹ các dự án luật sẽ được đưa ra tại kỳ họp thứ hai bao gồm thông qua 6 luật và 1 nghị quyết và cho ý kiến 13 dự án luật khác.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khâu chuẩn bị làm tốt mới nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và không ảnh hưởng tới chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan hữu quan cần có sự chuẩn bị chu đáo để đại biểu Quốc hội khóa XIII được tiếp cận nội dung các dự thảo luật, xem xét các dự án luật đã được Quốc hội khóa XII cho ý kiến tại các kỳ họp trước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội cần giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân; ngoài hoạt động tiếp xúc cử tri cần có các hoạt động để thăm dân, sát dân hơn, quan đó hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, làm tốt vai trò là người đại biểu của nhân dân./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục